Dấu ấn 20 năm đường hoa Nguyễn Huệ

Suốt 20 năm qua, với nhiều diện mạo ấn tượng gắn với chủ đề, linh vật của từng năm, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán đã trở thành công trình tiêu biểu và là biểu tượng văn hóa đặc sắc của TP HCM – Thành phố mang tên Bác vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.

“TP HCM – Xuân an vui, xuân thịnh vượng”

Đó là chủ đề của đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023, mang thông điệp mạnh mẽ cho bước phát triển đột phá của thành phố, tạo khí sắc lạc quan cho năm mới. Đường hoa chia thành 2 chương: “Xuân an vui”, “Xuân thịnh vượng”trải dàitrên 600m, sử dụng nhiều chất liệu thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng như kim loại, xốp, mây, tre, nứa, gạch, vải, dây thun… cùng khoảng 88 loại hoa, 18 loại lá, gần 106.000 chậu, giỏ hoa các loại, hơn 300 m2 cỏ.

Cũng như năm 2022, cổng chào đường hoa không nằm ở vị trí trung tâm mà được dịch chuyển sang một bên để tạo không gian cho các hoạt động. Sáu linh vật ở cổng đường hoa có chiều cao từ 0,8-4,5m, tạo hình bằng xốp, sơn mỹ thuật bề mặt giả gốm, mang nét biểu cảm gắn với những cử động đáng yêu của mèo như liếm tay (chân trước), vươn tay, đẩy bát...

Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2023 với chủ đề: “TPHCM – Xuân an vui, xuân thịnh vượng”

Cạnh đó, 70 linh vật mèo được cách điệu đa dạng về kích thước (thấp nhất 0,6m, cao nhất 5,5m), với nhiều chất liệu từ mút xốp, sắt, sơn mỹ thuật, phủ mùn cưa, giả đất nung đến ốp hoa tươi… với đầy đủ sắc thái, từ dễ thương, nghiêm túc, tinh nghịch, lười biếng đến tò mò, hứa hẹn mang đến nhiều thú vị cho khách tham quan.

Bố cục cổng kết đường hoa với tên gọi “Thành phố thịnh vượng” cũng được bố trí lệch một bên như cổng chào. Mọi năm, đại cảnh cổng kết thường là một linh vật hoặc một biểu tượng thì cổng kết đường hoa 2023 là hình ảnh đôi linh vật cao nhất và nổi bật nhất với chiều cao lần lượt là 4,5m và 5,5 m, thân được kết từ hơn 2.900 giỏ hoa tươi. Ở cuối công trình, đôi mèo kết hoa là điểm kết hoàn hảo cho hành trình chiêm ngưỡng đường hoa của du khách.

Điểm nổi bật của đường hoa là sự thay đổi tiểu cảnh hoa tại khu vực tượng đài Bác Hồ phía trước tòa nhà UBND TPHCM, thay cho 36 chậu mai như mọi năm, năm nay 68 cội mai vàng đến từ làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh) sẽ tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ mà dung dị cho khu vực tôn nghiêm này.

Hay khu hoa lan với tên gọi “Nhịp sống Sài Gòn” nổi bật trong gam màu ấm của 8 hệ khung bắt chéo đan xen nhau tạo mái, phủ bóng mát cho diện tích rộng hơn 300m2; vũ điệu màu sắc ngay vị trí mở đầu đại cảnh “Thành phố năng động” trên chiều dài gần 17m; hai chú mèo to lớn đậm màu xanh thực vật ngay đầu đại cảnh “Đô thị thông minh” với chiều dài hơn 3m; “Thành phố công nghệ” trên diện tích hơn 230 m2… cũng là điểm nhấn đặc biệt của đường hoa năm nay.

