Đạt tốc độ tăng trưởng cao trong các quý cuối năm là rất khó khăn

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, 6 tháng cuối năm 2020 cần tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.

Đứt gãy thị trường XK, GDP quý II đạt thấp

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2020 tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nước ta cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công và phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý.

Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81%. Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nhiều quốc gia chưa thể có giải pháp hữu hiệu phục hồi nền kinh tế và có mức tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng này tuy thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng là đáng ghi nhận, nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Dũng lưu ý, việc GDP của quý II chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta bị đứt gãy thị trường XK, thời gian cho hoạt động kinh tế đóng góp cho tăng trưởng không nhiều, chủ yếu tập trung vào tháng 6 do gần hết tháng 4 phải thực hiện chính sách cách ly xã hội, nhiều hoạt động bị ngừng trệ, tháng 5 mới bắt đầu làm quen dần với tình trạng bình thường mới.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng đã có mức tăng tích cực hơn quý I, ước tăng khoảng 1,19%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng khoảng 2,98%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện ở mức cao. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng nhất, ước quý II giảm 1,74% và tính chung 6 tháng chỉ tăng 0,57% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì. CPI có xu hướng giảm dần, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19%, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 2,81% so với cùng kỳ.

Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đã cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, ước đạt 156 nghìn tỷ đồng, bằng 33,1% kế hoạch.

“Do đây là giải pháp quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nên trong các tháng cuối năm cần phải thực hiện các giải pháp mạnh, kiên quyết để thúc đẩy thực hiện và giải ngân”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Đồng thời nhấn mạnh, nếu diễn biến dịch bệnh trên thế giới không có tín hiệu tích cực, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao trong các quý cuối năm là rất khó khăn.

Cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng, khẩn cấp

Khẳng định thách thức trong 6 tháng cuối năm còn rất lớn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, chính xác, kịp thời cùng sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi và phát triển kinh tế nhanh hơn.

“Tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn. Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng BộKH&ĐT nói.

Về các giải pháp để phục hồi kinh tế hậu Covid-19, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc”đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm; tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công. Đây là giải pháp trọng yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Xuất nhập khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề do thương mại thế giới giảm, việc nối lại các thị trường xuất khẩu và ký kết các hợp đồng mới gặp rất nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu ước đạt 117,2 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ; xuất siêu khoảng 4 tỷ USD.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dat-toc-do-tang-truong-cao-trong-cac-quy-cuoi-nam-la-rat-kho-khan-129298.html