Đặt tên cho con cần xuất phát từ lợi ích tốt nhất của trẻ

Đây là nội dung được Bộ Tư pháp lưu ý trong văn bản trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Hải Dương.Theo Bộ Tư pháp, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP đã quy định: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh.

Cùng với đó, Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, một ký tự mà không phải là chữ.

Từ các quy định trên đây cho thấy, trẻ em có quyền có họ, tên; cha mẹ có trách nhiệm lựa chọn họ, tên cho con. “Việc đặt tên cho con vừa phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, vừa phải xuất phát từ lợi ích tốt nhất của trẻ em. Cha mẹ không nên chỉ nghĩ đến quyền, lợi ích của mình (người lớn) trong khi đặt tên cho trẻ, đặc biệt là những tên không thuần Việt, nhạy cảm, quá dài… có thể gây trở ngại, bất lợi cho trẻ em khi lớn lên”, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch tăng cường tuyên truyền, giải thích rõ quy định pháp luật và khuyến khích cha, mẹ lựa chọn những tên gọi tiếng Việt phổ thông, dễ sử dụng để đặt tên cho trẻ.

Trước đó, thông tin đến Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Hải Dương cho biết, theo quy định khi nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Bộ luật Dân sự và Luật Hộ tịch cũng đã có quy định về quyền có họ, tên và thành phần tên của một người có thể có họ, chữ đệm, tên. Tuy nhiên, Khoản 4 Điều 19 Luật chỉ quy định có “tên gọi” Việt Nam là chưa cụ thể và cũng chưa có quy định nào hướng dẫn tên gọi Việt Nam là như thế nào, có nhất thiết bằng tiếng Việt hay không, vì Việt Nam có rất nhiều dân tộc, mỗi dân tộc có thể có những cách thức gọi tên khác nhau. Từ thực trạng này, tỉnh Hải Dương kiến nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể nội dung “tên gọi Việt Nam”.

Cũng theo phản ánh của tỉnh Hải Dương, thời gian qua, một số người từ nước ngoài (đa số phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc) nay trở về địa phương sinh sống, không có giấy tờ gì (xóa tên trong số hộ khẩu). Việc chứng minh có quốc tịch Việt Nam của bản thân hoặc xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo đó gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài, sau đó đưa về Việt Nam sinh sống (thông thường về ở với ông bà) mà không có giấy tờ gì của đứa trẻ, việc đăng ký khai sinh cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Đây là thực tế mà chưa có cách giải quyết thỏa đáng.

Trả lời nội dung này, Bộ Tư pháp cho biết, việc một số người từ nước ngoài về không có giấy tờ gì (xóa tên trong hộ khẩu), liên quan đến việc quản lý dân cư, cư trú, không thuộc chức năng của ngành Tư pháp. Tuy nhiên, trường hợp người dân đang cư trú tại Việt Nam mà không có giấy tờ gì, không có giấy khai sinh thì Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có hướng dẫn giải quyết đăng ký khai sinh cho họ, nhưng không thể hướng dẫn chung mà tùy theo từng trường hợp cụ thể. Do đó, khi địa phương có phát sinh vướng mắc thì chủ động xác minh các thông tin, thu thập các tài liệu liên quan, sau đó gửi hồ sơ về Cục để Cục nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/dat-ten-cho-con-can-xuat-phat-tu-loi-ich-tot-nhat-cua-tre-122652.html