Đất nước hiếm hoi ở châu Á muốn giảm tỷ lệ sinh

Giữa lúc châu Á dồn nhiều nguồn lực để tăng tỷ lệ sinh, Philippines lại muốn tìm cách giảm số lượng trẻ em.

Khi tỷ lệ sinh giảm mạnh trên khắp châu Á, Philippines nổi lên là quốc gia có tỷ lệ sinh cao hàng đầu khu vực.

Trong nhiều năm, quốc gia Đông Nam Á này đã phải vật lộn với một tình thế trái ngược với Nhật Bản và Hàn Quốc - nơi chính phủ đang đưa ra các ưu đãi bằng tiền mặt cho các cặp vợ chồng có con.

Trong khi nhiều quốc gia ghi nhận số người chết cao hơn số ca sinh, Philippines là một điểm sáng đối với những người tin rằng lực lượng lao động trẻ mang lại năng suất cao hơn.

Tuy nhiên, giới chức ở Philippines, quốc gia có 113 triệu dân, lại nhìn nhận vấn đề theo cách khác. Chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cảnh báo rằng nước này không thể đạt được thành công kinh tế rộng lớn nếu không giải quyết các thách thức về nhân khẩu học.

Thách thức

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao trong hầu hết thập kỷ qua, Philippines vẫn được xếp vào hàng nghèo nhất trong khu vực lân cận. Việc giảm tỷ lệ sinh - vốn cao gấp đôi so với Hàn Quốc - là một chiến lược quan trọng để kích thích phát triển.

Thay đổi thái độ về kế hoạch hóa gia đình đã chứng minh là một thách thức ở quốc gia đa số người dân theo Công giáo này. Tỷ lệ sinh tăng gắn liền với những kỳ vọng về tôn giáo và văn hóa, đồng thời phản ánh rằng khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai và dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn yếu.

Mặc dù lực lượng lao động giảm có thể là một vấn đề ở các quốc gia giàu có, Arsenio Balisacan, thư ký của Cơ quan Phát triển và Kinh tế Quốc gia, cho biết các quan chức ở những nước đó có tiền để đầu tư vào công nghệ và phát triển.

Tuy nhiên, ở Philippines, việc dân số tăng đặt ra áp lực lớn đối với các nguồn tài nguyên hạn chế. Chính phủ Philippines đã đưa kế hoạch hóa gia đình trở thành một trong những ưu tiên ngân sách lớn nhất trong năm nay.

 Philippines có tỷ lệ sinh cao hàng đầu khu vực. Ảnh: Reuters.

Philippines có tỷ lệ sinh cao hàng đầu khu vực. Ảnh: Reuters.

Bloomberg cho biết có những phản ứng lẫn lộn về việc suy giảm dân số có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới.

Ngay cả khi dân số suy giảm giúp ích cho nhiều yếu tố như tính bền vững của môi trường, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức, bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe và hưu trí tăng cao. Châu Á - nơi tỷ lệ sinh giảm mạnh hàng đầu thế giới - là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.

Tỷ lệ sinh giảm là mối lo ngại lớn đối với một số nền kinh tế lớn nhất châu Á. Tại Nhật Bản, nơi tỷ lệ sinh đã giảm trong nhiều năm, chính phủ đã công bố các biện pháp mới để tăng số ca sinh.

Ở Trung Quốc, vào năm ngoái, dân số nước này lần đầu giảm kể từ những năm 1960. Giới chức Trung Quốc đang vận động để người dân thay đổi quan điểm về quy mô gia đình.

Tại Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết nước này đã chi hơn 200 tỷ USD trong 16 năm qua để cố gắng tăng dân số.

Đầu tư vào lao động trẻ

Trong khi đó, theo Liên Hợp Quốc, Philippines là một trong số ít những quốc gia sẽ đóng góp đáng kể vào mức tăng dân số toàn cầu dự kiến đến năm 2050.

Ông Balisacan cho biết Philippines phải tận dụng “điểm tốt nhất về nhân khẩu học”, trong đó tốc độ tăng dân số thấp hơn tốc độ tăng của lực lượng lao động. Nước này không thể thúc đẩy GDP, trừ khi tạo ra đủ việc làm có chất lượng.

Từ đó, ông Balisacan nhận định các nhà hoạch định chính sách ở những quốc gia giàu có như Nhật Bản có thể giải quyết việc tỷ lệ sinh suy giảm tương đối dễ dàng. “Họ chỉ cần nới lỏng chính sách nhập cư”, ông nói.

Trong khi đó, Philippines cũng ghi nhận những bước tiến. Theo dữ liệu sơ bộ của chính phủ, tỷ lệ sinh của Philippines đã giảm xuống còn 1,9 trẻ em trên mỗi phụ nữ vào năm 2022, mặc dù rất khó để đánh giá tác động của các hạn chế liên quan đến đại dịch. Con số của 5 năm trước đó là 2,7.

Lisa Grace Bersales, Giám đốc điều hành của Ủy ban Dân số và Phát triển Philippines, cho biết khi nước này khao khát lợi tức nhân khẩu học, họ phải chú ý đến chất lượng của lực lượng lao động, sự tham gia của phụ nữ và các nhóm thiểu số khác, cũng như nhiều yếu tố có xu hướng tạo ra bất bình đẳng.

Theo UNFPA, lợi tức nhân khẩu học là tiềm năng tăng trưởng kinh tế từ những thay đổi trong cơ cấu dân số theo độ tuổi, chủ yếu khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động lớn hơn tỷ lệ dân số không trong độ tuổi lao động.

Chính phủ của Tổng thống Marcos đang dành “tầm quan trọng hàng đầu” cho lực lượng lao động trẻ. Ảnh: Reuters.

Theo ông Bersales, ủy ban dân số đang đề ra một kế hoạch hành động 5 năm. Ông cho biết bên cạnh việc giải quyết các nhu cầu về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hành động sẽ đưa ra các vấn đề như giáo dục, việc làm, di cư và biến đổi khí hậu theo cách tiếp cận toàn diện về nhân khẩu học.

Kế hoạch hóa gia đình cũng được thúc đẩy sau khi Philippines thông qua luật sức khỏe sinh sản mang tính bước ngoặt vào năm 2012. Luật này mở rộng khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai, kiểm soát sinh sản, giáo dục giới tính và chăm sóc bà mẹ ở Philippines.

Theo cơ quan thống kê, khoảng một nửa số phụ nữ Philippines đã kết hôn ngày nay không muốn có thêm con. Phụ nữ ở khu vực nông thôn - nơi khó tiếp cận các biện pháp tránh thai hơn - có tỷ lệ sinh cao hơn là 2,2 con/phụ nữ vào năm ngoái, so với con số 1,7 ở khu vực thành thị.

Theo Bộ trưởng Ngân sách Amenah Pangandaman, chính phủ của ông Marcos đang dành “tầm quan trọng hàng đầu” cho lực lượng lao động trẻ bằng cách phân bổ ngân sách để thuê sinh viên tốt nghiệp thực tập và giúp họ tìm kiếm việc làm.

Trong một bài phát biểu trước các nhà đầu tư tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York vào tháng 9/2022, ông Marcos đã ca ngợi tinh thần sẵn sàng làm việc của giới trẻ.

“Tôi tin rằng chúng tôi là quốc gia trẻ nhất ở châu Á. Và với sự già đi của các quốc gia khác trong khu vực, điều này mang lại cho chúng tôi một lợi thế”, ông nói thêm.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dat-nuoc-hiem-hoi-o-chau-a-muon-giam-ty-le-sinh-post1436409.html