Linh vật mèo của Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023

20 năm, cuộc hành trình đẹp của mùa xuân

Đường hoa Nguyễn Huệ đã gắn bó với người dân TP HCM được 2 thập kỷ, thế nhưng không phải ai cũng biết rõ về lịch sử của nó. Đường Nguyễn Huệ trước đây có tên là Đại lộ Charner, được hình thành do việc lấp kênh đào Charner. Đại lộ Charner nối liền một đầu là Dinh Đốc Lý (UBND Thành phố hiện tại) và đầu kia là bờ sông Sài Gòn (Bạch Đằng hiện tại).

Không chắc chắn từ năm nào, cứ mỗi độ Tết đến, hoa từ khắp nơi lại tập kết về Đại lộ Charner, khung cảnh mua bán hoa Tết diễn ra tấp nập, lâu dần nơi đây hình thành khu chợ hoa. Năm 1956, Đại lộ Charner được đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ. Từ năm 1960 trở đi, chợ hoa Nguyễn Huệ chính thức là nơi tập trung mua bán hoa, cây cảnh vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Khoảng thời gian sau đó, chợ hoa Nguyễn Huệ được quy hoạch sang công viên 23/9. Việc di dời này nằm ngoài sự mong đợi của người dân thành phố, hầu hết người dân đã quen chợ hoa cũ, gắn với dấu ấn truyền thống bao đời nên khó có thể cảm nhận nét đẹp văn hóa ở chợ hoa công viên 23/9. Từ nguyện vọng của người dân thành phố, các phương tiện truyền thông đồng loạt lên tiếng.

Sau nhiều cuộc họp, những chậu hoa Tết được trả về vị trí cũ và được “nâng cấp” lên một tầm cao mới, thành nơi thưởng lãm cho người dân thành phố mỗi dịp Tết đến xuân về. Đường hoa Nguyễn Huệ lần đầu tiên xuất hiện vào Tết Nguyên đán Giáp Thân 2004, đây là năm duy nhất đường hoa không có hình ảnh linh vật. Đến các năm Bính Tuất 2006 và Đinh Hợi 2007, linh vật cổng đường hoa là hình ảnh đàn chó đá và bầy heo đất. 17 năm còn lại, linh vật cổng đường hoa được thiết kế riêng, luôn là tâm điểm được nhiều người chờ đợi.

Đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành biểu tượng văn hóa đặc sắc trong lòng người dân TPHCM suốt 20 năm qua

Năm nay, tròn 20 năm đường hoa Nguyễn Huệ, công chúng được thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng toàn bộ 20 linh vật đã từng xuất hiện tại vị trí cổng chào đường hoa trong hai thập kỷ qua. Đã có 8 linh vật đến, đã đi và quay trở lại gồm: Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần và Mão. Đặc biệt, các linh vật tại đại cảnh “Vùng ký ức” được thể hiện ở mức tương đồng đến 80% so với nguyên bản năm xưa.

20 năm hình thành và phát triển không thể không nhắc đến những người “thổi hồn” cho các linh vật của đường hoa, đơn cử như nghệ nhân Văn Tòng, 72 tuổi, người có hơn 1 thập kỷ gắn bó đường hoa Nguyễn Huệ.Xưởng của nghệ nhân Văn Tòng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân, du khách khi thực hiện con gà biết gáy, làm con trâu có đầu biết cử động…

Nghệ nhân Văn Tòng không giấu được sự vui mừng khi chứng kiến biểu tượng văn hóa của TP.HCM ngày càng được nâng tầm về quy mô, hình thức. “Mỗi năm một linh vật, tôi và các nghệ nhân đặt trọn tâm huyết với mong muốn mang lại cho người dân, du khách những trải nghiệm mới mẻ. Hơn 10 năm gắn bó với biết bao cảm xúc vui, buồn lẫn lộn của nhiều thế hệ trong gia đình nhưng ngày nào còn sống, tôi vẫn sẽ góp sức làm đẹp cho đường hoa”, nghệ nhân Văn Tòng chia sẻ.

Kim Sáng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giai-tri/du-lich/dau-an-20-nam-duong-hoa-nguyen-hue-500962.html