Dấu ấn đặc biệt nhiệm kỳ XII của Đảng: Đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh

Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (2016-2020) đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN). Xung quanh vấn đề trên, các ông: Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng; ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương, đã dành cho PV Báo Đại Đoàn kết một cuộc trao đổi.

Đại hội XII của Đảng, ghi những dấu ấn đậm nét.

Đại hội XII của Đảng, ghi những dấu ấn đậm nét.

Không có ngoạt lệ

PV: Nhiệm kỳ Đại hội XII đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đi liền với đẩy mạnh công tác PCTN. Theo các ông, dấu ấn nào là nổi bật nhất?

Ông Vũ Quốc Hùng: Dấu ấn nổi bật nhất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đó là quyết tâm chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Nhiều cán bộ cấp cao đã bị xử lý. Chưa bao giờ trong một nhiệm kỳ có đến 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, thậm chí có người bị xử lý hình sự. Đó là việc đau đớn, nhưng qua đó cũng cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng trong PCTN.

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Có nhiều điểm nổi bật của nhiệm kỳ này. Chúng ta đã coi xây dựng Đảng là then chốt, đồng thời chú trọng đến công tác cán bộ. Cụ thể theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, đã xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược để lựa chọn được người xứng đáng nhất. Việc tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, nhất là cấp trực thuộc Trung ương đã thành công tốt đẹp. Từ đó lựa chọn được cán bộ trẻ, học vấn cao hơn. Đây cũng là cơ sở, tiền đề để lựa chọn những người xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Ông Nguyễn Đức Hà: Chưa nhiệm kỳ nào Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến vậy. Đặc biệt, trong đấu tranh PCTN, bởi đây là nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết Đại hội XII đã bổ sung nhiệm vụ đấu tranh PCTN là một nội dung của công tác xây dựng Đảng. Đây là “gốc” của Đại hội XII nên sự lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt với quyết tâm chính trị rất cao của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các cấp ủy triển khai khá nghiêm túc nên bây giờ từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, hiện “trên nóng dưới cũng đã nóng”.

Ông Vũ Quốc Hùng.

Từ những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ XII đã đặt ra cho chúng ta những mục tiêu cũng như thách thức gì cho nhiệm kỳ XIII trong đấu tranh PCTN, thưa các ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Bài học kinh nghiệm quý báu nhất là phải quyết tâm chống tiêu cực. Muốn quyết tâm chống tiêu cực thì phải trong sạch, có kỹ năng trình độ để nhận biết sai phạm. Đảng có điều lệ Đảng, cứ mỗi nhiệm kỳ lại sửa đổi điều lệ Đảng. Nếu mỗi đảng viên mỗi tháng dành 2 tiếng để đọc kỹ và ngẫm nghĩ về điều lệ Đảng sẽ tự thấy bản thân mình phải như thế nào? Tổ chức Đảng phải như thế nào? Đó là một trong nhiều giải pháp để nhắc nhở tính liêm sỉ, tinh thần trách nhiệm. Vì thế ông cha mới có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Bên cạnh đó cần khích lệ tự phê bình. Cấp trên tự giác tự phê bình, khuyến khích cấp dưới phê bình. Đó là nguyên tắc quan trọng trong sinh hoạt Đảng.

Ông Nguyễn Đức Hà: Trong nhiệm kỳ này, công tác đấu tranh PCTN quyết liệt, mạnh mẽ, và hiệu quả đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là người đứng đầu. Nói đi đôi với làm khi không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ” bất kỳ người đó là ai. Làm đến đâu chắc đến đó. Đây là bài học về sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm chính trị cao của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và cấp ủy các cấp. Để đấu tranh PCTN có hiệu quả không chỉ có Đảng lãnh đạo, Trung ương làm mà đòi hỏi tất cả các cấp đều phải làm. Phải huy động lực lượng của cả hệ thống chính trị cùng tham gia, nhất là huy động sức mạnh của nhân dân. Nhân dân trực tiếp tham gia và đóng góp tích cực vào công cuộc này mới đem lại hiệu quả tích cực.

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Chống tham nhũng là vấn đề khó khăn, phức tạp. Tôi nghĩ, cần siết chặt kỷ luật Đảng, quản lý đảng viên thật tốt mới không thể tham nhũng. Phải kiểm soát quyền lực vì khi đã giao chức giao quyền thì phải kiểm soát, không để xảy ra lợi dụng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền, dẫn tới lợi ích nhóm và tham nhũng. Muốn làm được điều này đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để không có kẽ hở, để không thể tham nhũng. Đặc biệt, cần lưu ý gốc của mọi việc vẫn là lựa chọn cán bộ. Nhất là cán bộ làm ở lĩnh vực trực tiếp liên quan đến vấn đề tiền bạc, của cải vật chất.

Ông Nguyễn Trọng Phúc.

