Dấu ấn phóng viên nơi cực Bắc của Tổ quốc

Nhiều năm thực hiện các đề tài điều tra muôn mặt trong cuộc sống đời thường, kèm khả năng nhập vai tốt, phóng viên Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam) đã có nhiều tác phẩm lột tả được mọi ngóc ngách của xã hội vùng cao, được độc giả và nhân dân trên cả nước biết đến.

Những bài báo có sức "nặng"

Là một Chuyên trang điện tử đặc biệt của Báo Pháp luật Việt Nam truyền tải mạnh mẽ thông tin, giáo dục pháp luật đến người dân, trong hơn 5 năm qua Pháp luật Plus đã thực sự trưởng thành và có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc.

Trong suốt thời gian ấy, ấn phẩm điện tử Pháp luật Plus đã cập nhật kịp thời thông tin về những hoạt động có liên quan của ngành Tư pháp, phản ánh tình hình thi hành pháp luật và là nơi để nhân dân và người yếu thế trong xã hội nói lên quan điểm của mình. Để có được vị thế như hiện nay, lãnh đạo Báo đã không ngừng chọn lọc, bố trí nhân sự đủ đức, đủ tài rải khắp các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái…Điều đó được thể hiện trong thời gian qua, ở những địa phương này, Pháp luật Plus đã thực sự trở thành “món ăn tinh thần” hàng ngày của mỗi người, mỗi nhà.

PV Phàn Giào Họ trong một lần tác nghiệp tại huyện Hoàng Su Phì.

Độc giả không chỉ được đọc tin tức thời sự mới nhất, thông tin hoạt động của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mà còn có những bài viết gai góc, phanh phui những mặt trái của xã hội vùng cao ngày nay. Điển hình như tháng 6 năm 2021 vừa qua, Pháp luật Plus đã đăng tải bài điều tra “Phát hiện thủ đoạn mới đang “gặm nhấm” rừng tự nhiên ở Hà Giang”, phản ánh việc hàng trăm cơ sở chế biến gỗ, ván nhân tạo được tỉnh Hà Giang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm kích thích người dân trồng rừng sản xuất, tiêu thụ và giúp đồng bào phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ…

Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền sở tại, cùng phương thức phá rừng biến tướng, những xưởng bóc này đang “gặm nhấm” gỗ tạp, đồng nghĩa với thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ… Sau ít ngày bài được đăng tải, UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu các ngành, chính quyền huyện làm rõ về thực trạng phá rừng tự nhiên từ phản ánh của Pháp luật Plus.

Kết quả, một Trạm trưởng kiểm lâm đã bị cách chức, đồng thời tình trạng phá rừng tự nhiên từ đó đến nay đã giảm đi đáng kể. Một bài viết khác đăng tải vào cuối tháng 8 năm 2021 nói về tình trạng khai thác vàng trên núi đá vôi tại xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) nhưng không được chính quyền sở tại xử lý với tiêu đề “Vàng “tặc” chiếm lĩnh núi Pá Phay”.

Sau khi bài báo được đăng tải, lập tức, lực lượng chức năng đã tiến hành bắt giữ 18 đối tượng liên quan đến hành vi khai thác vàng trái phép. Các đối tượng này bị xử lý thích đáng trước pháp luật. Tại Yên Bái, tình trạng khai thác cát, sỏi trên các con sông, suối đã trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi các đối tượng khai thác khoáng sản trong thời gian dài mà không hề bị xử lý.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, phóng viên Báo đã tìm hiểu, ghi nhận thực trạng này, các đối tượng còn tranh thủ khai thác cả vàng. Sau khi bài viết “Ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép trên lòng hồ thủy điện Văn Chấn?” được xuất bản, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã nắm bắt thông tin và có văn bản yêu cầu các nghành, huyện phải làm rõ để xử lý theo quy định. Cho đến hiện tại, cơ quan chức năng của địa phương này vẫn đang ráo riết xử lý.

Một số đề tài phóng viên Phàn Giào Họ thực hiện

Trong công việc có lúc rắng, lúc mềm

Là tác giả của những bài viết điều tra được dư luận quan tâm, đồng nghiệp đánh giá cao, anh Phàn Giào Họ - một người Dao bản địa quê Hà Giang luôn nhắc bản thân phải không ngừng hoàn thiện mình để ngày càng có những bài báo hay hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước tốt đẹp.

Anh bảo, quan điểm của một người làm báo, đặc biệt là công tác tại tờ báo Pháp luật càng cần phải có cái nhìn khách quan với mọi sự việc, một người làm báo công tâm sẽ không nhìn mọi thứ theo hướng tiêu cực mà cần nhìn thấy cả mặt tích cực của nó.

Theo anh Họ, rất nhiều bài báo đặc biệt là bài điều tra, anh phải bỏ không ít công sức tìm hiểu, đánh giá làm sao để có được hình ảnh tốt nhất, thông tin thuyết phục nhất. Anh bảo rằng, với bài điều tra ở núi Pá Phay, ngoài việc tham vấn ý kiến lãnh đạo cơ quan, người phụ trách mình anh phải lên kịch bản rất kỹ, phòng cả tình huống bị vàng “tặc” trả thù, cũng phải mất đến nửa tháng bài viết ấy mới được hoàn thiện.

Hoặc như bài viết điều tra về gỗ rừng tự nhiên ở Hà Giang, anh cũng phải bỏ rất nhiều thời gian để điều tra, theo chân lâm “tặc” trong thời gian 28 ngày mới đủ tư liệu cho bài viết, thậm chí sau khi bài viết được đăng tải anh cũng phải chịu không ít áp lực, trong đó có cả những cuộc gọi hăm dọa của các đối tượng khai thác rừng tự nhiên trái phép. “Tôi đến với nghề báo là một cái duyên, vì trước đây tôi thi trường khác trượt nên mới nộp nguyện vọng học báo chí và theo nghề này.

Nhưng tôi cảm thấy mình đã chọn đúng. Đặc biệt, ở Pháp luật Plus tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc, vì tôi luôn được lãnh đạo quan tâm, đồng nghiệp giúp đỡ” - phóng viên Phàn Giào Họ chia sẻ.

Biên Giới

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/doi-song/dau-an-phong-vien-noi-cuc-bac-cua-to-quoc-d170224.html