Dấu ấn bên dòng sông Nghèn!

Vùng đất Thượng Trụ bên dòng sông Nghèn ngày nay đã đổi thay nhiều nhưng dấu ấn của các sự kiện gắn liền với sự ra đời của Đảng bộ huyện Can Lộc và Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn đó.

Di tích lịch sử Bến đò Thượng Trụ ở xã Thiên Lộc (Can Lộc) vừa được nâng cấp, cải tạo vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (Ảnh: Đạt Võ).

Như bao vùng quê trên đất nước Việt Nam thân yêu, vùng đất Hà Tĩnh cũng có nhiều bến đò, dòng sông, rặng núi gắn liền với cuộc sống của cư dân. Bên dòng sông Nghèn, có làng Thượng Trụ và bến đò Thượng Trụ là địa chỉ mà mỗi khi nhắc đến, ta thêm tự hào, bởi nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện đã đi vào lịch sử, đặc biệt là các sự kiện gắn liền với sự ra đời của Đảng bộ huyện Can Lộc và Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh.

Mỗi tên đất tên làng, mỗi dòng sông, rặng núi, bến đò đều có gốc gác, mang ý nghĩa sâu xa của nó. Cái tên Thượng Trụ cũng thế. Thượng Trụ là gọi theo tước hiệu của Quan Thái tể Thượng Trụ quốc (chưa rõ tên).

Tương truyền, năm 1470 và 1471, ông theo hộ giá vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành. Đến sông Nghèn, gặp đoạn gấp khúc, nông cạn, ông đã huy động nhân lực, vật lực sở tại nạo vét, nắn dòng chảy, làm cho thuyền, bè đi lại dễ dàng, thuận lợi hơn. Thành quả này còn mở thêm được 75 mẫu ruộng hai bên bờ sông. Nhà vua đã ban cho ông làm lộc điền, gọi là ruộng công thần. Sau đó, Thái tể Thượng Trụ quốc đã chuyển cho cháu ngoại số ruộng ấy. Đoạn sông được nắn dòng và cánh đồng được khai khẩn, mở mang ấy là địa danh đầu tiên mang tên Thượng Trụ.

Theo thời gian, người dân nơi đây dày công tạo dựng, rồi dần dần lập ấp, thành xóm thành làng, thuộc xã Hữu Ngoại (nay là xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc). Địa phận xã Hữu Ngoại khá rộng, trải dài từ phía nam chân núi Hồng Lĩnh xuống tận tả ngạn sông Hạ Vàng. Dân gian thường gọi nơi đây là vùng “Sông Vàng - Rú Đỏ”, với những câu hát ví đò đưa, nặng tình non nước, quê hương xứ sở.

Rú xanh sao gọi rú Hồng

Hạ Vàng sao nước trong xanh tứ mùa?

Buổi đầu sinh cơ lập nghiệp ở vùng sông nước, bên cạnh nghề đan võng, dệt chiếu, muối rươi và ngâm sứa, nhiều hộ dân còn sắm thuyền sớm chiều chuyên chở, vui thú đưa khách qua lại, ngược xuôi. Vùng đất Thượng Trụ xưa nằm trong phạm vi chiến khu Nam Hồng Lĩnh của chúa Hai trong cuộc khởi nghĩa chống ách nhà Đường đô hộ. Đến bây giờ, câu ca xưa vẫn còn đó:

Từ Cơn Vạng đến Bằng Vai

Cụp Cờ còn đó nhớ ai cắm cờ...

Câu ca nói về đỉnh Tháp Cờ trên núi Hồng Lĩnh, nhắc lại chúa Hai, con trai của vua Mai Hắc Đế, để tổ chức căn cứ chống quân nhà Đường xâm lược. Thượng Trụ cũng từng là cơ sở tin cậy của các phong trào Duy Tân, Quang Phục, Tân Việt và phong trào chống sưu cao thuế nặng. Đặc biệt, Thượng Trụ - Hữu Ngoại là một trong năm Chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Can Lộc được thành lập từ tháng 11 năm 1929. Thời kỳ này có ba sự kiện nổi bật, gắn liền với lịch sử Đảng bộ huyện Can Lộc và Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh.

