Dấu ấn đẹp từ các đoàn địa phương

Khắc phục mọi khó khăn cả về địa lý, điều kiện cơ sở vật chất và tinh thần, nhiều đoàn nghệ thuật từ các địa phương trên cả nước vẫn nỗ lực hết mình, để lại nhiều ấn tượng đẹp tại Liên hoan sân khấu về 'Hình tượng người chiến sĩ CAND' năm 2020.

Những ngày này, Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV năm 2020 đã đi qua gần nửa chặng đường. 15 vở diễn trong tổng số 33 tác phẩm tham gia Liên hoan đã hoàn thành phần thi diễn. Hình ảnh người chiến sĩ CAND đã được phản ánh sinh động, hấp dẫn, nhiều chiều trên sân khấu hơn.

Sự hiện diện của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều địa phương khác nhau trên cả nước đã mang đến cho Liên hoan nhiều sắc thái mới lạ, thú vị với khán giả yêu sân khấu và cán bộ chiến sĩ CAND tại Thủ đô.

Vở Chèo “Vụ án Am Bụt Mọc” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa.

Vở Chèo “Vụ án Am Bụt Mọc” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa.

Ngạc nhiên và không nghĩ hình tượng người chiến sĩ Công an lại được chuyển tải thành công trên sân khấu đến thế qua loại hình Ca kịch là chia sẻ chung của nhiều khán giả với chúng tôi khi xem vở “Vòng xoáy” của Đoàn ca kịch Quảng Nam. Tác phẩm do NSND Giang Mạnh Hà đạo diễn, dàn dựng theo kịch bản của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

Chuyện kịch xoay quanh sự tha hóa của Tư Hoàng, Phó Trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Từ một “khắc tinh” của tội phạm, có được sự tín nhiệm lớn của cấp trên, đồng đội nhưng lạc trong “men say” của quyền lực, bị cám dỗ bởi tiền bạc, gái đẹp, Tư Hoàng dần bị cuốn vào vòng xoáy tội lỗi.

Từ chỗ là người thực thi công lý, Tư Hoàng dần dần bị chính các đối tượng phạm tội chi phối, khống chế. Ảo tưởng về quyền lực, muốn luật pháp “thẳng thì nó thẳng, muốn cong thì nó cong”, đẩy Hoàng từ sai lầm này đến sai lầm khác. Khi Tư Hoàng nhận ra được bi kịch của chính mình thì đã không thể khống chế được tình thế.

Sự sa ngã của Tư Hoàng khiến cả lãnh đạo và những đồng chí đồng đội từng tin yêu anh đau xót. Nhưng Tư Hoàng cũng như “ung nhọt trên cơ thể, không thể không cắt đi”. Công lý được thực thi. Tư Hoàng bị bắt, phải trả giá cho sai lầm của mình…

Đến với Liên hoan bằng vở Chèo “Vụ án Am Bụt Mọc”, các nghệ sĩ của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa tạo nhiều bất ngờ cho người xem khi chuyển tải thành công hình ảnh người chiến sĩ Công an lên sân khấu nhưng vẫn giữ được những đặc trưng của Chèo hiện đại.

Trao đổi với chúng tôi quanh câu chuyện này, đạo diễn, NSND Trương Hải Thọ thừa nhận, đặc trưng của Chèo là trữ tình. Nếu dàn dựng không khéo, tác phẩm sẽ không lột tả được sự mạnh mẽ nghiêm nghị của một người chiến sĩ CAND trên các mặt trận, đặc biệt là phòng chống tội phạm. Làm sao để giữ được phong cách, tư chất của người chiến sĩ CAND trên sân khấu nhưng vẫn phải giữ được đặc trưng ngôn ngữ của nghệ thuật Chèo là một thách thức lớn.

Từ khi tuyển chọn diễn viên, ông đã chú ý chọn các diễn viên trẻ, diễn hồn nhiên, mộc mạc, không nhiều vũ đạo như các nghệ sĩ gạo cội. Tác phẩm dàn dựng theo phong cách của Chèo hiện đại, không quá cách điệu. Vì từ Thanh Hóa ra Hà Nội khá xa nên ê kíp cố gắng giản lược tối đa về trang trí sân khấu nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng cho vở diễn. Riêng phần âm nhạc, vở diễn huy động đến 14 nhạc công, bao gồm cả nhạc công của Chèo, Cải lương, Tuồng của đơn vị.

