Dấu ấn đột phá trên dự án huyết mạch quốc gia

Kể từ khi QL1 được hình thành có lẽ chưa khi nào có một cuộc đại tu, mở rộng qui mô lớn như hiện nay. Việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường này sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nói chung và của nhiều địa phương nói riêng.

Tuyến đường này đang được gấp rút thi công, hoàn thành đã cho thấy nỗ lực của ngành GTVT trong việc hiện thực hóa mục tiêu tạo đột phá về hạ tầng giao thông mà Nghị quyết số 13 đã đề ra.

Quốc lộ 1A qua huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng

Xong sớm GPMB tạo bước ngoặt về tiến độ và chất lượng

Có thể nói chưa có một dự án giao thông nào có khối lượng GPMB lớn như dự án nâng cấp, cải tạo và mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14). Cả hai tuyến đường này dài trên 1.500km, đi qua 22 tỉnh, thành phố với khoảng 84 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do GPMB. Đặc biệt, trong đó có gần 5.300 hộ cần phải bố trí vào các khu tái định cư tập trung. Tuy nhiên, chỉ mất hơn một năm, toàn bộ khối lượng kỷ lục này đã cơ bản hoàn tất.

Tại Hội nghị tổng kết về công tác GPMB tại hai dự án trọng điểm này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT và lãnh đạo các địa phương. Theo Phó Thủ tướng, chưa có dự án nào khối lượng GPMB lớn và khó như dự án này nhưng chúng ta lại thực hiện nhanh nhất từ trước tới nay.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để có thành công như vậy là do có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương. Sự vào cuộc sát sao của các Bí thư, Chủ tịch là một hình ảnh gây xúc động và có tính thuyết phục cao. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến được làm tốt nên nhân dân ủng hộ. Một yếu tố quan trọng góp phần thành công trong công tác GPMB hai dự án này là vốn được ưu tiên hàng đầu, giải quyết sớm để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống. Các đơn vị thi công cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra áp lực GPMB. Thi công có khi hỗ trợ cần thiết cho người dân.

Trong quá trình GPMB tuyến QL1 đã có những câu chuyện cảm động về tấm lòng của người dân đối với dự án. Chẳng hạn như tại xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, có nhiều gia đình đã tự đập nhà mình để bàn giao cho dự án. Trong số đó có gia đình ông Trần Gia Truyền đã hai lần tự đập bỏ ngôi nhà mà bao nhiêu năm chắt chiu mới xây dựng được để bàn giao mặt bằng cho dự án mở rộng QL1. Nói về việc này, ông Truyền bảo: “Tính ra thiệt thòi nhiều thứ nhưng chẳng sao cả. QL1 được mở rộng thì sau này con cháu mình được hưởng, đi lại thuận tiện hơn. Có đường đẹp thì TNGT cũng ít hơn…”

Hay như ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nhờ sự vận động và được sự ủng hộ của người dân nên công tác GPMB được thực hiện nhanh chóng. Chỉ chưa đầy 6 tháng, huyện Kỳ Anh đã giải phóng xong hơn 54km để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công QL1.

Có thể nói, với sự ủng hộ của người dân, sự quyết liệt trong phối hợp, chỉ đạo nên công tác GPMB của dự án đã được thực hiện nhanh chóng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Điều này là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2015 và dự kiến sẽ vượt kế hoạch 12 tháng.

Hướng tới mục tiêu vượt tiến độ

Sự quan trọng của việc nâng cấp, cải tạo và mở rộng tuyến đường này được thể hiện từ sự quan tâm, chú ý đặc biệt của các cấp lãnh đạo. Trong nhiều cuộc họp về tiến độ và chất lượng của dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng luôn nhấn mạnh: “Hiếm có một dự án giao thông nào từ trước đến nay lại có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ như dự án này. Điều này cho thấy tầm quan trọng của dự án để thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.

Còn nhớ, khi bắt tay vào triển khai dự án, Chính phủ đã cắt cử 3 Phó Thủ tướng phụ trách dự án để bảo đảm các khâu: GPMB, tài chính và chất lượng thi công. Để đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án, Bộ GTVT cũng cử 5 Thứ trưởng thường xuyên có những kiểm tra, chỉ đạo được thực hiện ngay tại hiện trường để thúc đẩy dự án. Bên cạnh đó là đầu mối để có sự phối hợp với các bộ, ngành như: Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư… nhằm tạo những điều kiện tốt nhất để việc triển khai được thuận lợi. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và thực hiện quyết liệt của Bộ GTVT nên dự án đã được thực hiện khá đồng bộ và thuận lợi, không làm tăng tổng mức đầu tư như nhiều dự án trước đây.

Nhờ sự chỉ đạo và triển khai quyết liệt nên nhiều khó khăn, vướng mắc về vốn, thiết kế, GPMB và tiến độ của nhiều dự án thành phần đã được tháo gỡ. Còn nhớ tại một dự án hầm đường bộ Đèo Cả – dự án thành phần lớn nhất trên tuyến QL1 có thời kỳ từng được xem là “điểm nghẽn” trên toàn bộ dự án do những vướng mắc về bố trí nguồn vốn, GPMB và phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, những vướng mắc này đã được lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ kịp thời, tạo tiền đề để dự án được triển khai thuận lợi, đáp ứng tiến độ để có thể hoàn thành đồng bộ với tiến độ chung của toàn bộ dự án.

Đến nay, một số dự án thành phần trên tuyến cũng đã cơ bản hoàn thành tạo ra nguồn cổ vũ lớn cho các gói thầu còn lại. Như dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy II – tuyến tránh TP. Hà Tĩnh hoàn thành trước tiến độ 9 tháng. Một số đoạn như: QL1 qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đều đã cơ bản hoàn thành. Hầu hết các gói thầu còn lại trên tuyến đến thời điểm này cũng đang được thúc đẩy, đáp ứng tiến độ đề ra để có thể hoàn thành trong năm 2015 như kế hoạch đề ra…

Một dấu ấn nữa trong quá trình thực hiện dự án QL1 là việc thu hút một nguồn vốn ngoài ngân sách chưa từng có cho một công trình trọng điểm quốc gia. Đây là điều ít ai nghĩ tới khi dự án chưa được triển khai. Dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ, trong số 37 dự án đã triển khai, đến nay đã có đến 17 dự án BOT (dài 608km) và chiếm đến hơn 45% chiều dài của toàn bộ dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Để có được điều này là nhờ sự cam kết mạnh mẽ, minh bạch và đầy trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GTVT đối với quyền lợi và trách nhiệm của các nhà đầu tư.

Đánh giá về dự án này, Tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT từng cho rằng, tuy dự án nâng cấp và mở rộng QL1 chưa hoàn chỉnh nhưng đây là một bước tiến vượt bậc của ngành GTVT.

Theo đánh giá, khi toàn bộ QL1 hoàn thành vào năm 2015, sớm hơn so với kế hoạch, tốc độ khai thác trên tuyến sẽ nâng từ 50km/h hiện nay lên 70km/h. Khi đó, việc di chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ sẽ rút ngắn được từ 10 – 15 giờ so với hiện nay.

Tiến Mạnh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/phan-dau-rut-ngan-tien-do-hoan-thanh-cau-my-thuan-2-d97457.html