Bến đò Thượng Trụ là địa chỉ đỏ của nhiều thế hệ người dân Hà Tĩnh

Sự kiện thứ nhất là ngày 1/1/1930, Chi bộ Thượng Trụ - Hữu Ngoại bố trí một chuyến đò dọc (được cải trang) do đồng chí Lê Lâm phụ trách để phục vụ cuộc họp bàn về quyết định cải tổ Đảng Tân Việt, thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cuộc họp trên “chuyến đò lịch sử” ấy có Lê Tiềm, Ngô Đức Đệ, Võ Quê và một số đồng chí khác. Nội dung của cuộc họp được các thành viên nhất trí tán thành và được thể hiện bằng quyết nghị văn bản.

Thành công của cuộc họp đã đánh dấu mốc quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử về việc cải tổ Đảng Tân Việt, thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Đò theo dòng nước xuôi về. Tưởng chừng êm đềm như dòng sông La thơ mộng nhưng khi đến cầu Đò Trai, tất cả các thành viên đều bị khám xét, chặn bắt, chỉ có tài liệu thì được giấu kín cẩn thận nên không sa vào tay bọn mật thám và lính đồn. Khi bị giải về đến Nghèn, chớp thời cơ đòi bọn chúng được dừng nghỉ uống nước, đồng chí Ngô Đức Đệ đã nhanh chóng giao tài liệu cho cơ sở bí mật ngay tại quán nước gây dựng trước đó. Đồng chí Lê Lâm bị chúng tra khảo gay gắt nhưng do không có chứng cứ nên đã được tha.

Từ một đảng viên Đảng Tân Việt, đồng chí Lê Lâm đã được chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên đoàn. Đồng chí được chi bộ tin tưởng giao đảm nhận việc đặt bộ phận ấn loát, đồng thời phụ trách con đò và đầu mối giao thông liên lạc của huyện Can Lộc, sẵn sàng phục vụ khi Đảng phân công, điều động.

Tại cuộc biểu tình ở Nghèn diễn ra ngày 1/5/1931, đồng chí Lê Lâm bị sa vào tay giặc, rồi hy sinh ở Nhà lao Vinh. Dấu ấn đáng nhớ là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và Đông Dương Cộng sản Đảng - hai tổ chức Cộng sản đã ra đời trước ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh và Tỉnh ủy Lâm thời Hà Tĩnh.

Thị trấn Can Lộc sầm uất (Ảnh: Nguyễn Thanh Hải).

Sự kiện thứ hai là đầu năm 1930, đồng chí Trần Hữu Thiều (Bí danh là Nguyễn Trung Thiên) được Xứ ủy Trung Kỳ cử về xây dựng cơ sở Đảng ở Hà Tĩnh. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, vừa khẩn cấp, vừa quan trọng, đồng chí Nguyễn Trung Thiên đến Chi bộ Hữu Ngoại - Thượng Trụ, bắt mối liên lạc với đồng chí Võ Quê, tích cực tuyên truyền, phổ biến đường lối cách mạng, đồng thời tổ chức thành lập thêm ba chi bộ. Các đảng viên mới được kết nạp, phần nhiều là những đồng chí tiêu biểu, tân tiến của Đảng Tân Việt. Đến thời điểm trước khi Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh được tổ chức, trên địa bàn huyện Can Lộc đã có 7 chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Sự kiện thứ ba là được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Trung Kỳ, cuối tháng 3 năm 1930, đồng chí Nguyễn Trung Thiên triệu tập đại biểu các chi bộ thuộc Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (đã được thành lập) tổ chức Hội nghị tại Bến đò Thượng Trụ.

Hội nghị biểu quyết thống nhất cử Ban Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Nguyễn Trung Thiên làm Bí thư, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác. Khi Đảng rút vào hoạt động bí mật, nhiều cuộc họp, hội nghị, huấn luyện đều được tổ chức tại làng Thượng Trụ. Từ đây đã tạo ra bước ngoặt mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Tĩnh tiến đến đỉnh cao của Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh - được coi là cuộc tập dượt chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

Vùng đất Thượng Trụ bên dòng sông Nghèn ngày nay đã đổi thay nhiều nhưng dấu ấn của các sự kiện thì vẫn còn đó. Di tích lịch sử Bến đò Thượng Trụ đã được đầu tư xây dựng, tôn tạo xứng tầm với một địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của người dân trên quê hương Xô viết anh hùng.

Xuân Báu

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/xay-dung-dang/dau-an-ben-dong-song-nghen/261171.htm