Dấu ấn những tài năng hội họa

Khi xem cuốn sách 'Dấu ấn mỹ thuật', tôi như được trở về những ký ức gian khổ mà hào hùng của dân tộc và Quân đội ta qua những tác phẩm tranh cổ động, ký họa chiến trường, ký họa thao trường, minh họa, tranh vui… đầy màu sắc sinh động của các thế hệ họa sĩ Báo Quân đội nhân dân.

Cầm tờ báo trên tay, thường thì người đọc hay chú tâm xem trong đó có nội dung gì, viết có hay không, có cảm thấy thích thú không? Cũng không nhiều người biết rằng, một thông tin hay, một tiêu đề ấn tượng, một bài báo bắt mắt, một bức ảnh đẹp, một bức tranh tươi tắn, sinh động, một trang báo hài hòa về bố cục là nhờ một phần công sức, tâm huyết, trí tuệ không nhỏ từ đội ngũ họa sĩ của tờ báo. Họa sĩ là những người đứng ở phía sau bài báo, nhưng họ chính là người góp phần làm nên “mặt tiền” của trang báo, tờ báo. Họa sĩ là một trong những thành phần sáng tạo không thể thiếu để góp phần tạo ra vị thế, diện mạo, uy tín, thương hiệu của một tờ báo.

 Một bức tranh cổ động của Họa sĩ Nguyễn Bích trong cuốn sách

Một bức tranh cổ động của Họa sĩ Nguyễn Bích trong cuốn sách

Những tranh minh họa của Họa sĩ Nguyễn Mạnh Tiến đăng trên Báo Quân đội nhân dân cuối tuần.

Một bức ký họa chiến trường của Họa sĩ Lê Đức Tuấn trong cuốn sách

Tự hào là một trong số ít tờ báo ra đời sớm trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, chỉ còn vài tháng nữa, Báo Quân đội nhân dân sẽ tròn 70 tuổi vào ngày 20-10-2020. Trong bảy thập niên đồng hành cùng dân tộc, đất nước và quân đội, tờ báo chiến sĩ có được tên tuổi như ngày hôm nay không thể không nhắc đến các thế hệ họa sĩ say nghề, tài năng từng có những năm tháng sáng tạo, cống hiến và có những tác phẩm hội họa “để đời” trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân.

Thuở học vỡ lòng, tôi rất thích vẽ, đặc biệt là vẽ hoa và cuốn thư. Niềm say mê vẽ vời đầu đời ấy cứ tưởng chắp cánh cho tôi sau này đi theo con đường “cầm cọ”, nhưng rồi khi lớn lên, tôi tự thấy mình không đủ khả năng để theo đuổi ước mơ. Tuy vậy, công việc làm báo gần hai thập niên qua giúp tôi may mắn gặp được nhiều họa sĩ, cộng thêm chút tìm hiểu về kiến thức mỹ thuật nên tôi cũng biết phần nào về cái đẹp trong hội họa. Thỉnh thoảng tôi cũng đi xem triển lãm tranh để vừa thư giãn, vừa chiêm ngưỡng những vẻ đẹp bay bổng, phiêu diêu thường chỉ có trong những bức họa mà khó tìm ở các loại hình nghệ thuật khác.

Tình cảm với những bức họa trong tôi như được thăng hoa khi dành trọn một buổi chiều để ngắm nhìn và có lúc không khỏi “đắm đuối” trong những tác phẩm in trong cuốn “Dấu ấn mỹ thuật” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành vào cuối năm 2019. Cuốn sách này như “thước phim quay chậm” giúp tôi hiểu hơn về những chặng đường lịch sử hội họa trên Báo Quân đội nhân dân và những tác phẩm tiêu biểu, những phong cách hội họa đặc trưng của các gương mặt họa sĩ đã, đang công tác tại tờ báo chiến sĩ. Đó là họa sĩ Nguyễn Bích (1925-2011) với những nét vẽ khỏe khoắn, làm nổi bật tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến sĩ Điện Biên trong các bức tranh cổ động hừng hực khí thế về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là họa sĩ Mai Văn Hiến (1923-2006) với những nét vẽ dí dỏm, hài hước mà cũng rất sâu cay trong những bức tranh châm biếm, đả kích đăng trên Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Đó là họa sĩ Dương Hướng Minh (1919-2008) ghi danh trong lòng công chúng với những tác phẩm, như: Bức tranh “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” (sáng tác năm 1956), ký họa “Chị chủ nhiệm hợp tác xã” (sáng tác năm 1967). Ba họa sĩ trên đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật. Tên tuổi của các ông không chỉ góp phần làm rạng danh nền mỹ thuật cách mạng nước nhà, mà còn để lại dấu ấn hội họa sâu sắc trong lịch sử Báo Quân đội nhân dân.

