Dấu ấn Đề án 196

Được triển khai thực hiện từ đầu năm 2017, Đề án 'Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh' (gọi tắt là Đề án 196), được đánh giá là một nét mới, riêng có của Quảng Ninh trong thực hiện Chương trình 135. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực, cố gắng, dành nhiều nguồn lực để làm tốt nội dung quan trọng này.

Công trình cầu dân sinh Cấu Phùng 2 được hoàn thành từ nguồn lực xã hội hóa là một trong những công trình hạ tầng động lực giúp xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) thực hiện Đề án 196, thoát khỏi diện ĐBKK trong tương lai gần.

Công trình cầu dân sinh Cấu Phùng 2 được hoàn thành từ nguồn lực xã hội hóa là một trong những công trình hạ tầng động lực giúp xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) thực hiện Đề án 196, thoát khỏi diện ĐBKK trong tương lai gần.

Trải qua gần 2 năm thực hiện, Đề án 196 đã đạt được những kết quả tích cực với việc chủ động cân đối, bố trí nguồn lực và cơ chế vượt trội so với cơ chế bình quân của cả nước để thực hiện Chương trình 135 dành cho 17 xã, 54 thôn ĐBKK. Theo đó, các địa phương đã phân bổ vốn Chương trình 135 cho 472 danh mục công trình hạ tầng thuộc Đề án 196, với tổng kinh phí 476,894 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 1.118 nhà ở tại các xã, thôn ĐBKK cho đối tượng hộ nghèo, người có công với cách mạng (trong đó đã hoàn thành xây mới 1.053 hộ, đang thực hiện xây mới 65 hộ); tỷ lệ người dân tại các xã ĐBKK tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; 17/17 xã ĐBKK tiếp tục duy trì đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; 1.380 người lao động nông thôn thuộc các huyện có xã, thôn ĐBKK được đào tạo nghề và giải quyết việc làm; tỷ lệ hộ gia đình tại các xã ĐBKK được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92,8%.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đặc biệt chú trọng tới việc phát triển sản xuất, giảm nghèo tại các xã, thôn ĐBKK với việc ưu tiên bố trí vốn đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề xuất của các địa phương. Với tổng số vốn phân bổ đến năm 2018 là 71,896 tỷ đồng, đến nay, Đề án đã hỗ trợ 6.079 hộ, với trên 160 dự án phát triển kinh tế. Từ khi được triển khai, Đề án cũng đã giúp 1.965 hộ thoát nghèo, giảm 676 hộ cận nghèo tại 17 xã và 54 thôn ĐBKK, vượt kế hoạch đề ra.

Để hoàn thành chương trình 135, các xã ĐBKK phải đạt đủ 3 tiêu chí, đó là đời sống, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa - xã hội. Vì thế, có thể khẳng định, nét nổi bật nhất trong bộ mặt của các thôn, xã diện 135 thời gian gần đây chính là cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện. Tiêu biểu như tại huyện Hoành Bồ, trên cơ sở Đề án 196 của tỉnh, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án của huyện giai đoạn 2017-2020 với tổng nhu cầu vốn 143,8 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu cụ thể của huyện trong năm 2018 là đưa thôn Khe Cát (xã Tân Dân), Khe Càn (xã Đồng Sơn) thoát khỏi chương trình 135; cải thiện điều kiện sinh hoạt và hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân xã Kỳ Thượng và thôn Khe Lèn, Đồng Trà (xã Đồng Lâm). Cùng với đó, Hoành Bồ đã thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho 92 hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất.

Cán bộ, nhân dân thôn Phủ Liễn, xã Đồng Sơn tích cực học hỏi kinh nghiệm và xây dựng vườn mẫu, lấy phát triển sản xuất làm động lực đưa xã hoàn thành chương trình 135.

Nhờ sự nỗ lực, tập trung ưu tiên các nội dung thiết yếu, ngay từ đầu năm 2018, công trình kéo điện lưới về xóm Khe Kẻn, thôn Tân Ốc 2 (xã Đồng Sơn) đã được hoàn thành với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, đem ánh sáng đến với người dân. Một loạt các công trình hạ tầng, điện, đường, trường, trạm khác cũng được đầu tư xây dựng tại các xã khó khăn, như: Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Tân Dân... góp phần tạo động lực cho người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, từ đó thoát nghèo. Cùng với đó, các mô hình phát triển kinh tế, như: Chăn nuôi trâu, bò tại các xã vùng cao Đồng Lâm, Kỳ Thượng, Hòa Bình; nuôi gà tại Sơn Dương, Vũ Oai; trồng cây ăn quả tại Quảng La, Dân Chủ; trồng mía tím tại Vũ Oai, Thống Nhất… cũng tiếp tục được huyện duy trì và mở rộng, chứng minh được hiệu quả trong việc giúp người dân thoát nghèo...

Với việc xác định rõ trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo là tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, phù hợp với nguyện vọng của người dân và quy hoạch phát triển sản xuất được triển khai theo chương trình OCOP, tỉnh đã, đang vạch ra những bước đi cụ thể và giải pháp sát với thực tế trong việc thực hiện Đề án 196. Hy vọng rằng, với sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo đa chiều và việc thực hiện các mục tiêu của Đề án 196 sẽ tiếp tục đạt được thành công trong thời gian tới.

Song Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201902/dau-an-de-an-196-2423749/