Dấu ấn mới về thương mại và đầu tư Việt Nam - Ấn Độ

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ vào cuối tháng 2/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với ông Som Parkash Quốc vụ khanh Bộ Công Thương Ấn Độ về các biện pháp tăng cường đầu tư, thúc đẩy thương mại song phương.

Thương mại: Hướng tới 15 tỷ USD

Năm 2019, kim ngạch song phương hai nước đạt 11,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ là 6,6 tỷ USD, tăng 2,1% so với 2018, và chiều ngược lại xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam là 4,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với 2018. Quốc gia này là về đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Nam Á, còn trong Châu Á thì Ấn Độ là đối tác thứ 7 của Việt Nam, nhưng Việt Nam là một trong số thị trường hiếm hoi duy trì xuất siêu vào Ấn Độ. Dù vậy, kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như quyết tâm chính trị của hai nước. Trên đà này, lãnh đạo hai bên đã cam kết đưa kim ngạch song phương lên 15 tỷ vào năm 2020, so với năm 2019 tăng 32%. Đây là mức tăng khá cao, song về trị giá chỉ là 3,7 tỷ USD cho cả hai chiều thì thực sự không quá sức. Muốn đạt được mục tiêu đó, hai bên thống nhất hành động, phát huy các nguồn lực, tận dụng cơ hội từ những cam kết hai nước đã đạt được, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh giao thương.

Lập nhóm làm việc chung về Đầu tư

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đã sang Việt Nam đầu tư và thu được kết quả, song còn rất khiêm tốn. Việc tăng cường đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam vừa đúng vào thời điểm chúng ta đang bắt tay thực hiện “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, vừa phù hợp với khả năng của Ấn Độ, nhất là các ngành có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh như khai khoáng, dệt may, da giày, năng lượng, y tế - dược phẩm, công nghiệp phụ trợ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp và công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, dược phẩm, mía đường, năng lượng, khoáng sản…, của Việt Nam. Hợp tác đầu tư thành công sẽ mở ra khả năng phát triển thương mại hai nước.

Nhất quán về tầm quan trọng của hợp tác đầu tư trong thời gian tới giữa hai nước, phía Ấn Độ kiến nghị mỗi bên cử ra đầu mối để trao đổi và kết nối đầu tư song phương, hướng tới thành lập “Nhóm làm việc chung” về đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đồng thuận với sáng kiến này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cử Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài làm đầu mối của phía Việt Nam.

Gặp gỡ các “đại gia”

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có đã các buổi làm việc riêng với các Tập đoàn lớn như ONGC – Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ, Tập đoàn Essar, NTPC, HCL, GMR…, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ.

Đại diện các Tập đoàn, doanh nghiệp của Ấn Độ đã giới thiệu về năng lực của mình và bày tỏ mong muốn hợp tác, đầu tư tại Việt Nam với nhiều hình thức, lĩnh vực khác nhau như năng lượng, công nghiệp, phát triển hạ tầng, tài chính, công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh và gợi mở các Tập đoàn kinh tế Ấn Độ hướng đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu phát triển, nhất là nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, điện khí... vừa đáp ứng nhu cầu điện vừa bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Hay chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao.

Các hoạt động trên đây đúng vào thời điểm chống chọi với đại dịch, được xem là sự nhạy bén, kịp thời khắc phục tác động tiêu cực tới thương mại & đầu tư, trước mắt tìm thị trường giải cứu hàng nông thủy xuất khẩu, và cả thị trường nhập khẩu để nối lại dòng cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào, thoát dần phụ thuộc vào thị trường láng giềng khổng lồ.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-an-moi-ve-thuong-mai-va-dau-tu-viet-nam-an-do-133421.html