Dấu ấn đẹp của chuyến đi thực tế sáng tác

Được sự động viên của giám đốc Nhà Sáng tác 'Văn học nghệ thuật' Nha Trang Đỗ Thị Mai Hương và sự giúp đỡ của nhà báo, thi sĩ Lê Tấn Nghĩa, đoàn văn nghệ sĩ Ninh Thuận có chuyến đi thực tế một số điểm du lịch Khánh Hòa. Đoàn chúng tôi gồm có 6 người, 5 người thuộc chuyên ngành Văn học và nhạc sĩ, NSUT AMư Nhân.

Ngày đầu chúng tôi tới cảng Cầu Đá (Nha Trang) chờ ca nô ra Vũng Ngáng. Hình ảnh đẹp, cảm tình đầu tiên khi tiếp xúc với anh Võ Trần Tuấn, Phó Giám đốc công ty du lịch Việt Nét Nha Trang, chị Đặng Võ Thanh Trang, chủ nhà hàng đảo Bích Đầm - những người sẽ đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến đi này. Các anh chị niềm nở tiếp đón như những người thân lâu ngày gặp lại.

Đúng 8g chiếc ca nô do anh Tuấn bố trí đưa chúng tôi lướt sóng băng băng tới Vũng Ngáng. Khu du lịch mới đang trên đà phát triển. Phía chân núi là những ngôi nhà bạt đủ sắc màu cùng với từng đoàn thuyền, ca nô chở khách du lịch tham quan, thưởng ngoạn. Chiếc ca nô chở chúng tôi dừng lại bên chiếc tàu du lịch của công ty Du lịch Việt Nét. Trên tàu tấp nập người. Đây là một điểm du lịch sinh thái. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hầu như không còn những nhà hàng nổi, bè “Nhà hàng" nổi trên biển.

Đoàn văn nghệ sỹ tỉnh Ninh Thuận trên tàu đi thực tế sáng tác tại biển Vũng Ngáng - Nha Trang

Đoàn văn nghệ sỹ tỉnh Ninh Thuận trên tàu đi thực tế sáng tác tại biển Vũng Ngáng - Nha Trang

Nước biển trong xanh, nhìn xuống đáy thấy cả rừng san hô rập rờn cùng sóng nước, từng đàn cá bơi lội tung tăng. Anh Tuấn giới thiệu đây là một hình thức du lịch mới. Khách lên tàu, tùy theo sở thích mà lựa chọn. Người thì mặc áo phao nhảy xuống làn nước màu xanh bích ngọc, đùa với sóng biển hiền hòa; người thì mặc đồ lặn để nhào xuống biể, thỏa thích ngắm san hô sống đa màu, nhiều hình thù huyền ảo; người thì chụp ảnh bằng máy ảnh chụp dưới nước… Doanh thu của công ty từ 200 đến 400 triệu đồng một ngày.

Tôi hỏi anh khách du lịch lên tàu có được câu cá hay mặc áo nhái săn bắt cá không? Anh trả lời “không” làm tôi hơi ngạc nhiên, nhưng như vầng trăng dần sáng tỏ qua màn mây. Theo chủ trương của tỉnh Khánh Hòa, cấm câu và săn bắt cá dưới mọi hình thức cùng với cấm nhà hàng nổi để trả lại môi trường du lịch, môi trương sinh thái tự nhiên của biển…

Tiếp theo ca nô đưa chúng tới tới đảo Bích Đầm. Chúng tôi lên cơ sở kinh doanh của “bà” chủ trẻ Đặng Võ Thanh Trang. Không biết cái duyên đến từ lúc nào, chị chỉ tâm sự đời mình cho nhạc sĩ AMư Nhân. Chị Trang người Quảng Nam, nhưng gia đình từ đời ông, cha đã sống nơi này. Từ sinh viên trường luật nhảy sang làm kinh tế. Một người mẹ đơn thân phải nuôi ba con ăn học, bươn trải trên thương trường để sống và làm giàu từ đôi bàn tay và ý chí, nghị lực.

Khám phá biển Vũng Ngáng-Nha Trang

Cơ sở kinh doanh nhà hàng của chị có khá nhiều loại hải sản từ tôm hùm, cá mú, cá bớp, nhum, ốc mặt trăng… Chị nói chúng tôi tự chọn các món ăn mà mình thích. Không phải khen lấy lòng, thật sự các món hải sản ở đây thiệt ngon, như ốc mặt trăng, cá, mực… đều mập, mềm ngọt, ngọn lạ miệng so với nhiều nơi tôi đã tới. Từ trước đến nay tôi chưa biết ăn nhum. Được anh Tèo hướng dẫn cách làm nhum và giới thiệu nhum đen là ngon nhất trong các loài nhum và cho ăn món cháo nhum thơm ngon, bổ, béo ngậy. Anh Tuấn bày cách ăn ốc mặt trăng, ai yếu bụng thì đừng ăn ruột. Chị Thặng hướng dẫn tôi khêu ruột ốc hương (không kéo được hết ruột ốc hương mà ăn, ngậy như sô cô la là chưa biết ăn đấy nhé!). Đúng “đi một ngày đàng học sàng khôn”.

