Dấu ấn Phật hoàng Trần Nhân Tông trên non thiêng Yên Tử

Những di sản của Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông lưu lại hậu thế gắn liền với non thiêng Yên Tử, nơi ông tu hành và sáng lập thiền phái Trúc Lâm.

Trần Nhân Tông (1258 – 1308), tên thật là Trần Khâm, là con trai trưởng của Trần Thánh Tông. Trong 14 năm trị vì, ông được nhiều sử ký ca tụng như minh quân bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Không chỉ có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, ông còn đưa Đại Việt lấy lại sự hưng thịnh và phát triển rực rỡ sau chiến tranh.

Trần Nhân Tông (1258 – 1308), tên thật là Trần Khâm, là con trai trưởng của Trần Thánh Tông. Trong 14 năm trị vì, ông được nhiều sử ký ca tụng như minh quân bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Không chỉ có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, ông còn đưa Đại Việt lấy lại sự hưng thịnh và phát triển rực rỡ sau chiến tranh.

Nhà vua Trần Nhân Tông không chỉ là một minh quân trị quốc, nhà ngoại giao, nhà tư tưởng nghệ thuật tài hoa mà ông còn là một giác giả tu hành chân chính. Năm 1294, sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và lên làm Thái thượng hoàng, Đức vua xuất gia tu Phật tại hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình. (Hình ảnh trên bức họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ)

Tuy nhiên, sự nghiệp tu hành của Trần Nhân Tông phát triển rực rỡ nhất ở núi Yên Tử, Quảng Ninh. Tại đây, Ngài lấy pháp danh Hương Vân Đại đầu đà, Trúc lâm Đại đầu đà hay Giác hoàng Điều ngự, mở tịnh xá, thuyết giảng độ tăng, thâu nhận đệ tử.

Giác hoàng Điều ngự đã kế thừa, thống nhất được Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam và tinh thần nhập thế. Hệ thống chùa, am tháp tại Yên Tử dần mở rộng theo con đường tu hành của Ngài.

Trần Nhân Tông là vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, được tôn vinh là Phật hoàng. Các vị đệ nhị tổ Pháp Loa, tam tổ Huyền Quang đã nối tiếp, mở rộng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trải dài từ Đông sang Tây núi Yên Tử, từ Uông Bí tới Đông Triều (Quảng Ninh), Bắc Giang…

Cuối đời, Ngài tu hành và hóa Phật tại am Ngọa Vân (Đông Triều, Quảng Ninh). Sau khi Phật Hoàng viên tịch, các đệ tử tiến hành hỏa thiêu thi thể ông ngay tại am Ngọa Vân.

Ở Trần Nhân Tông có sự hòa hợp của hình ảnh thiền sư, thi sĩ. Tư tưởng của Ngài thể hiện trong bài phú Cư trần lạc đạo:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Tinh thần Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không chỉ thể hiện trong Phật giáo mà còn ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội và còn nguyên giá trị đến ngày nay, trở thành biểu tượng của văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt.

Yên Tử ngày nay đã không còn ngủ yên trong rừng già, các thế hệ hậu thế đã có thể vén mây lên non thiêng bằng nhiều con đường khác nhau. Quần thể di tích danh thắng trên non thiêng được khôi phục, gìn giữ và phát huy.

Theo dấu chân Phật hoàng thuở trước, hành trình của du khách sẽ qua hàng loạt chùa, am, tháp cổ kính, từ chùa Bí Thượng, Cầm Thực, Giải Oan ở chân núi lên tới Hoa Yên, Một Mái, Vân Tiêu, vườn tháp Huệ Quang tới chùa Đồng trên đỉnh 1068m quanh năm mây phủ.

Ấn tượng bậc nhất trên đường hành hương là tượng Phật hoàng tại khu vực An Kỳ Sinh. Bảo tượng có trọng lượng 138 tấn, được đúc bằng đồng nguyên khối, theo phương pháp thủ công của các làng nghề truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, khánh thành vào dịp Đại lễ tưởng niệm 705 năm Ngày Phật hoàng nhập Niết bàn năm 2013.

Hình ảnh Phật hoàng uy nghi nhưng rất đỗi gần gũi, từ bi là nơi Phật tử, người dân chiêm bái, tri ân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu an yên, thái bình.

Lễ hội Yên Tử vào tháng Giêng là một trong những lễ hội lớn nhất dịp đầu xuân, thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước. Từ năm 2016, lễ hội Ngọa Vân cũng được tổ chức, mở rộng không gian tâm linh, văn hóa.

Hình ảnh Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông được tái hiện sinh động mỗi dịp lễ hội xuân.

Thông qua hình ảnh Phật hoàng nhập thế, phương châm Đạo pháp đồng hành cùng Dân tộc của Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng xã hội văn minh no ấm ngày càng được khẳng định sâu sắc.

Từ nền tảng văn hóa thời Trần, Khu di tích danh thắng Yên Tử nay đã khoác áo mới với hàng loạt công trình tái hiện không gian xưa: Cung Trúc Lâm, vườn thiền, Tuệ Tĩnh đường, bảo tàng Phật Hoàng Trần Nhân Tông,…

Khách hành hương lên Yên Tử không chỉ tìm về những giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử mà còn để thưởng ngoạn cảnh đẹp, không gian thiền thanh tịnh.

Những sản phẩm du lịch mới gắn liền với thiền phái Trúc Lâm, học thiền, học sử trên non thiêng hướng tới các giá trị truyền thống được phát triển, thu hút du khách ở nhiều lứa tuổi.

Đại lễ tưởng niệm 710 năm Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn sẽ được tổ chức trọng thể vào ngày 6-7/12 tới, nhằm thể hiện sự tôn vinh, tri ân đối với công đức của Ngài, đồng thời giới thiệu, quảng bá các giá trị tư tưởng, văn hóa đặc sắc của Người, Phật giáo Trúc Lâm, Phật giáo Việt Nam tới đông đảo người dân, du khách bốn phương./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/dau-an-phat-hoang-tran-nhan-tong-tren-non-thieng-yen-tu-847544.vov