Dấu ấn 'thuyền trưởng' từ những chiến công

Một trong những người mang đậm dấu ấn thành tích khám phá nhanh các vụ án gây hoang mang dư luận là Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP HCM.

Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xảy ra 4 vụ án gây hoang mang dư luận (gồm: vụ giết 5 người trong một gia đình ở quận Bình Tân; vụ giết hai "hiệp sĩ đường phố" ở quận 10; vụ đặt bom phá hoại tại trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình và vụ bác sĩ Chiêm Quốc Thái bị vợ thuê giang hồ cố ý gây thương tích). Tất cả đều được khám phá trong thời gian ngắn.

Điều đó không chỉ góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự mà còn tạo niềm tin yêu của người dân dành cho lực lượng Công an. Một trong những người mang đậm dấu ấn thành tích khám phá nhanh các vụ án trên là Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP. Hồ Chí Minh.

Khi nhận nhiệm vụ Trưởng phòng CSHS, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam còn khá trẻ so với những người tiền nhiệm. Có thể chính sức trẻ ấy mà anh hoạt động như một con thoi, ít khi chịu ngồi một chỗ. Ngoài những buổi họp quan trọng, những lần giao ban đơn vị; thời gian còn lại anh trực tiếp đến các đội, gặp gỡ trinh sát, điều tra viên để động viên, thăm hỏi tiến độ điều tra, truy xét…

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam thông tin về vụ án sát hại 2 hiệp sĩ trong buổi họp báo.

Trong trường hợp cần thiết, anh sẵn sàng "hóa thân"… để trinh sát nắm bắt tình hình, dư luận xã hội nhằm phục vụ công tác phòng ngừa, truy xét. Không ít lần, anh em điều tra viên, trinh sát bắt gặp anh bận quần cộc, áo thun có mặt ở hiện trường một số vụ án lớn.

Bằng nghiệp vụ của mình, qua tiếp cận với nhân chứng, người biết chuyện… anh đã hình dung ra được toàn cảnh của vụ việc trước khi có báo cáo từ cấp dưới. Để rồi từ đó, hướng điều tra mở rộng hơn, nhận diện về hung thủ được thu hẹp hơn, vì thế thời gian phá án cũng nhanh hơn.

Tết Nguyên đán 2018 có lẽ là một cái tết đau buồn nhất của người thân vợ chồng ông Mai Xuân Chinh, ngụ ở đường số 7, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Kẻ thủ ác đã sát hại dã man vợ chồng ông Chinh cùng 3 người con trong một ngày cận kề Tết. Sự căm phẫn, xót xa không chỉ dừng lại ở dòng họ, người thân của những người xấu số mà còn lan rộng ra toàn xã hội.

Để trấn an dư luận thì con đường ngắn nhất là buộc hung thủ phải tra tay vào còng. Đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề mà Phòng CSHS chính là nơi gánh chịu. Sau khi có mặt tại hiện trường, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Phòng CSHS nhanh chóng triển khai phương án truy bắt hung thủ từ những dữ liệu thu thập tại hiện trường.

Nghi can số 1 của vụ án nhanh chóng được nhận diện là Nguyễn Hữu Tình, 18 tuổi, quê quán An Giang, làm công cho nhà ông Chinh. Ngay sau đó, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam huy động quân số của phòng CSHS vào cuộc, chia thành nhiều mũi trinh sát, phối hợp với các đơn vị khác để giám sát chặt chẽ các cửa khẩu ở biên giới phía Tây Nam và những nơi mà hung thủ có thể bỏ trốn.

Thời điểm này đã là ngày 30 Tết, nếu không phải là CSHS có lẽ họ đã sum vầy bên gia đình, người thân. Nhưng không ai vì thế mà buồn, bởi họ hiểu, bắt được hung thủ vào thời điểm này là niềm vui không thể đong đếm.

Nhiều điều tra viên của Đội trọng án khám nghiệm hiện trường xong thì cũng là lúc màn đêm buông xuống. Họ vừa lót dạ ổ bánh mì qua loa đã vội cùng đồng đội tiến thẳng về các tỉnh miền Tây, theo dấu chân hung thủ…

Từ khi phát hiện vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam đứng ngồi không yên, điện thoại di động hoạt động hết công suất. Khi thì nhận tin báo, lúc chỉ đạo xử lý tình huống đến các mũi trinh sát đang trên đường truy lùng hung thủ.

Với sự hỗ trợ của Công an tỉnh Long An, vào thời khắc giao thừa, hàng chục cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phối hợp ẩn mình trong các rẫy thanh long ở huyện Châu Thành để mai phục bắt Nguyễn Hữu Tình. Vì trước đó có nguồn tin Tình đang có mặt tại nhà một người bạn tại huyện này.

Băng nhóm khủng bố do Nguyễn Khanh cầm đầu bị bắt cùng tang vật.

Tuy nhiên, khi tiếp cận mục tiêu thì Tình đã rời bước, đi đâu không rõ. Mất dấu vết của Tình, không chỉ những người trực tiếp truy bắt buồn bã trong tiếc nuối khôn cùng mà lãnh đạo Phòng CSHS như ngồi trên đống lửa. Bao nỗi lo lắng, ưu tư hằn trên gương mặt mỗi người, chưa có đêm giao thừa nào mà họ buồn đến vậy.