Bữa tiệc tươi sống và tự chọn diễn ra thật vui vẻ, đầm ấm. Chúng tôi hát cho nhau nghe, giao lưu giữa các văn nghệ sĩ với doanh nhân, với những người lao động trên biển… Đặc biệt ưu tiên thời gian cho những ca khúc viết về Nha Trang. Nhạc sĩ AMư Nhân đã sáng tác nhiều ca khúc về Nha Trang. Anh say sưa hát bài “Huyền thoại Ponugar” nhạc và lời của chính mình. Anh hát nhiều ca khúc phổ thơ như “Ngẫu hứng Nha Trang”, phổ thơ của Hơ Vê. Anh hát những ca khúc mới sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang như “Nha Trang tháng Tư về” phổ thơ Kiều Thành Dàng, “Khánh Hòa yêu thương”, phổ thơ Trượng Chóng… Nghe ca khúc “Nha Trang đợi anh về”, nhạc Hoàng Dũng phổ thơ của Lê Tấn Nghĩa… Kiều Thành Dàng hát, Võ Trần Tuấn hát, Đặng Võ Thanh Trang hát, Phạm Quốc Tý hát, anh Ba hát… chúng tôi cùng hát những bài hát về Nha Trang.

Điều tôi cảm nhận, để lại dấu ấn nhất khi chàng trai Hà Tĩnh, cô gái Quảng Nam, sống và lao động tại Khánh Hòa, sao mà họ yêu thương Nha Trang đến thế? Yêu như yêu chính quê mình vậy! Cả hai người đều không giới thiệu hay quảng bá nhiều về công ty của mình, về cái nghề mà họ đang làm, họ tập trung giới thiệu Nha Trang mà thôi. Thanh Trang say sưa hát, hát về Nha Trang thân yêu. Mặc dù đang bị bệnh, khan đặc cả giọng, song hát về Nha Trang thì không biết mệt, chị hát với tất cả trái tim và tấm lòng của mình. Chị hát và còn làm thơ tặng chúng tôi. Qua thơ chị, ngắn gọn chỉ có 10 câu thôi mà toát lên một nghị lực sống phi thường. Chị ví mình “mong manh như cây cỏ, mưa tránh đâu cho khỏi ướt; giữa cuộc đời đen trắng, yêu thương, căm ghét…” vẫn mượt mà, xanh tốt với đất trời! Bài thơ đã được nhạc sĩ A Mư Nhân sáng tác ngay trong đêm sau chuyến đi có tựa đề “Phiên khúc nguyện cầu” để trình bày trong buổi bế mạc Trại sáng tác Văn học nghệ thuật Nha Trang vào ngày 30 tháng Tư này.

Nghệ sỹ ưu tú AMư Nhân (dân tộc Chăm-Ninh Thuận) đang sáng tác nhạc sau khi đi thực tế trở về

Anh Võ Trần Tuấn, người quê gốc Hà Tĩnh, gia đình ở Đắk Lắk, anh sống và làm ăn ở Khánh Hòa. Cùng tuổi chị Trang, nhưng chưa lập gia đình, vì muốn dành thời gian để lo phát triển kinh tế. Võ Tuấn say sưa giới thiệu du lịch Nha Trang. Anh dành gần như hết cả buổi chiều về ước mơ, khát vọng của mình cho sự phát triển tiềm năng du lịch. Anh tâm đắc giới thiệu về Đảo Đầm Bưng thuộc quần thể du lịch Hòn Tre. Anh đã có thời gian hơn 3 tháng sống một mình ở đây để trải nghiệm về cuộc sống, về tâm linh vùng đất linh thiêng có nhiều di tích lịch sử Chăm pa.

Đầm Bưng còn hoang sơ lắm, linh thiêng lắm, thần bí lắm với những ngôi mộ chum cổ và nhiều di tích khác độc đáo, hiện nay vẫn còn trong tình trạng ngủ quên. Không biết Đầm Bưng ngủ quên hay của để dành, nhưng anh - người muốn đánh thức tiềm năng này bằng khát vọng và mơ ước! Anh hẹn với chúng tôi nếu có thời gian mời cùng khám phá những bí ẩn của Đầm Bưng. Anh muốn nhạc sĩ AMư Nhân đến để cảm nhận và sáng tác, giới thiệu về Đầm Bưng, mọi chi phí anh hỗ trợ hết cho đoàn. Tuy bận nhiều việc anh vẫn dành cho chúng tôi cả ngày nay. Mặc dù câu chuyện, lời ca phải ngắt đoạn khá nhiều lần để anh Tuấn nghe điện thoại xử lý công việc, nhất là những sự cố xẩy ra với khách.

Chia tay nhau trong lưu luyến và xúc động. Hẹn ngày gặp lại những con người giàu tình yêu thương Nha Trang và giàu nghị lực sống, vươn lên làm giàu chân chính như Tuấn, như Trang. Hẹn ngày gặp lại!

TRẦN TUẤN HƯNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dau-an-dep-cua-chuyen-di-thuc-te-sang-tac-d96079.html