Dấu ấn từ một nhiệm kỳ Đại hội

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hải Dương nhiệm kỳ 2015 -2020, Đảng bộ (tỉnh Hải Dương) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới, mở rộng và điều chỉnh địa giới hành chính, đời sống nhân dân được nâng lên...

Diện mạo Thành phố ngày càng đổi thay

Diện mạo thành phố có sự khởi sắc rõ nét

Đồng chí Lê Đình Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy TP Hải Dương cho biết: Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, mục tiêu trọng yếu của Đảng bộ Thành phố là tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự giúp đỡ hiệu quả, trách nhiệm cao của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nỗ lực phấn đấu thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới, mở rộng và điều chỉnh địa giới hành chính,… diện mạo thành phố có khởi sắc rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên so với đầu nhiệm kỳ.

Trong đó, nổi bật là Thành phố đã hoàn thành việc thực hiện Đề án nâng cấp thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I; Đề án mở rộng, sắp xếp đơn vị hành chính, đã tiếp nhận 5 xã Gia Xuyên, Liên Hồng, Tiền Tiến, Quyết Thắng, Ngọc Sơn; nhập xã An Châu với Thượng Đạt để thành lập xã An Thượng; thành lập phường Nam Đồng, Tân Hưng trên cơ sở xã Nam Đồng và Tân Hưng; điều chỉnh địa giới hành chính 17 phường, xã và năm 2019, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I. Địa giới hành chính được Quốc hội thông qua với diện tích mới của Thành phố từ 72km2 lên 111km2. Đây là sự cố gắng, nỗ lực cao, đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ và Nhân dân Thành phố. Đến TP Hải Dương hôm nay có thể thấy sự thay đổi diện mạo rõ rệt trên từng tuyến đường, từng khu dân cư sầm uất...

Các chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra

Trong nhiệm kỳ qua, Thành phố Hải Dương đã tích cực thu hút các doanh nghiệp, tiếp tục phát triển công nghiệp, xây dựng theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, thiết bị chính xác đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Phát huy hiệu quả hoạt động 3 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 80%. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 5.639 doanh nghiệp, vốn điều lệ 57.341 tỷ đồng (trong đó có 76 doanh nghiệp FDI, tăng 26 doanh nghiệp so với năm 2015) đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của thành phố, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trên địa bàn. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng (theo giá so sánh 2010) tăng bình quân 17,1%/năm (tăng 7,1% so với mục tiêu Đại hội).

Đồng chí Lê Đình Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hải Dương chỉ đạo Đại hội Đảng bộ trực thuộc

Giá trị sản xuất các ngành thương mại, dịch vụ (theo giá so sánh 2010) tăng bình quân 15,4%/năm, tăng 0,4% so với mục tiêu Đại hội. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá như: ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, nhà hàng, khách sạn,…

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 15,4%/năm, tăng 0,4% so với mục tiêu Đại hội. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dây cáp điện, linh kiện điện tử, hàng dệt may, bánh đậu xanh, hàng thủ công mỹ nghệ. Dịch vụ du lịch, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm phát triển nhanh, sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.

Giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 ước đạt 161 triệu đồng, tăng bình quân 5,2%/năm và tăng 36 triệu đồng so với năm 2015. Thành phố đã xây dựng và hình thành 31 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với tổng diện tích 1.150ha. Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với nông dân ngày một tăng. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; hệ thống điện, nước, giao thông, thủy lợi được quan tâm đầu tư. Cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, dịch vụ; hình thành nhiều vùng lúa tập trung, vùng rau an toàn, vùng trồng hoa, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mô hình cá lồng trên sông và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện hiệu quả. Hạ tầng thiết yếu ở thôn, xã được xây dựng, nâng cấp, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống của nhân dân được nâng lên. Đến nay, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đã giải quyết và tham gia giải quyết viêc làm tăng bình quân trên 4.000 lao động/năm, đạt 100% kế hoạch. Đào tạo nghề cho 8.428 người trong độtuổi lao động có khả năng lao động, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%. Chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đạt hiệu quả thiết thực, đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,06% xuống 1,08%.

Xây dựng Đảng là then chốt

Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long cho biết, việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện và tổng kết, sơ kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho đảng viên và cán bộ đảng, chính quyền được thực hiện thường xuyên; nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và tuyên truyền miệng. Công tác thông tin, tuyên truyền được coi trọng và chủ động nắm, phản ánh dư luận xã hội. Đặc biệt tập trung tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân quyết tâm xây dựng thành phố Hải Dương “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Người Thành Đông nói lời hay, hành động đẹp” và công tác chỉnh trang đô thị tạo sự lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII) và các quy định về nêu gương; trong đó lựa chọn những công việc trọng tâm, mang tính đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thành phố đã tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kịp thời sơ kết, tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, có sức lan tỏa trong Đảng bộ và nhân dân thành phố; nổi bật là những gương điển hình tự nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông, ủng hộ kinh phí xây dựng nhà văn hóa khu dân cư, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng ngõ xóm, tham gia chỉnh trang, giữ gìn trật tự đô thị...