Tiếp nối mạch nguồn thế hệ họa sĩ thời kháng chiến chống Pháp, thế hệ họa sĩ Báo Quân đội nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có sự kế tục xứng đáng với những gương mặt “một thời để nhớ”. Đó là họa sĩ Lê Lam rất tinh tế khi khắc họa những anh bộ đội, bà mẹ, ông lão… lột tả được thần thái, cốt cách con người Việt Nam trong kháng chiến. Họa sĩ Nguyễn Sơn (1933-2019) góp phần làm cho các trang báo tươi tắn, sinh động với những bức tranh khôi hài, hóm hỉnh. Họa sĩ Phạm Thanh Tâm (1932-2019) cống hiến cho tờ báo những nét vẽ tinh khôi trong các bức ký họa “Hành quân qua cầu mây”, “Trú quân trong rừng” (đều sáng tác năm 1968). Một tài năng khác được đông đảo công chúng biết đến là họa sĩ Lê Đức Tuấn với các bức ký họa nổi tiếng về chiến trường, ví như tác phẩm “Xe tăng 377 anh hùng” (tháng 7-1972), “Tổ chặt cọc làm vệt hoa dâu chống lầy cho xe, tháng 5-1973”…

Trong thời bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với đổi mới nâng cao chất lượng toàn diện nội dung tuyên truyền, sắc màu hội họa trên các ấn phẩm Báo Quân đội nhân dân ngày càng đa dạng, phong phú hơn mà như có người ví, đó là thời hội họa “trăm hoa đua nở” với thế hệ 5X là các họa sĩ Lê Công Phía, Bùi Thị Tuyết Mai; thế hệ 6X là họa sĩ Hoàng Hà; thế hệ 7X là các họa sĩ đang ở “độ chín” về nghề như Nguyễn Quang Cường, Phùng Văn Minh, Nguyễn Mạnh Tiến, Lê Hồng Hải, Phạm Ngọc Hà; và hiện nay là các gương trẻ triển vọng thuộc thế hệ 8X như: Vũ Thái Hòa, Nguyễn Quang Hiếu, Lê Văn Anh, Tô Minh Ngọc, Đỗ Thị Huyền… “Em út” là họa sĩ Mai Văn Minh (sinh năm 1992) cũng đang nỗ lực tiếp bước thế hệ họa sĩ cha anh để góp phần làm cho “vườn hoa hội họa” trên tờ báo chiến sĩ ngày càng rực rỡ, tỏa sáng.

Tôi từng đọc cuốn sách “Ký ức người cầm bút” (xuất bản năm 2010) với những bài viết kỷ niệm về cuộc đời làm báo, viết văn của của những nhà báo chiến sĩ và những cộng tác viên thân thiết của Báo Quân đội nhân dân; và đọc cuốn sách “Tòa soạn tiền phương trong rừng Mường Phăng” (xuất bản năm 2014) với những bài viết về công việc làm báo, trực tiếp xuất bản 33 số báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Nay xem thêm cuốn sách “Dấu ấn mỹ thuật”, tôi như được trở về những ký ức gian khổ mà hào hùng của dân tộc và Quân đội ta qua những tác phẩm tranh cổ động, ký họa chiến trường, ký họa thao trường, minh họa, tranh vui… đầy màu sắc sinh động của các thế hệ họa sĩ Báo Quân đội nhân dân.

Tôi tin không chỉ riêng mình, mà những ai quan tâm thưởng thức những cuốn sách này sẽ có cơ hội hiểu sâu hơn truyền thống lịch sử, bản sắc, phong cách và những gương mặt nhà báo, nhà văn, nhà nhiếp ảnh, họa sĩ đã làm nên uy danh của tờ báo chiến sĩ hai lần anh hùng.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dau-an-nhung-tai-nang-hoi-hoa-610674