'Đất vàng' Rạng Đông sẽ ra sao sau quyết định di dời?

Việc di dời nhà máy Rạng Đông, sau đó lô đất 5,7ha này được sử dụng vào mục đích gì khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Lãnh đạo công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông thông tin, đại hội cổ đông của công ty hồi tháng 5/2019 đã phê chuẩn kinh phí, kế hoạch di dời nhà máy sang Bắc Ninh, hoàn thành tiến độ vào năm 2022.

Sẽ di dời đến Quế Võ, Bắc Ninh

Được biết, trước vụ cháy, lãnh đạo công ty CP bóng đèn, phích nước Rạng Đông (gọi tắt là công ty Rạng Đông) đã có kế hoạch di dời sang Quế Võ (Bắc Ninh). Cách đây 2 năm, công ty cũng đã mua thêm đất ở khu vực xây dựng nhà máy, cũng như thuê một đơn vị thiết kế chi tiết toàn bộ nhà máy ở khu vực Bắc Ninh. Đại hội cổ đông của công ty Rạng Đông hồi tháng 5/2019 cũng đã chuẩn y kinh phí, tiến độ di dời nhà máy sang Bắc Ninh, từ nay đến năm 2022 phải hoàn thành.

Hiện trường công ty Rạng Đông sau vụ hỏa hoạn.

Hiện trường công ty Rạng Đông sau vụ hỏa hoạn.

Trước đó, năm 2006 đến cuối năm 2008, công ty Rạng Đông thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp xây dựng cơ sở 2 tại khu công nghiệp Quế Võ – Bắc Ninh với diện tích 6,2 ha. Vừa sản xuất cơ sở 1, vừa xây dựng cơ sở 2, vừa tháo dỡ di chuyển các lò thủy tinh phích, lò thủy tinh bóng ống và 6 dây chuyền thiết bị sản xuất thủy tinh kèm theo, toàn bộ khâu sản xuất ruột phích và phích hoàn chỉnh.

Năm 2015, thực hiện chiến lược phát triển, tái cấu trúc toàn diện công ty giai đoạn 2011-2015, tái cấu trúc về tổ chức sản xuất, công ty Rạng Đông đã quyết định đầu tư thêm 20.000m2 đất tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh, nâng diện tích tại cơ sở 2 lên thành 82.000 m2.

Nhà xưởng của công ty Rạng Đông tại Bắc Ninh

Được biết, sau vụ hỏa hoạn tại Nhà máy Rạng Đông, ngày 10/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại Công ty Rạng Đông (địa chỉ 87-89 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), trong đó có yêu cầu di dời công ty này khỏi nội thành.

Trong văn bản kể trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Công an thành phố, sau khi hoàn thành việc lấy mẫu để phục vụ công tác điều tra, khẩn trương bàn giao hiện trường vụ cháy cho công ty Rạng Đông để tiến hành ngay việc thu gom, xử lý toàn bộ chất thải do vụ cháy để lại theo đúng quy trình, quy định hiện hành; sau đó, tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực; đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã đẩy mạnh việc di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội và Quyết định 86/2010/QĐ-Ttg đã cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trường hợp chủ đất không có chức năng kinh doanh phù hợp với yêu cầu của Luật Đất đai thì QĐ 86 cũng cho phép liên doanh với pháp nhân có chức năng và thành lập pháp nhân mới để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Yếu tố quan trọng này đã khiến các doanh nghiệp sở hữu vị trí đắc địa tại Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư.

Trao đổi với báo chí, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho rằng, việc di dời các cơ sở công nghiệp đã được đặt ra từ sau quy hoạch năm 1998 và TP đã có rất nhiều chính sách ưu tiên để di dời.

Hà Nội cũng đã làm được một số trường hợp, như di dời nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, cơ khí Mai Động.

“Hà Nội có những cơ chế, chính sách rất ưu tiên. Nhà máy cơ khí Mai Động, Dệt 8/3 được giới thiệu địa điểm thích hợp, hỗ trợ cán bộ, công nhân viên.

Ngay như công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng được giới thiệu vị trí để di dời”, ông Nghiêm nói.

Băn khoăn số phận "đất vàng"

Sau vụ hỏa hoạn tại nhà máy Rạng Đông (Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) tại địa chỉ 87-89 Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến hàng chục kg thủy ngân bị phân tán, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề xuất di dời nhà máy ra khỏi khu vực cháy.

Việc di dời nhà máy Rạng Đông, sau đó lô đất 5,7ha này được sử dụng vào mục đích gì khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo tìm hiểu, Quyết định số 6665/QĐ-UBND do UBND Thành phố Hà Nội ban hành ngày 3/12/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 thuộc các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Khu đất quanh nhà máy Rạng Đông, phường Thanh Xuân Trung - nơi vừa xảy ra vụ cháy, nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị H2-3.

Khu đất quanh nhà máy Rạng Đông gồm các nhóm đất: 1 ô đất công cộng (kí hiệu CC), 1 ô đất cây xanh (kí hiệu CX), 2 ô đất trường học (1 trường trung học phổ thông, 1 trường tiểu học, kí hiệu TH), 1 ô đất hỗn hợp (kí hiệu HH) và 1 ô đất trống (chưa được quy hoạch làm gì).

Bản đồ quy hoạch khu vực nhà máy Rạng Đông.