Công tác xây dựng tổ chức đảng được tăng cường. Chủ động rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Đảng bộ coi trọng công tác phát triển tổ chức đảng và sắp xếp lại một số tổ chức cơ sở đảng. Hằng năm có 80,76% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh (tăng 5,76% so với chỉ tiêu Đại hội); tỷ lệ đảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 96% (tăng 11% so với chỉ tiêu Đại hội); kết nạp 1.470 đảng viên (tăng 47% so với chỉ tiêu Đại hội); rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng 42 đảng viên, xóa tên 164 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ thành phố có 76 tổ chức cơ sở đảng, với 19.248 đảng viên.

Các quy định về nêu gương được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, với phương châm “Trên trước, dưới sau”, “Nói đi đôi với làm”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho cán bộ, đảng viên trong đơn vị và có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, phát huy vai trò trách nhiệm và tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu được các cấp ủy, chính quyền.

Công tác tổ chức, cán bộ được chú trọng đổi mới thông qua việc thực hiện xây dựng các quy định về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Thành ủy quản lý. Việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện thường xuyên, đúng quy trình và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Công tác kiện toàn, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử được triển khai đúng nguyên tắc, công khai, dân chủ, coi trọng phẩm chất, năng lực. Quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ trưởng thành từ cơ sở. Xây dựng Đề án thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý ở các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ đã kiện toàn Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; kiện toàn, bổ sung 02 UVBTV, 06 UVBCH Đảng bộ thành phố, 103 cấp ủy viên đảng bộ cơ sở. Điều động, luân chuyển 17 cán bộ, công chức, viên chức thành phố xuống làm Bí thư, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường; luân chuyển ngang 04 đồng chí giữ chức vụ Bí thư đảng ủy phường; thực hiện mô hình Bí thư đồng thời làm Chủ tịch UBND tại phường Nam Đồng, Cẩm Thượng.

Thành phố cũng đã thực hiện hiệu quả, đảm bảo lộ trình tinh giản biên chế gắn với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong 05 năm, thành phố giảm 457 người trong cơ quan hành chính, sự nghiệp; dự kiến đến hết năm 2020 tinh giản được 700/1933 cán bộ không chuyên trách của các phường, xã, thôn, khu dân cư.

Thành phố Hải Dương đang hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn

Hướng tới một đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn

Việc đưa các xã về sáp nhập vào thành phố là cơ hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn, trong thời gian tới, để Thành phố Hải Dương cơ bản trở thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn theo mục tiêu chung mà Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 hướng tới, đồng chí Lê Đình Long cho biết, Thành phố sẽ có những giải pháp cụ thể để có sự phát triển đồng đều, toàn diện, nhưng cũng có nhiều bước đột phá, sáng tạo mới. Trong đô thị xanh thì có công nghiệp xanh, giao thông xanh và đặc biệt là xây dựng con người với lối sống văn hóa, thân thiện, hòa nhập với môi trường trong lành.

Để làm được điều đó, Thành phố sẽ tính đến việc phát triển không gian xanh, tái thiết các khu trung tâm thành phố và đặc biệt tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ như xây dựng các khu tái định cư, di chuyển người dân từ các khu xây từ những năm 1960 hiện nay trên địa bàn Thành phố có khoảng hơn 2.000 hộ dân trong vùng quy hoạch lõi cần phải tạo điều kiện cho người dân có nơi ăn ở tốt hơn, đồng thời cũng tạo mặt bằng xây dựng các công trình văn hóa phúc lợi và các công trình dịch vụ thương mại để đáp ứng tốt nhất yêu cầu vừa phát triển kinh tế và vừa tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống cải thiện hơn.

Đảng bộ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông. Tập trung rà soát lại các công trình, xác định rõ danh mục đầu tư trọng tâm, trọng điểm cần triển khai thực hiện và có kế hoạch triển khai cụ thể, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dưng cơ bản, ưu tiên đầu tư các công trình chỉnh trang đô thị, hạ tầng đô thị còn thiếu hoặc còn thấp so với yêu cầu đô thị loại I.

Quá trình thực hiện các mục tiêu luôn coi trọng sự đoàn kết, thống nhất của cấp ủy, tập thể lãnh đạo và sự đồng thuận trong nhân dân. Tăng cường trách nhiệm, kỷ cương trong công tác; phân rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cấp ủy viên, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu, mỗi việc phải có người chịu trách nhiệm và hình thành lề lối, tác phong làm việc khoa học của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cấp, các ngành và kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ; chủ động phát hiện, kiên quyết xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân vi phạm.

Tập trung thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị, chính quyền điện tử; lấy sự hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về chất lượng phục vụ làm mục tiêu thực hiện.

Làm tốt công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, phù hợp với tầm nhìn, định hướng phát triển dài hạn của thành phố, gắn với việc thực hiện, quản lý nghiêm thực hiện quy hoạch được duyệt. Lựa chọn các nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn có năng lực cao; ưu tiên thực hiện sớm các dự án tạo nguồn thu; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Giải pháp mang tính quyết định, theo đồng chí Lê Đình Long, đó là là xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực của Thành phố làm sao xứng tầm quản lý đô thị loại I trong thời gian tới. Thành phố cũng đặt ra yêu cầu cao hơn là đào tạo được nguồn nhân lực để quản lý và phát triển đô thị theo hướng sớm trở thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn như định hướng chung được thể hiện ở chủ đề của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025…/.

Hiền Hòa

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/dau-an-tu-mot-nhiem-ky-dai-hoi-556159.html