Dấu ấn Donald Trump nhìn từ chính sách 'Nước Mỹ trên hết'

Tổng thống Donald Trump với tác phong làm việc phi truyền thống cùng với những chính sách cải tổ kinh tế mạnh mẽ cho thấy quyết tâm thực hiện cam kết đưa 'nước Mỹ vĩ đại trở lại'.

Lịch sử của nước Mỹ cho thấy các đời Tổng thống luôn muốn tạo dấu ấn nhiệm kỳ qua các chính sách chiến lược về chính trị ngoại giao hay về kinh tế và những chính sách đó mang giá trị lâu dài, đôi khi còn được các tổng thống kế nhiệm vận dụng lại trong hoạch định chính sách.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: UPI/Yonhap/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: UPI/Yonhap/TTXVN

Cũng giống như các tổng thống tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng muốn để lại dấu ấn của riêng mình, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, với chính sách nhất quán đó là "Nước Mỹ trên hết".

Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả mọi mối quan hệ ngoại giao, tập trung phát triển kinh tế Mỹ, và chỉ tham gia và đổ nguồn lực vào các tổ chức quốc tế nếu thấy có lợi cho mình.
* Khi doanh nhân làm ông chủ Nhà Trắng
Hơn hai năm trước, ngày 20/1/2017, tỷ phú Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Từ góc độ của một nhà kinh doanh thành đạt trên đỉnh cao sự nghiệp và góc nhìn mới của một chính trị gia, Tổng thống Trump cảm thấy hết sức "thất vọng" vì nước Mỹ đang trở nên "trì trệ" và có quá nhiều rào cản.

Bên cạnh đó còn có quá nhiều thế lực mạnh trong giới chính trị, kinh doanh và truyền thông sẵn sàng liên kết nhằm loại bỏ những ý tưởng mới để bảo vệ đặc quyền của mình, hay nói cách khác là lợi ích nhóm.

Và các nhóm này sẵn sàng liên kết để tiến hành “chiến tranh tổng lực” chống lại Tổng thống Trump và chính quyền của ông.

Chính vì vậy, Tổng thống Trump với tác phong và cách làm “phi truyền thống” cùng với những chính sách cải tổ kinh tế mạnh mẽ cho thấy quyết tâm tới cùng nhằm thực hiện cam kết đưa “nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Chính sách kinh tế thương mại mà Tổng thống Trump áp dụng kể từ khi lên nắm quyền được cho là khác với những cựu lãnh đạo của đảng Cộng hòa trước đây khi ông sẵn sàng đi ngược lại những quan điểm chính sách kinh tế lâu nay của Mỹ và sẵn sàng tuyên chiến với những đối tác thương mại lớn, thậm chí là cả các quốc gia đồng minh của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch vận động tái tranh cử tổng thống tại Orlando, Florida, Mỹ ngày 18/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Đường hướng chủ yếu trong chính sách thương mại và kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump là ổn định, thậm chí ngăn chặn sự phát triển hơn nữa của khu vực hóa và toàn cầu hóa, giữ các doanh nghiệp Mỹ ở lại trong nước, đồng thời thông qua các hiệp định thương mại song phương mở ra thị trường xuất khẩu ở nước ngoài, từ đó tạo ra việc làm và của cải nhiều hơn cho các công nhân Mỹ.
Với cách làm quyết liệt, Tổng thống Trump tìm cách lấy lại sức mạnh kinh tế cho nước Mỹ bằng cách kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua chính sách cắt giảm và cải cách thuế lớn nhất trong lịch sử của Mỹ với việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% và giảm đồng loạt thuế thu nhập cá nhân với tổng số thuế cắt giảm lên tới 1.500 tỷ USD trong thời gian 8 năm từ 2018-2025.