Nguyên tắc của quy hoạch nêu rõ: Khu đất hỗn hợp được ưu tiên bố trí các chức năng thương mại, dịch vụ công cộng. Việc bố trí một phần căn hộ phải đảm bảo được cấp thẩm quyền chấp thuận, đồng thời, đảm bảo các điều kiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực và chỉ dành để phục vụ dân cư khu vực.

Do quy hoạch không chỉ định rõ trong 4 khu đất trên, khu đất nào thuộc Công ty Rạng Đông nên có thể xảy ra hai trường hợp: Một là, nếu di dời nhà máy Rạng Đông sẽ được quy hoạch đất làm công cộng, cây xanh, trường học; Hai là quy hoạch xây tòa nhà hỗn hợp, văn phòng, thương mại hoặc chung cư nếu được cấp phép.

Trong trường hợp xây chung cư, văn phòng, thương mại, Rạng Đông có thể hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp bất động sản khác để phát triển dự án, như cách Công ty cơ khí Hà Nội, Cao su Sao Vàng, Dệt kim Đông Xuân… đã từng thực hiện.

Hoặc, Rạng Đông có thể chuyển nhượng để thu lãi như chứng khoán BIDV hồi cuối tháng 5/2018 từng cho rằng: "Rạng Đông đã nhận được sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất và có quyền tự do chuyển đổi mục đích khu đất này. Nếu chuyển nhượng khu đất, Rạng Đông có thể thu được lãi".

Lô đất này của Rạng Đông được xem là lô đất vàng giữa thủ đô Hà Nội. Nơi đây từng là thủ phủ công nghiệp với cả chục nhà máy, xí nghiệp bao quanh, chẳng hạn như: Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long, Cơ khí Hà Nội, nhà máy xe đạp Thống Nhất, xí nghiệp Dệt Mùa Đông… Phần lớn các nhà máy khu vực nay đã được di dời, biến thành các khu đô thị.

Không khó để định giá khu đất 5,7 ha của Rạng Đông trên thị trường hiện tại, bởi hoàn toàn có thể tham chiếu giá bán với một số lô đất xung quanh từng được bán. Điển hình như giá trị lô đất của Cao su Sao Vàng rộng 6,2ha tại 231 Nguyễn Trãi, cách Rạng Đông khoảng 300 m) khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức bán đấu giá Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) tháng đầu tháng 7 vừa qua.

Một số cổ đông đã mua lại 15% cổ phần với giá gần 200 tỷ đồng. Tài sản lớn nhất của SRC chính là khu đất rộng 6,2ha tại Nguyễn Trãi, có thể phát triển thành khu đô thị trong tương lai.

Nếu chuyển nhượng, lô đất này cũng hoàn toàn có thể đem về "núi tiền" trị giá nghìn tỷ đồng cho Rạng Đông bởi nằm trong khu đất vàng, mặt cắt ngang 6,5 m, chỉ mất vài phút ra tuyến đường Nguyễn Trãi, hạ tầng giao thông đồng bộ với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sắp đi vào vận hành; và được hưởng tiện ích từ tòa cao ốc đã được xây trước đó như Royal City, hay thời gian tới khi siêu đô thị trên đường Nguyễn Trãi tại khu vực Cao - Xà - Lá nằm giáp ranh đi vào hoạt động.

Theo TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), nguyên Phó Viện trưởng Viện quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, để chuyển đổi công năng lô đất rộng 4,7 ha của Rạng Đông trước hết phải căn cứ vào quy hoạch chung thủ đô. Nếu quy hoạch cho phép xây dựng chung cư, văn phòng thì mới được thực hiện.

Tuy nhiên, sau vụ cháy xảy ra, ông cho rằng các cơ quan chức năng cần xác định rõ mức độ hóa chất phát tán ra môi trường là bao nhiêu để từ đó có thể khắc phục.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Sức khỏe cộng đồng, cho rằng muốn xây dựng chung cư tại lô đất của Rạng Đông, là công trình phục vụ để ở, thì phải đảm bảo điều kiện môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam.

"Đã là công trình để ở thì phải đảm bảo môi trường sống đúng tiêu chuẩn. Còn việc xử lý ra sao là trách nhiệm của các bên liên quan”, bà An nói.

TS Nguyễn Hồng Tiến nhấn mạnh khu vực Thanh Xuân đã phát triển quá nhiều chung cư, trong khi hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức. Ông cho rằng khi các nhà máy di dời ra khỏi nội đô, chính quyền cần quan tâm quỹ đất để xây dựng các công trình công ích, phục vụ đời sống người dân.

“Khu vực Hạ Đình có hạ tầng rất kém phát triển, nếu nhồi thêm chung cư thì sẽ rất chật chội. Có thể biến nơi đó thành công viên, vườn hoa phục vụ cộng đồng. Tất nhiên là sau khi làm sạch các hóa chất độc hại”, ông nói.

Giới chuyên gia cho rằng, hiện, khu vực Thanh Xuân đã phát triển quá nhiều chung cư. Do đó, khi các nhà máy di dời ra khỏi nội đô, chính quyền cần quan tâm quỹ đất để xây dựng các công trình công ích, phục vụ đời sống người dân đúng như tinh thần quy hoạch. Tất nhiên, là sau khi làm sạch các hóa chất độc hại.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/dat-vang-rang-dong-se-ra-sao-sau-quyet-dinh-di-doi-157645.html