Dấu ấn Bác Hồ với Quốc hội đầu tiên

Thời gian càng lùi xa, những dấu ấn và giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại với Quốc hội đầu tiên luôn sâu sắc, là những vấn đề mà những thế hệ sau cần phải tiếp tục nghiên cứu và học tập.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 2/3/1946. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 2/3/1946. Ảnh tư liệu

Trao đổi về cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên trong lịch sử, ông Tạ Quang Chiến một trong 8 cán bộ được Bác Hồ đặt tên (Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) cho biết: "Bác Hồ khai sáng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lý luận và thực tiễn nhà nước pháp quyền ở Việt Nam… Bác Hồ của chúng ta là kiến trúc sư, là người thi công xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam. Nói về nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một đề tài mang tầm quốc tế".

Sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, một ngày sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội và phải có một bản hiến pháp dân chủ. Ngày 20/9/1945, Người ký sắc lệnh thành lập ngay Ủy ban Dự thảo Hiến Pháp do Người tự thân phụ trách. Ngày 10/10/1945, Người đã ký Sắc lệnh số 47 giữ lại các luật lệ cũ, chỉ trừ những điều luật trái với nền độc lập tự do. Sau đó, Bác ký một loạt sắc lệnh cấp bách thay đổi một số nội dung cho phù hợp với chế độ mới.

Có thể nói, với việc thành lập Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt sự lựa chọn ấy vào hình thái tiên tiến nhất của lịch sử. Đây là cả một quá trình tích lũy trong con đường đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến quyền dân chủ trong bầu cử. Báo Cứu quốc, Báo Quốc hội, Sự thật… đều dành nhiều trang để nói về tổng tuyển cử và lời kêu gọi đồng bào đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với các cụ già yếu, bệnh tật không đi bỏ phiếu được, Bác yêu cầu cán bộ tổ chức phải đưa thùng phiếu đến tận nhà của cử tri.

Về thành phần ứng cử, lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh đăng trong báo Cứu Quốc ngày 30/11/1945 đề nghị các đảng phái tham gia ứng cử. Đối với Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách), Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết đấu tranh chống mọi sự phá hoại của họ nhưng cũng cố gắng nhân nhượng, hòa giải nhằm tạo không khí ổn định cho ngày tổng tuyển cử.

Nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn cho rằng "…đại biểu ngoại thành Hà Nội đề nghị là Cụ Hồ không phải ứng cử mà nghiễm nhiên trở thành đại biểu Quốc hội, Cụ vẫn ra ứng cử bình thường, Cụ vẫn ra tranh cử tại khu vực Việt Nam Học xá, nay là Đại học Bách Khoa Hà Nội, để tiếp xúc cử tri. Ngày hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu hơn 98%… Qua đó, ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn như một cử tri, một đại biểu Quốc hội nào khác mà không có đặc cách nào".

Giáo sư Lê Mậu Hãn cho rằng, một trong những điển hình tiêu biểu là ngay từ Quốc hội khóa đầu tiên đã khẳng định quyền bầu cử và ứng cử của đại biểu nữ. Tại Mỹ, cách mạng Mỹ thành công và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tuyên bố độc lập từ năm 1776. Nhưng quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ được đưa ra lần đầu từ năm 1848, tuy nhiên đến năm 1920 khi bổ sung sửa đổi Hiến pháp lần thứ 19 của Mỹ, phụ nữ mới được trao quyền bầu cử. Nói thế để thấy tính ưu việt của Hiến pháp và Quốc hội đầu tiên.

Việc Quốc hội quyết định bổ sung 70 đại biểu cho 2 đảng phái là Việt Quốc và Việt Cách mà không qua bầu cử là một quyết định chưa từng có trong lịch sử. Theo Giáo sư Lê Mậu Hãn thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng mời những người đại biểu được dân bầu vào trước và trình bày có những anh em ở ngoài về không kịp ứng cử và đề nghị Quốc hội xem xét. Vì lợi ích dân tộc, vì đại đoàn kết nên Quốc hội thống nhất tán thành chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Thật tuyệt vời, sáng tạo, có lẽ Việt Nam là nước duy nhất làm như thế.

Trong danh sách đại biểu Quốc hội Khóa 1, các đảng phái đều có đại biểu và đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào thiểu số cũng đều có đại biểu. Riêng Bác Hồ lúc ứng cử được hỏi là ở đảng nào, Bác trả lời là Đảng Việt Nam. Vì vậy, các đại biểu trong Quốc hội không phải là đại diện cho một đảng phái nào mà đại diện cho toàn thể quốc dân Việt Nam.

Bác Hồ có chủ trương rõ ràng là Quốc hội phải thực hiện chính sách đại đoàn kết và nhìn vào thành phần Quốc hội lúc đó thấy rõ điều này. Có cả khâm sai đại thần Phan Kế Toại hay cựu hoàng Bảo Đại, Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, đều là đại biểu Quốc hội hoặc thành viên quan trọng trong Chính phủ mới. Trong khi Pháp dùng chính sách chia để trị thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Thành phần đại biểu Quốc hội dân bầu lúc bấy giờ cũng có nhiều người tôn giáo, dân tộc thiểu số, đa số các vùng miền khác nhau... Bác mời các tri thức yêu nước vào ứng cử đại biểu Quốc hội và có cả việt kiều ở nước ngoài như ông Nguyễn Mạnh Hà, quốc tịch Pháp nhưng gốc Việt, mời về làm bộ trưởng bộ kinh tế đầu tiên. Bác còn mời cả cựu hoàng Bảo Đại, khâm sai đại thần Bắc bộ phủ Phan Kế Toại... Đó là biểu hiện đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp dân tộc.

Vũ Hà

1,265

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/chinh-tri/dau-an-bac-ho-voi-quoc-hoi-dau-tien-86616.html