Đất nước viết từ đảo xa

Đất nước!

Đất nước!

Tôi đã mở đầu mạch cảm xúc của mình bằng hai đại từ thiêng liêng đó khi hướng ống kính máy ảnh vào khoảnh khắc cuộc tiễn đưa các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Nhìn những người lính lần lượt bước qua khoảng cách mớp bờ cảng để lên boong tàu, chợt dào lên trong tôi ý nghĩ: Thì ra, cái khoảng cách giữa mớp bờ cảng với mớp boong tàu nối bằng khoảng cách một cái bắt tay cũng chính là khoảng cách giữa Đất và Nước. Ngỡ xa vậy mà hiện hữu trước mắt tôi thực gần. Rất gần! chỉ cần nửa tầm với, đủ để người đi ra biển với sóng và nước, người ở lại với bến, với bờ nắm tay nhau trong lưu luyến. Bởi ngoại trừ cánh nhà báo chúng tôi là khách theo hải trình ra thăm đảo rồi về theo tàu, còn lại những người trẻ trung líu tíu, hồn nhiên sau những cái bắt tay qua cái khoảng cách bến bờ đó là một khoảng thời gian 2 năm chẵn 730 ngày giữa trùng khơi biên đảo Tổ quốc.

Biển trời Trường Sa.

Biển trời Trường Sa.

Đất nước!

Đó là tiếng còi tàu kéo từng hồi dài trong thời khắc con tàu rời bến bờ ra biển. Trên boong tàu đang rùng rùng chờm ra cửa biển, những người lính của mọi miền quê Bắc - Trung - Nam kết vào nhau thành hàng huơ tay vẫy chào những đồng đội và người thân đang lưu luyến phía bến, phía bờ. Tiếng những người lính trên tàu vượt qua tiếng gió, tiếng máy mà òa lan vào không gian cảng vịnh: Chào đất mẹ!

Vâng, đã có một lời chào giản dị mà thiêng liêng như vậy trong một chiều cuối năm. Và đó không chỉ là lời chào, bởi hơn thế còn là một lời thề của những người con dứt từ núm ruột của những bà mẹ Việt Nam trong hải trình ra làm nhiệm vụ nơi biên đảo Trường Sa - tuyến biên đảo chắn sóng phía cực đông, một phần máu thịt trong hình hài Tổ quốc.

Đất nước!

Là đêm không ngủ với dư cảm của buổi chiều xa bến, xa bờ. Là buổi sáng ngày mới, biển bỗng òa ra mênh mang những sóng, những nước. Giữa bốn bề không gian biển khơi, ngẩng đầu hướng về phía trước, ta bỗng cảm nhận cái cảm giác được tựa vào sau lưng vững chãi những bến, những bờ. Để rồi, thay cho lời chào ngày mới giữa trùng khơi biển đảo, mỗi người lính bỗng đặt tay lên ngực trái mà hướng về phía bờ mà áp mình vào hình hài của Đất Nước thiêng liêng, hiền hiện mở ra theo chiều sóng nước khơi xa mà vẫn gần như bến, như bờ.

Khát vọng Trường Sa.

Đất nước!

Là một khoảnh khắc nhìn gương mặt cương nghị của người lính trẻ nổi trên nền lá cờ Tổ quốc đã sờn bạc, ngạo nghễ ở điểm đảo Tóc Tan bất chợt nhớ lại trận chiến đấu trên cao điểm 544 ở tây bắc đường số 9 Quảng Trị vào tháng 6-1971. Tôi cùng 3 chiến sĩ của mình đối mặt với 2 đại đội bộ binh ngụy. Suốt một ngày phơi lưng cho hàng chục đợt ném bom của không quân Mỹ cùng hàng trăm trái pháo cấp tập hủy diệt trận địa. Những người lính chúng tôi đã đẩy lùi hàng chục cuộc tấn công của bọn địch đông gấp hàng trăm lần. Cuộc chiến không cân về lượng đã làm cả 4 chúng tôi bị thương nặng, cơ số đạn cũng chỉ còn cầm chừng. Trong tình thế ngặt nghèo, tôi đã lấy tấm ảnh Bác Hồ trong cuốn sổ tay và chấm máu viết vào lưng ảnh lời thề quyết tử rồi đưa cho lần lượt từng người hôn ảnh Bác, thề giữ chốt đến cùng.

