Đất nước nào ở châu Âu có tục xông đất ngày Tết giống Việt Nam

Theo truyền thống tại quốc gia này, người xông đất sẽ mang theo một món quà để tặng gia chủ.

Theo CBBC, first footing (hay còn gọi là first foot), là phong tục xông đất đầu năm của Scotland. Sau đêm giao thừa, người dân sẽ đến nhà người thân, bạn bè chúc Tết, tặng quà. Để mang lại may mắn cho gia chủ, người xông đất phải là nam giới, cao, tóc đen. Truyền thống này được cho là xuất hiện sau các cuộc xâm lược của người Viking. Người Scotland quan niệm, nếu người xông đất có mái tóc sáng màu giống người Viking sẽ mang lại điềm xui hoặc những điều nguy hiểm. Ngoài ra, trước thềm năm mới, người dân cũng dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ tro bếp nhằm xua tan những điều không hay của năm cũ. Ảnh: Shropshire Star.

Theo CBBC, first footing (hay còn gọi là first foot), là phong tục xông đất đầu năm của Scotland. Sau đêm giao thừa, người dân sẽ đến nhà người thân, bạn bè chúc Tết, tặng quà. Để mang lại may mắn cho gia chủ, người xông đất phải là nam giới, cao, tóc đen. Truyền thống này được cho là xuất hiện sau các cuộc xâm lược của người Viking. Người Scotland quan niệm, nếu người xông đất có mái tóc sáng màu giống người Viking sẽ mang lại điềm xui hoặc những điều nguy hiểm. Ngoài ra, trước thềm năm mới, người dân cũng dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ tro bếp nhằm xua tan những điều không hay của năm cũ. Ảnh: Shropshire Star.

Theo truyền thống, người xông đất sẽ mang theo một món quà tặng chủ nhà. Do người xông đất có mái tóc đen, họ sẽ tặng món quà có màu sắc tương ứng như than, bánh mì đen, rượu whisky, thậm chí là một búi tóc màu đen. Hai món quà được ưa chuộng là than và bánh mì đen. Than tượng trưng cho những điều ấm áp, bánh mì đen mang theo lời chúc ấm no cho năm mới. Ảnh: Global Door.

Đêm giao thừa ở Scotland được gọi là Hogmanay. Người dân địa phương tin rằng từ này bắt nguồn từ "hoginane" trong tiếng Pháp, nghĩa là ngày dạ tiệc. Tiến sĩ Donna Heddle tại Đại học Highlands and Islands (Scotland), nói với CBBC từ này cũng có thể xuất phát từ "haleg monath" trong ngôn ngữ Anglo-Saxon, nghĩa là tháng thánh. Ảnh: The Proclainmers.

Rước đuốc là nghi thức truyền thống vào ngày Tết ở Scotland. Người dân địa phương tin rằng ngọn lửa sẽ xua đuổi tà ma, chào đón mặt trời và mang lại may mắn cho ngư dân trong năm mới. Hoạt động rước đuốc phổ biến ở Stonehaven, Comrie, Biggar và Edinburgh. Vào ngày 30/12 hàng năm, hàng nghìn người ở thủ đô Edinburgh sẽ tham gia lễ hội rước đuốc qua những con phố lịch sử và dừng chân tại công viên Holyrood. Ảnh: We travel guides.

The Bells được sử dụng để mô tả khoảnh khắc bước sang năm mới ở Scotland. Theo The Week, cụm từ này bắt nguồn từ tiếng chuông nhà thờ khi đồng hồ điểm 12h, báo hiệu ngày đầu tiên của năm mới bắt đầu. Ảnh: Daily Record.

Loony dook là sự kiện được tổ chức vào ngày đầu năm ở Scotland. Người dân sẽ mặc những bộ quần áo lộng lẫy và ngâm mình trên dòng sông Firth of Forth, phía bắc Edinburgh. Loony dook bắt nguồn từ năm 1987, ban đầu chỉ là nghi thức địa phương, hiện trở thành sự kiện quốc tế. Cái tên Loony dook là sự kết hợp của loony (viết tắt của lunatic, nghĩa là điên rồ) và dook, theo tiếng địa phương Scotland nghĩa là tắm hoặc ngâm mình. Ảnh: VisitScotland.

Auld Lang Syne là ca khúc năm mới của người dân Scotland. Theo The Week, ca khúc được nhà thơ Robert Burns sáng tác vào năm 1788. Bài hát nói về những người bạn, dù bước qua năm mới nhưng không quên những khoảng thời gian tốt đẹp ngày trước. Theo truyền thống, mọi người sẽ đứng thành vòng tròn, bắt chéo tay và cùng nhau hát Auld Lang Syne. Khi đến cuối bài hát, vòng tròn sẽ được thu nhỏ, tất cả kết thúc khoảnh khắc này bằng một cái ôm hoặc một nụ hôn. Ảnh: Bristol Live.

Theo Minh Thúy/ Zing

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/ta-tay/dat-nuoc-nao-o-chau-au-co-tuc-xong-dat-ngay-tet-giong-viet-nam-1498230.html