Sau hơn 1 tháng dàn dựng, với sự đóng góp, nỗ lực của nhiều người, từ tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, các nghệ sĩ diễn viên, những ý kiến đóng góp của các đồng chí Công an tại Thanh Hóa, vở diễn được hoàn thiện.

Để đến với Liên hoan, 60 thành viên trong đoàn từ Thanh Hóa di chuyển ra Hà Nội 2 ngày diễn trước buổi thi chính thức. May mắn là đoàn được bộ phận kỹ thuật của Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (địa điểm biểu diễn) hỗ trợ tối đa trong làm quen với sân khấu, thiết kế, bố trí âm thanh ánh sáng. Buổi biểu diễn đã diễn ra rất thuận lợi.

Rạng rỡ ôm các bó hoa tươi sau buổi thi diễn, nghệ sĩ trẻ Nhật Hóa chia sẻ, trong đó có vai diễn của bản thân (vai trung úy Trọng), Nhật Hóa thực sự rất vui. Bởi, điều đó có nghĩa là mình đã chuyển tải phần nào hình ảnh người chiến sĩ CAND trên sân khấu thành công, đưa hình ảnh người Công an đến với công chúng gần gũi nhất, đúng như mục tiêu đề ra.

Đây là lần đầu tiên, Hóa và nhiều nghệ sĩ trẻ khác vào vai người chiến sĩ Công an, tham gia vở diễn, Liên hoan về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” nên có nhiều bỡ ngỡ. Làm thế nào để đi đứng, ứng xử đúng tác phong của người chiến sĩ Công an, đúng các lễ tiết, điều lệnh trong Công an đã là bài toán khó với các nghệ sĩ. May mắn là khi dàn dựng, tập luyện, đoàn có sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Công an địa phương nên đã điều chỉnh dần, chính xác hơn.

Sau hơn 1,5 tháng miệt mài tập luyện, vở diễn ra mắt khán giả lần đầu tiên tại Thanh Hóa. Nhiều đoạn diễn xúc động, nghệ sĩ và khán giả đều rưng rưng nước mắt. Người xem ủng hộ vở diễn nên nghệ sĩ cũng tự tin hơn khi đến với Liên hoan.

Thực tế, theo thông tin từ Ban tổ chức, tại Liên hoan lần này, gần một nửa số đoàn và số vở diễn là của các đoàn, đơn vị nghệ thuật ở các địa phương. Sự đa dạng về phong cách, văn hóa, loại hình biểu diễn được kỳ vọng sẽ tạo sự phong phú, hấp dẫn cho sự kiện đặc biệt này.

Trong nửa cuối chặng cuối của Liên hoan, khán giả còn có dịp tiếp cận với khá nhiều tác phẩm khác mang đậm bản sắc văn hóa các vùng miền như: “Chuyện của Dung” của Đoàn Cải lương Long An, Ca kịch “Chuyên án Z1” của Hội Nghệ sĩ Sân khấu tỉnh Thừa Thiên Huế, vở “Hồi sinh” của Đoàn Cải lương Hải Phòng, Ca kịch “Người thứ 13” và “Vụ án Am Bụt Mọc” của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, vở Cải lương “Giọt máu người yêu” của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Tiền Giang…

Dù các nghệ sĩ đến từ nhiều vùng miền, các vở diễn thuộc nhiều thể loại khác nhau nhưng có một điểm chung là đến với Liên hoan bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, cố gắng thể hiện tốt vai diễn, đóng góp cùng nghệ thuật sân khấu cả nước cho cuộc Liên hoan đạt được thành công, xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND gần gũi, sinh động nhất trên sân khấu.

Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần IV năm 2020 do Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 -19/8/2020), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2020).

Tham gia Liên hoan có 27 đoàn với 33 vở diễn thuộc 4 loại hình: Kịch nói, Cải lương, Chèo, Dân ca kịch. Liên hoan diễn ra từ ngày 16/7 đến 2/8 tại Hà Nội.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/dau-an-dep-tu-cac-doan-dia-phuong-604019/