Thời đó khi hôn di ảnh Bác Hồ, thực sự chúng tôi đã như được tựa vào hồn đất nước mà chấp nhận hy sinh. Và rồi tôi cũng đã từng nghĩ đó cũng là đỉnh điểm của sự ác liệt của chiến tranh. Bây giờ nhìn gương mặt người lính trẻ trên nền lá quốc kỳ giữa biển đông, tôi mới chợt nhận ra rằng ngày đó, thế hệ chúng tôi chiến đấu tuy ác liệt gian nan là vậy, song dẫu gì thì ở phía sau chúng tôi vẫn còn có đất để tựa vào mà chiến đấu. Còn bây giờ, người lính Trường Sa giữa biển khơi, trước mặt, sau lưng chỉ là mênh mông sóng biển. Cái duy nhất để người lính tựa vào mà sống chiến đấu chính là dáng hình Đất Nước hiện hữu trên nền cờ Tổ quốc thiêng liêng.

Trường Sa long chầu hổ phục.

Đất nước!

Là câu chuyện tôi chép lại trên doi cát uốn theo hình chữ S ở đảo Len Đao. Lạ thường vì cũng một dáng hình chữ S đó thôi, nhưng doi cát cứ quanh năm vần xoay quanh đảo. Mùa tháng tư, tháng năm, cát tụ theo hình chữ S ở phía Đông Bắc. Mùa giông gió cuối năm, hình hài Tổ quốc lại phát lộ hướng Tây Nam. Cứ vậy với một nhóm chiến sĩ đang đi tuần biển ở khúc eo thắt giữa hình hài đất nước như gợi nhớ khúc hành phương Nam tráng hùng một thuở mang gươm đi giữ nước.

Một điều tưởng lạ mà như một sắp đặt của tự nhiên. Hầu như bất cứ điểm đảo nào trong quần đảo Trường Sa cũng hiện hữu những doi cát dát thành sóng uốn mình như thế hổ phục cùng những dải mây hóa hình bạch long chầu phục, quấn quýt thành cuộc đất thiêng giữa mênh mang biển trời. Và cũng không riêng gì Len Đao, lần lượt những chuyến đi tiếp theo đến các đảo trong toàn bộ quần đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tôi đã có trong bộ sưu tập của mình hàng chục doi cát hình rồng, dáng hổ quần tụ quanh đảo theo định kỳ, đầu năm “rồng” duỗi mình từ chân nhà đảo theo hướng Đông Nam, cuối năm, vào thời điểm trước thềm năm mới, lườn cát lại trở đầu, phục mình hướng về phương Tây - Bắc mà hóa “rồng”, năm này qua năm khác cứ vậy, không bao giờ khác. Ngẫm theo quan niệm phong thủy, thì chỉ nơi thế đất, thế nước hội phong, tích thủy, tích tụ nguyên khí của đất trời. Và hiểu theo luật phong thủy đó, với một thế đất, thế nước nơi nào cũng tụ nguyên khí với đủ điều kiện cho khí và nước vận hành theo chiều thuận lợi cho đảo hóa hổ, biển cát hóa rồng như kể trên thì toàn bộ tuyến đảo quây quần trong huyện đảo Trường Sa thực sự tạo thành một thể quần long hội tụ.

Vâng, từng đã có một Hà Nội hội tụ được đầy đủ các dòng nguyên khí từ trên trời xuống, từ bên ngoài vào, từ các dòng sông chuyển tới, trở thành tâm đỉnh của cuộc đất Việt Nam với địa linh và vượng khí trường tồn, thì ngay trên hầu khắp tuyến biển đảo phên giậu của Tổ quốc, các thế hệ người Việt Nam trong hành trình hướng biển muôn đời cũng đang sở hữu một vùng biển đảo “tích phong, tụ thủy” mà hội tụ quan yếu của bốn phương, mãi mãi muôn đời xứng với tuyến đảo chắn sóng của Tổ quốc.

Sóng nước Trường Sa.

Đất nước!

Đó cũng là câu chuyện tôi muốn kể về những cánh chim bồ câu hiền lành chao về tổ ấm trên đảo Sinh Tồn Đông chở theo “Khát vọng Trường Sa”. Từng ở trong trận mạc đi ra, chiêm ngẫm và hiểu rõ về chiến tranh. Tôi hiểu cũng như thế hệ chúng tôi đã không một ai tự lựa chọn chiến tranh, bởi chính chiến tranh lựa chọn chúng tôi. Thế hệ đồng đội kế tục chúng tôi bây giờ ở Trường Sa cũng vậy, chính Trường Sa lựa chọn họ để cầm súng chiến đấu vì khát vọng hòa bình...

Vâng, phát động một cuộc chiến tranh không khó, nhưng ngăn một cuộc chiến tranh để nó không xảy ra mới là điều khó, và là điều nên làm, phải làm giản dị, và thiêng liêng thành khát vọng Trường Sa!

LÊ BÁ DƯƠNG

Biển trời Trường Sa.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_227792_dat-nuoc-viet-tu-dao-xa.aspx