Đặt vòng kim cô lên Huawei, Trump có ngăn được sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Mỹ đang sử dụng vũ khí mạnh nhất của mình để ngăn sự trỗi dậy của Trung Quốc, và gây ra những hậu quả tiêu cực cho thế giới, Bloomberg nhận định.

Hôm 15.5, Nhà Trắng đã khởi xướng một cuộc tấn công kép vào Trung Quốc: Ngăn các công ty bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ bán hàng vào nước này; đe dọa đưa Huawei vào “danh sách đen” và không được mua các thành phần thiết yếu từ các công ty Mỹ. Nếu trở thành hiện thực, động thái này có thể làm tê liệt công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của những gã khổng lồ sản xuất chip Mỹ từ Qualcomm đến Micron, và có khả năng cản trở sự ra mắt của các mạng không dây 5G quan trọng trên toàn thế giới.

“Các hành động của chính quyền Trump là một sự leo thang nghiêm trọng với Trung Quốc”, các nhà phân tích của Eurasia Group Paul là Triolo, Michael Hirson và Jeffrey Wright đã viết trong một ghi chú. Nếu được thực hiện đầy đủ, việc bị liệt vào “danh sách đen” có thể gây ra rủi ro lớn cho Huawei và mạng lưới khách hàng của công ty này trên toàn thế giới, vì công ty sẽ không thể nâng cấp phần mềm và tiến hành bảo trì và thay thế phần cứng thường xuyên.

Mối đe dọa có khả năng làm tăng nỗi sợ hãi ở Bắc Kinh rằng mục tiêu lớn hơn của Tổng thống Donald Trump là kiềm chế Trung Quốc, dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài cuộc chiến thương mại đã làm náo loạn thị trường toàn cầu trong nhiều tháng, Mỹ đã gây áp lực cho cả đồng minh và đối thủ để tránh sử dụng Huawei cho mạng 5G, điều sẽ tạo thành xương sống của nền kinh tế hiện đại.

Hôm 15.5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ sớm đưa Huawei vào một “danh sách thực thể”, nghĩa là bất kỳ công ty nào ở Mỹ cũng sẽ cần giấy phép đặc biệt để bán sản phẩm cho nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới. Vì các công ty Mỹ thống trị chất bán dẫn, điều đó có thể làm suy giảm việc sản xuất của Huawei trong mọi sản phẩm từ trạm gốc 5G đến điện thoại di động. Hãng này thậm chí có thể không sử dụng được Android, hệ điều hành phổ biến nhất trên toàn cầu cho điện thoại thông minh. Năm ngoái, một động thái tương tự gần như đã buộc ZTE, một công ty thiết bị viễn thông lớn khác của Trung Quốc, phải rời cuộc chơi.

"Điều này có thể hủy diệt Huawei”, Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định. Việc thiếu các lựa chọn thay thế là một lý do khiến Mỹ tin rằng động thái mới nhất có thể đe dọa Huawei và có lợi cho nước này.

Nhưng nhiều tháng qua, các nhà quan sát đã bác bỏ khả năng này, một phần vì nó sẽ làm tổn thương một số tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ. Chính quyền Trump cũng đang gây áp lực buộc các đồng minh loại thiết bị của Huawei khỏi mạng truyền thông của họ vì lý do bảo mật. Nhưng ý định này hầu như là đã thất bại, vì ngay cả Vương quốc Anh cũng từ chối hưởng ứng lời kêu gọi tẩy chay của Mỹ.

Trong khi đó, Huawei dường như đã lường trước khả năng này. Trong nhiều năm qua, hãng này đã phát triển và thiết kế chip của riêng mình, và sử dụng nó trong nhiều điện thoại thông minh của hãng. Huawei này thậm chí phát triển phần mềm điều hành của riêng mình để vận hành điện thoại và máy chủ.

Tuy nhiên, Huawei hiện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ Mỹ. Các trạm cơ sở, điện thoại thông minh, máy chủ và cáp hàng hải của Huawei chỉ đơn giản là không thể chạy mà không có băng gốc (baseband) và bộ xử lý Qualcomm. Huawei cũng có những lựa chọn thay thế - nhưng lại là từ các công ty khác của Mỹ như Intel, Micron và Broadcom. Công ty Trung Quốc cũng phụ thuộc vào các nhà cung cấp nhỏ hơn của Mỹ trong các lĩnh vực chính.

Trong quá khứ, một lệnh cấm ZTE, công ty đối thủ của Huawei, xuất khẩu vào Mỹ đã đẩy công ty này đến bờ vực phá sản, trước khi ông Trump can thiệp như một phần của các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.

Lệnh cấm sẽ gây tổn hại không chỉ cho các công ty Mỹ, mà làm phật lòng nhiều đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới. Nhiều nước đã không hưởng ứng với nỗ lực của Washington nhằm kêu gọi họ tẩy chay Huawei vì nhiều lý do, từ kinh tế đến thực tế đơn giản là công nghệ 5G của công có trụ sở tại Thâm Quyến hiện được coi là vượt trội.

Đó là lý do tại sao một số nhà quan sát, bao gồm cả Eurasia Group, cho rằng Nhà Trắng khó có thể tiến hành việc cấm hoàn toàn Huawei. Thay vào đó, họ cho rằng chính quyền Trump có khả năng cấp giấy phép xuất khẩu cho tất cả các công ty Mỹ của mình, trong khi vẫn duy trì lựa chọn cấm hoàn toàn nếu cần.

Roger Sheng, chuyên gia của công ty nghiên cứu thị trường Gartner tại Thượng Hải, đã ví von rằng: “Mỹ đang đặt một vòng kim cô trên đầu Huawei”. Ông nói thêm, với động thái này, Mỹ gây ra tác động vô cùng lớn lên Huawei, chứ không chỉ là tham vọng 5G của công ty này, "bởi vì không có các nhà cung cấp Mỹ như Qualcomm và Marvell, hãng công nghệ Trung Quốc thậm chí không thể duy trì hoạt động bình thường".

Nguồn Bloomberg

Mạnh Đức

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/dat-vong-kim-co-len-huawei-trump-co-ngan-duoc-su-troi-day-cua-trung-quoc-3329018/