Dấu ấn của đồng chí Phan Văn Khải với công tác quốc phòng

Là người chịu trách nhiệm về hoạt động của Chính phủ-cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong 9 năm ở cương vị Thủ tướng, đồng chí Phan Văn Khải đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn với công tác quốc phòng, xây dựng quân đội.

Quán triệt sâu sắc quan điểm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh của Đảng ta, Chính phủ hai nhiệm kỳ do Thủ tướng Phan Văn Khải đứng đầu đã có nhiều quyết sách về quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ và xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2001-2010 do Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng để Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001) đã thể hiện tư duy mới về kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Chiến lược khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, của các ngành, các địa phương và trong các dự án đầu tư lớn. Phân bố hợp lý việc xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật trên các vùng của đất nước, vừa phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội, vừa sử dụng được cho quốc phòng, an ninh khi cần thiết. Đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, ổn định dân cư các vùng xung yếu, vùng biên giới, cửa khẩu, hải đảo phù hợp với chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia. Hoàn chỉnh chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia phù hợp với tình hình mới, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng kinh tế đối ngoại. Phát triển công nghiệp quốc phòng và kết hợp sử dụng năng lực đó để tham gia phát triển kinh tế-xã hội. Coi trọng sản xuất một số mặt hàng vừa phục vụ kinh tế, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh”.

Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Quân chủng Hải quân (tháng 8-2005). Ảnh: THẾ THUẦN.

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2001-2005 do Chính phủ trình Quốc hội đã cụ thể hóa nội dung của chiến lược trên. Kế hoạch xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận, bảo đảm từng bước trang bị hiện đại cơ sở vật chất-kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh. Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp…”.

Trước đó, vào tháng 3-2000, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể quân đội tham gia xây dựng phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng các khu quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, ven biển”, tạo cơ sở pháp lý để quân đội xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng. Sau 18 năm triển khai, các khu kinh tế-quốc phòng do quân đội xây đựng đều phát huy tác dụng tích cực, thực hiện đúng mục tiêu của đề án là: “Phát triển kinh tế-xã hội các vùng dự án góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, kết hợp bảo đảm quốc phòng an ninh ở địa bàn chiến lược, biên giới, ven biển, trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của quốc phòng, an ninh, hình thành nên các cụm làng xã biên giới, tạo nên vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc”.

Trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng và Phó thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã tham dự và chủ trì, chỉ đạo nhiều hội nghị quan trọng về công tác quốc phòng. Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 56/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc (tháng 2-2005), Thủ tướng Phan Văn Khải đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm của các bộ, ngành, địa phương với công tác quốc phòng. Để xây dựng KVPT mạnh về kinh tế-xã hội và kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trong từng KVPT, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải thực hiện bằng được phương châm “Mỗi bước phát triển của kinh tế-xã hội là một bước củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc phải tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế-xã hội phát triển”.

Công việc của người đứng đầu Chính phủ rất bận rộn, nhưng đồng chí Phan Văn Khải vẫn dành thời gian đến thăm các đơn vị quân đội. Đồng chí đặc quan tâm đến các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 15 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, sáng 21-12-2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm Quân chủng Phòng không-Không quân. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải gửi đến các thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng nhiệt liệt nhất. Cùng ngày, Thủ tướng Phan Văn Khải đã gửi thư khen ngợi các cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn thuộc Bộ tư lệnh Công binh đã tháo gỡ thành công ngòi nổ của quả bom nặng gần 10 tấn do Mỹ thả xuống ở xã Ia Hrung, huyện Ia Grai (Gia Lai) trong thời kỳ chiến tranh.

Ngày 3-2-2005, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ðảng và chuẩn bị đón Tết Ất Dậu 2005, Thủ tướng đã đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Sau khi biểu dương thành tích, chiến công Bộ đội Biên phòng đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng Anh hùng, phát huy nội lực, tích cực tham mưu cho Ðảng, Nhà nước, đồng thời kết hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, tạo sức mạnh tổng hợp, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự, bảo vệ lợi ích quốc gia trên biên giới, biển, đảo, đồng thời xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.

Nhân dịp Quân chủng Hải quân kỷ niệm Ngày truyền thống chiến thắng trận đầu (5-8-1964), ngày 2-8-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm và làm việc với Quân chủng Hải quân. Phát biểu với các thế hệ cán bộ chỉ huy tàu, thuyền của Quân chủng Hải quân, Thủ tướng Phan Văn Khải bày tỏ mong muốn toàn thể cán bộ, chiến sĩ Hải quân tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quân đội, xây dựng Quân chủng Hải quân không ngừng lớn mạnh, đủ sức hoàn thành vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo của Tổ quốc. Thủ tướng nói: "Vùng biển và hải đảo của nước ta có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, bộ đội Hải quân đảm đương nhiệm vụ ở một hướng chiến lược quan trọng về quân sự của đất nước. Nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Hải quân phải đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hơn nữa".

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội được đồng chí Phan Văn Khải đến thăm chắc chắn sẽ nhớ mãi những cử chỉ ân tình và những lời căn dặn của đồng chí.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/dau-an-cua-dong-chi-phan-van-khai-voi-cong-tac-quoc-phong-534270