Việc giảm thuế doanh nghiệp được coi là một đòn bẩy, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn cũng như thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài do các điều kiện hấp dẫn hơn ở Mỹ.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump cũng áp dụng một loạt các bước nhằm dỡ bỏ đáng kể các luật lệ, rào cản đối với doanh nghiệp; gây sức ép bằng hình thức thuế quan để ép các công ty Mỹ và công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất, công nghệ hoặc mở nhà máy trên đất Mỹ; rút khỏi hoặc bỏ qua các hiệp định thương mại đa phương, đàm phán lại các hiệp định tự do thương mại song phương.

Mỹ không ngại “tuyên chiến” thương mại với các quốc gia là đối tác thương mại truyền thống lớn Mỹ, trong đó có cả Trung Quốc, nhằm đem lại “sự công bằng” cho các doanh nghiệp Mỹ và đảm bảo quyền tiếp cận thị trường nước ngoài tốt hơn cho hàng hóa Mỹ.
Đối với các hiệp định đa phương, chính quyền của Tổng thống Trump đã sử dụng hàng rào thuế quan đối với các đối tác thương mại như một đòn bẩy để đạt được những thỏa thuận có lợi hơn.

Ngược với quan điểm của người tiền nhiệm, Tổng thống Trump luôn coi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất và quyết tâm tái đàm phán.

Sau hơn 13 tháng đàm phán căng thẳng, cuối cùng Mỹ đã đạt được thỏa thuận Mỹ- Canada và Mexico, hay còn gọi là USMCA để thay thế NAFTA.

Đối với Tổng thống Trump đây là thành tựu thương mại quan trọng bởi cho thấy ông đã giữ đúng lời hứa khi tranh cử, cũng như cho thấy cách giải quyết có phương pháp của chính quyền của ông đối với cuộc chiến thương mại đa phương.

Với lợi thế có được khi đạt được USMCA, Mỹ sẽ tiến hành hai cuộc đàm phán song phương đồng thời với Nhật và Liên minh châu Âu (EU) và sau đó tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc, buộc nước này phải mở cửa và cải cách theo các điều kiện do Mỹ đặt ra.
Ông Trump cũng rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trong những "di sản" của cựu Tổng thống Barack Obama khi cho rằng Hiệp định này đối với Mỹ sẽ là một tai họa tiềm ẩn.

Ngoài ra, Tổng thống Trump còn từng đề xuất muốn rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu tổ chức này không đáp ứng các điều kiện do Mỹ đặt ra.
* Nền kinh tế khởi sắc
Với hàng loạt biện pháp quyết liệt và phần nào đó có tính “cực đoan”, Tổng thống Trump đã ghi được bảng thành tích nổi bật về kinh tế trong hơn hai năm nắm quyền.

Không giống như dự báo của một số nhà kinh tế rằng nền kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ và các thị trường tài chính sẽ không thể phục hồi được nữa nếu ông Trump thắng cử, kinh tế Mỹ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao (GDP tăng 2% trong quý II/2019), thị trường chứng khoán xác lập nhiều kỷ lục cao mới, nhiều việc làm được tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm (3,7%), lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp hiện mức cao.

Lạm phát đã lên mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau một thời gian dài ì ạch, ở mức quá thấp.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế Mỹ đang tỏ ra lo ngại về những rủi ro xuất phát từ một số chính sách kinh tế của Tổng thống Trump, nhất là việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều đối tác thương mại quan trọng, đồng thời dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đối mặt với một cuộc suy thoái vào năm 2020 hoặc 2021.
Như vậy, dù nước Mỹ phải chứng kiến nhiều sự xáo trộn, bất ổn và khó lường, những hầu hết các thay đổi của nước Mỹ dường như lại rất phù hợp với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống Trump theo đuổi ngay từ khi bắt đầu tranh cử.

Những thành tích kinh tế chính là chiến thắng lớn dành cho Tổng thống Trump và có lẽ trong thời gian tới Tổng thống Mỹ cần làm nhiều hơn nữa cho nền kinh tế Mỹ để minh chứng rằng giải pháp kinh tế của ông đi đúng hướng./.

Đặng Huyền (P/v TTXVN tại Washington)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dau-an-donald-trump-nhin-tu-chinh-sach-nuoc-my-tren-het-/133830.html