Đặt trạm thu phí Cai Lậy trên QL1A: Giải thích của Bộ GTVT

Việc đặt trạm Cai Lậy tại vị trí hiện nay hoàn toàn nằm trong phạm vi dự án và được Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, chính quyền địa phương đồng ý.

Trạm thu phí Cai Lậy. Ảnh người lao động

Chiều 17/8, Bộ GTVT tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang). Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc báo.

Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi, căn cứ vào cơ sở nào để Bộ GTVT đặt trạm Cai Lậy tại vị trí hiện nay?

Ông Đông cho biết, quá trình lập dự án, phê duyệt dự án, đầu tư trạm thu phí Cai Lậy đều đã xin phép ý kiến và được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương, Bộ Tài Chính, Đoàn đại biểu Quốc Hội.

“Chúng tôi căn cứ vào phương án tài chính, quy định trong Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ để đặt trạm Cai Lậy. Thêm nữa, trạm nằm trong dự án nên được phép đặt tại vị trí hiện nay”, ông Đông nói.

Theo ông Đông, các dự án BOT đều hướng đến mục tiêu nhà nước không phải bỏ tiền, nhà đầu tư cũng có lợi nhuận. Hiện nay, Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại các trạm BOT không nằm trong dự án và có phương án xử lý.

Chiều 17/8, Bộ GTVT đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang).

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, Bộ GTVT có tính đến phương án di dời trạm Cai Lậy sang tuyến đường tránh không?

Ông Đông cho hay, do trạm nằm trong dự án và được phép đặt tại ví trí này nên sẽ không di dời trạm. Tuy nhiên, Bộ sẽ họp thêm với chủ đầu tư, các cơ quan liên quan, điều chỉnh phương án tài chính nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa chủ đầu tư và người dân.

Năm 2017, Bộ GTVT chỉ được phân bổ kinh phí 39.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông. Tuy nhiên, hiện nay Bộ đang phải hoàn trả khoảng 20.000 tỷ đồng cho các khoản nợ trước đó.

“Nhà nước không có tiền nên mới kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư trạm BOT. Chúng tôi đang nợ nhiều lắm, bộ giao thông ứng tiền rồi nhưng nợ vẫn chưa trả. Vì thế, chúng tôi cũng không có tiền để mua lại trạm thu phí Cai Lậy”, ông Đông nói thêm.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, nếu dự án có sai phạm thì trách nhiệm đầu tiên là nhà đầu tư, sau đó là Tổng cục đường Bộ Việt Nam. Tuy nhiên, trách nhiệm như thế nào thì cơ quan chức năng sẽ xem xét và sai đến đâu xử lý đến đó.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc báo

Nhiều ý kiến thắc mắc, sau khi tài xế gom tiền lẻ phản đối mức phí cao khi qua trạm Cai Lậy phía Bộ đã có động thái giảm phí cho tài xế. Vậy phía chủ đầu tư có tăng thời gian thu phí tại trạm này hay không?

Đại diện Bộ GTVT thông tin, thời gian thu phí tại trạm Cai Lậy sẽ có tăng. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư cùng các bên đang căn cứ vào phương án tài chính và sẽ có thông báo về mức tăng cụ thể.

Dự án xây dựng tuyến đường tránh Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) và tăng cường mặt đường QL1 (đoạn từ Km 1987 đến Km 2014) được khởi công vào năm 2014, xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.398 tỷ đồng.

Dự án có chiều dài 38,52km, trong đó, đoạn gia cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,5km, còn đoạn tuyến đường tránh xây mới dài 12,02km. Dự án do liên danh nhà đầu tư Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty CP đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 thực hiện.

Nguồn 24H: http://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/dat-tram-thu-phi-cai-lay-tren-ql1a-giai-thich-cua-bo-gtvt-c46a896758.html