Dấu ấn không quên của vị tướng thông tin liên lạc

'Năm 1945 không chỉ là thời điểm mở ra trang mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là dấu mốc thay đổi cuộc đời tôi'. Đó là tâm sự của Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, khi ông trò chuyện với chúng tôi vào một buổi chiều thu.

Cơ duyên để Thiếu tướng Nguyễn Diệp đến với lĩnh vực thông tin liên lạc và trở thành quân nhân khi ông mới 16 tuổi. Chàng thanh niên Nguyễn Diệp hồi đó đang là thành viên của Hội Hướng đạo sinh cứu quốc. Tham gia hội với mục đích ban đầu là giao lưu với bạn bè cùng trang lứa và học hỏi những kỹ năng như cách sử dụng Semapho (dùng cờ) và tín hiệu Morse (dùng còi) để trao đổi thông tin, chàng trai trẻ chưa bao giờ nghĩ những gì mình học được là bước đi đầu tiên trong sự nghiệp mà mình sẽ gắn bó hơn 45 năm. Thiếu tướng Nguyễn Diệp chia sẻ: “Nhờ biết cách thông tin bằng ký hiệu mà tôi được tham gia vào tổ quân báo chuyên theo dõi hoạt động của quân Tưởng đóng trong thành Hà Nội. Những lần đóng giả người chở xe bò để hoạt động cách mạng, rồi hôm 17-8-1945 cùng anh em trong đoàn tham gia cuộc biểu tình và diễu hành biểu dương lực lượng “Ủng hộ Việt Minh”… đều là những kỷ niệm khó phai đối với tôi”.

Thiếu tướng Nguyễn Diệp giới thiệu những tấm ảnh kỷ niệm với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Nhiệt huyết tuổi trẻ hòa chung với lòng yêu nước đã thắp lên trong lòng người chiến sĩ ấy sự khát khao được cống hiến cho quê hương, đất nước. Và có lẽ tình yêu nước trong ông càng nhiều thêm khi ông được chứng kiến thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2-9-1945. “Phấn khởi, hồi hộp và xúc động lắm. Sau khi nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tôi cùng với hàng nghìn người lúc đó hô to lời thề sẽ quyết tâm giữ vững độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó cũng là thời khắc tôi nhận ra lý tưởng cách mạng của mình”, Thiếu tướng Nguyễn Diệp xúc động chia sẻ.

Tháng 12-1945, ông được đồng chí Hoàng Đạo Thúy (lúc ấy là Trưởng phòng Thông tin, Bộ Tổng Tham mưu) đề nghị đi học lớp thông tin vô tuyến điện. Vì được học ngành khoa học mình yêu thích và cũng là cơ hội để tiếp tục con đường hoạt động cách mạng, ông vui vẻ nhận nhiệm vụ. Từ đó đến khi nghỉ hưu, ông làm việc và cống hiến tại Binh chủng Thông tin liên lạc.

Trải qua 90 mùa xuân cuộc đời, với biết bao thăng trầm lịch sử, nhưng mỗi lần nhắc đến năm 1945, vị tướng thông tin liên lạc lại bồi hồi, xúc động kể về những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mình.

Bài và ảnh: HÀ MY - THU TRANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dau-an-khong-quen-cua-vi-tuong-thong-tin-lien-lac-548451