Bởi bắt được hung thủ quá dã man này có lẽ là thông tin mà bất kỳ người dân nào cũng mong muốn trong thời điểm này. Nó sẽ xoa dịu đi phần nào sự phẫn nộ trong mỗi con người, nhất là đối với thân nhân của người bị hại.

Từ thời điểm giao thừa đến xế chiều ngày mùng 1 Tết có lẽ là khoảng thời gian dài nhất, buồn bã nhất đối với tất cả những người làm nhiệm vụ khám phá án, mà chịu áp lực nhất là Thượng tá Nguyễn Đăng Nam.

Để rồi niềm vui như vỡ òa khi không lâu sau đó có nguồn tin chính xác là Tình đang có mặt tại nhà một người bạn ở huyện Cần Giuộc, Long An. Tổ công tác lập tức vượt hàng chục cây số và nhanh gọn khống chế Tình khi y đang nâng ly chúc mừng năm mới...

Sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả trong khám phá án của Thượng tá Nguyễn Đăng Nam còn thể hiện rất rõ trong vụ án sát hại hai "hiệp sĩ đường phố" và làm 3 hiệp sĩ khác bị thương ở phường 13, quận 10. Tối 13-5, ngay sau khi vụ án xảy ra, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam có mặt tại hiện trường.

Sau khi khai thác nhanh các "hiệp sĩ" bị thương, các nhân chứng xung quanh khu vực xảy ra vụ án, bằng các biện pháp nghiệp vụ phối hợp được triển khai, anh em đã khoanh vùng được đối tượng gây án.

Từ nhận định khá chính xác ban đầu, kết hợp với thông tin từ Công an các quận, huyện nên trong đêm, Phòng CSHS đã xác định hung thủ có liên quan đến vụ án là Nguyễn Hoàng Châu Phú (SN 1994, ngụ huyện Hóc Môn). Sáng hôm sau, khi tiến hành làm việc với Phú, y khai ra kẻ cầm đầu là Nguyễn Tấn Tài (SN 1994, ngụ quận 12). Nhờ nắm chắc địa bàn, không bao lâu sau đó các trinh sát Phòng CSHS đã bắt được Tài khi hắn đang lẩn trốn trong nhà một người quen ở quận Gò Vấp.

Một điểm mới chưa có tiền lệ là trước đây, đối với các vụ án liên quan đến khủng bố, phản động, Công an TP Hồ Chí Minh thường giao cho cơ quan An ninh điều tra làm chủ công khám phá án. Nhưng trong vụ đặt trái nổ tại trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình lại được giao chính cho Phòng CSHS.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, lý giải là gần đây, do phần lớn các đối tượng khủng bố, phản động có sự tiếp tay của đối tượng hình sự bị lôi kéo, xúi giục nên giao cho CSHS sẽ thuận lợi hơn. Và điều đó đã được chứng minh khi không bao lâu sau đó, Phòng CSHS đã vạch trần băng nhóm khủng bố do Nguyễn Khanh (SN 1964; ngụ Đồng Nai) cầm đầu.

Để có được thành công ấy, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam cùng hàng chục CBCS phải vất vả bất kể ngày đêm suốt nhiều ngày liền để theo dấu vết của thủ phạm và công sức của họ đã được bù đắp xứng đáng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đạt được những thành tích đó, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam đã thực hiện triệt để ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cũng như sự đồng thuận trong quan điểm, nhận định của Ban Chỉ huy Phòng CSHS. Đặc biệt, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam cũng rất tôn trọng, lắng nghe những ý kiến đóng góp của tất cả các CBCS trong đơn vị.

Từ đó tạo sự đoàn kết, gắn bó, tin tưởng lẫn nhau và cùng nhau "cháy" hết mình với công việc, nhất là trong các chuyên án lớn. Ngoài ra, sự hỗ trợ nhiệt thành của lãnh đạo Công an các tỉnh, thành khác cũng là một trong những yếu tố góp phần vào thành công trong điều tra truy xét các vụ án lớn của Phòng CSHS.

Trong vụ giết 5 người ở quận Bình Tân, Công an TP. Hồ Chí Minh đã nhận được sự hỗ trợ hết mình của Đại tá Bùi Bé Năm, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh An Giang. Hay như trong vụ đặt trái nổ trụ sở Công an phường 12, khi Thiếu tướng Phan Anh Minh cùng Thượng tá Nguyễn Đăng Nam đến Đồng Nai đã được sự hỗ trợ rất nhịp nhàng, hiệu quả của Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai…

Từ tiếng vang trong việc khám phá các vụ án nói trên và nhiều vụ án lớn khác, 8 tháng đầu năm 2018, Phòng CSHS đã góp phần kéo giảm hàng trăm vụ án so với cùng kỳ năm 2017.

Mã Hải

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/anh-hung-mac-thuong-phuc/dau-an-thuyen-truong-tu-nhung-chien-cong-508483/