Nhìn thấu bản chất để sử dụng cán bộ

Công tác PCTN luôn được gắn liền với công tác cán bộ. Lựa chọn được nhân sự tốt là vấn đề hệ trọng, được xác định là “then chốt của then chốt”. Tuy nhiên, làm sao để từ bộ máy nhân sự đó có thể phát huy hết được vai trò trách nhiệm năng lực của cán bộ trong thời gian tới gắn với quá trình xây dựng phát triển đất nước?

Ông Vũ Quốc Hùng: Nhân sự là yếu tố quyết định và cần chọn được người “có đức, có tài”. Nhưng nhìn thấu bản chất của con người để sử dụng họ mới là điều quan trọng. Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng phải có đường lối, phương châm về công tác cán bộ, tiêu chí về lựa chọn cán bộ. Hiện nay các quy định đã có, bây giờ cần tổ chức thực hiện cho tốt. Trong Đảng không thiếu những người hiền tài, cho nên Đảng phải mạnh mẽ thay những người yếu kém, nhất là những người yếu kém trong công tác cán bộ. Chưa nói đến tiêu cực, song người làm công tác cán bộ mà yếu kém sẽ khó chọn được người tài. Đây là trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong lựa chọn cán bộ.

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Cần nhấn mạnh công tác quy hoạch, nhìn nhận, đánh giá cán bộ thật đúng đắn. Đặc biệt là khâu đánh giá, tránh chuyện đánh giá cán bộ kiểu “tốt thành xấu”. Thế là chọn nhầm. Phải đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, quản lý cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực. Đồng thời cần coi trọng phản biện xã hội trong công tác cán bộ, tức là MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị, nhân dân góp ý về cán bộ thì cần lắng nghe.

Ông Nguyễn Đức Hà

Quyết tâm là sức mạnh vô địch

Theo đánh giá của các ông, vấn đề công tác cán bộ tại Đại hội XII đã đúc kết được những bài học kinh nghiệm gì cho đại hội lần này?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Bài học rõ nhất là trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước và trước nhân dân về công tác cán bộ. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “không để lọt vào Trung ương những phần tử cơ hội chính trị, dính dáng đến tham nhũng, lợi ích nhóm, những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân”. Bài học của việc “chọn nhầm cán bộ” trong mấy nhiệm kỳ vừa rồi phải tránh cho được.

Ông Nguyễn Đức Hà: Lần này công tác nhân sự được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó, làm từng bước từng, khâu, thận trọng, vừa phát huy dân chủ vừa siết chặt kỷ cương. Đơn cử tại Hội nghị Trung ương 8, Trung ương đã ban hành Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây được coi là Quy định “tứ quý 8”. Vì Quy định 08 nêu 8 việc các đồng chí Trung ương phải gương mẫu đi đầu, 8 việc phải nghiêm khắc với chính mình và 8 việc kiên quyết chống. Đặc biệt, trong 5 Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIII thì có 2 Tiểu ban quan trọng nhất làTiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự đều do đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban. Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII là tập trung trí tuệ rất cao của toàn Đảng. Cho nên đã tạo được sự thống nhất rất cao trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương.

Nhiệt liệt chào mừng Đại hội XIII của Đảng.

Chủ đề của Đại hội XIII đã nhấn mạnh việc “tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh lấy đó làm cơ sở cho việc phát huy ý chí, đại đoàn kết dân tộc”, qua đó khẳng định Đảng ta quyết tâm trở thành Đảng cầm quyền “vừa là đạo đức, vừa là văn minh” như lời Bác Hồ dạy. Vậy, làm sao để biến quyết tâm chủ đề của Đại hội đi vào cuộc sống từ kinh nghiệm của nhiệm kỳ XII?

Ông Vũ Quốc Hùng: Người biến quyết tâm đó thành hiện thực chính là Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư khóa XIII. Quyết tâm sẽ là sức mạnh vô địch đưa nghị quyết Đại hội XIII đi vào cuộc sống. Quan trọng nhất là phải luôn vì nước, vì dân. Đảng không có mục đích nào khác ngoài “vì nước, vì dân”.

Ông Nguyễn Đức Hà: Chính kết quả của công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII là cơ sở nền tảng rất quan trọng để nhiệm kỳ Đại hội XIII tiếp tục đẩy mạnh. Chủ đề Đại hội XIII vừa kế thừa chủ đề của Đại hội XII nhưng bổ sung phát triển một số nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Chúng ta đã có kinh nghiệm, cơ sở nền tảng, tạo được phong trào rộng rãi trong xây dựng Đảng thì chắc chắn nhiệm kỳ Đại hội XIII công tác đấu tranh PCTN nói riêng và công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng nói chung sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để Đảng trong sạch vững mạnh, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Xin trân trọng cảm ơn các ông!

Khánh Ly-Hoài Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dau-an-dac-biet-nhiem-ky-xii-cua-dang-dau-tranh-chong-tham-nhung-xay-dung-doi-ngu-trong-sach-vung-manh-552492.html