Dấu ấn tướng Đồng Sỹ Nguyên trên đường Trường Sơn lịch sử

LTS: Tướng Đồng Sỹ Nguyên là một nhà quân sự tài ba. Với tầm nhìn vượt thời gian, ông đã có nhiều quyết định mang tầm chiến lược, tạo nên sức mạnh của Bộ đội Trường Sơn trong gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Ngày 4.4 vừa qua, 'vị tướng của Trường Sơn' đã đi xa. Báo NTNN/Dân Việt xin đăng tải loạt bài nói về những công lao to lớn của vị tướng tài ba từ những người lính năm xưa dưới quyền ông.

Bài 1: Trí tuệ, bản lĩnh và nỗi trăn trở cả cuộc đời

Nếu Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Tướng Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ vải) nghe báo cáo về kế hoạch triển khai tuyến xăng dầu khu vực 471. (Ảnh: T.L)

Lớn mạnh nhanh chóng từ 500 quân…

Gần 10 năm, tướng Đồng Sỹ Nguyên phải nhận nhiệm vụ chi viện chiến trường nặng nề nhất, to lớn và quy mô nhất. Và cũng ngần ấy năm, ông và Bộ Tham mưu của mình cùng đoàn quân với quy mô 8 Sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc đã vượt lên tất cả, ghi đậm những dấu ấn to lớn của sự nghiệp chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của 3 nước Đông Dương.

Trường Sơn từ một đơn vị chỉ với 500 quân ngày đầu thành lập, 6 năm sau trở thành một đơn vị tương đương cấp quân khu. Với sự trưởng thành lớn mạnh của Trường Sơn, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tháng 7.1970, Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tương đương cấp Quân khu; đồng thời giao Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ huy tất cả các lực lượng quân đội ta trên chiến trường Trung và Hạ Lào.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101 thuộc Tiểu đoàn 3 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971. (Ảnh tư liệu)

Trường Sơn đã phát triển lớn mạnh, trở thành một chiến trường rộng lớn trải dài khắp 11 tỉnh Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh đông bắc Campuchia. Trường Sơn, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên không chỉ phát triển các lực lượng vận tải, công binh, pháo cao xạ, thông tin, giao liên, đường sông… mà còn phát triển 3 lực lượng quan trọng khác: Đường ống xăng dầu, lực lượng giúp bạn và lực lượng bộ binh.

Lực lượng đường ống đã tạo nên một “dòng sông mang lửa”, một kỳ tích vĩ đại, “tiếp máu” cho các lực lượng vận tải đến tận miền Đông Nam Bộ. Lực lượng bộ binh được xây dựng ở tất cả các binh trạm, trở thành lực lượng tác chiến hiệu quả tại chỗ bảo vệ vững chắc hành lang vận chuyển. Lực lượng bộ binh chủ lực với một sư đoàn (968) thiện chiến đã tiến hành giải phóng vùng Nam Lào rộng lớn, bảo vệ an toàn toàn tuyến chi viện.

Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn trở thành một hướng của chiến dịch. Bộ đội Trường Sơn đã huy động lực lượng của 8 binh trạm, 5 trung đoàn cao xạ, 10 tiểu đoàn cao xạ, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy phòng không trực tiếp tham gia chiến dịch; đã bắn rơi 346 máy bay các loại…

Lực lượng chuyên gia giúp bạn được xây dựng ở tất cả các đơn vị từ các binh trạm, trung đoàn, tiểu đoàn độc lập, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn đứng chân và giúp 18 huyện Nam Lào phát triển vùng giải phóng…

Trường Sơn trở thành máu thịt

Gần 10 năm chiến đấu trên Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có những quyết định sáng tạo về tổ chức lực lượng một cách phù hợp và đi trước yêu cầu phát triển nhiệm vụ chi viện chiến trường ngày một to lớn, nặng nề và hiệu quả hơn.

Việc thành lập các Sư đoàn khu vực (tháng 4.1970) rồi tiến tới tổ chức các sư đoàn binh chủng, đã cho thấy tầm nhìn và tính hiệu quả của công tác chi viện.

Đường Trường Sơn những năm tháng bị máy bay Mỹ liên tiếp đánh phá. (Ảnh: Văn Sắc)

Với 2 sư đoàn xe ô tô vận tải chiến đấu (hơn 7.000 xe các loại), ngoài vận chuyển chi viện to lớn cho các hướng chiến trường, còn trở thành lực lượng cơ động hữu hiệu, bảo đảm cho các quân đoàn chủ lực hành quân thần tốc, thực hiện thành công mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng phút, từng giờ xốc tới mặt trận...”.

Trường Sơn luôn đau đáu trong tâm can và tình cảm của tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ông không lúc nào không nghĩ tới việc sưu tầm, tôn tạo các di tích tiêu biểu của Trường Sơn. Đương thời, ông luôn hối thúc những người có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện Đề án trình Nhà nước công nhận Di tích Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Ông đã gặp trực tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ nguyện vọng và kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định công nhận Di tích Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Thủ tướng đã nói với Tướng Đồng Sỹ Nguyên: “Trường Sơn có vị trí và tầm vóc lớn lao như thế nào không ai phải bàn cãi nữa. Chú cứ yên tâm, Bộ VHTTDL trình Đề án ngày nào, cháu sẽ ký ngay ngày ấy”.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kiểm tra tuyến đường Hồ Chí Minh tại khu vực Tuy Đức (Đắk Nông). Đi cùng có Đại tá Trần Văn Phúc - Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 (bên phải) ngày 9/5/1998. (ảnh chụp từ cuốn Trọn một con đường)

Ngày 9.12.2013, Thủ tướng đã ký quyết định công nhận Di tích Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (với 37 điểm tích tại 11 tỉnh từ Nghệ An tới Bình Phước) là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đây không chỉ là sự vinh danh mà còn là sự đánh giá đúng vị trí và tầm vóc của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc; đồng thời là tin vui và niềm vinh dự tự hào to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Đó cũng là “thành quả” mà Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên bấy lâu đau đáu, giờ đã trở thành hiện thực.

10 năm chỉ là một chặng đường của một đời người. Song, gần 10 năm chiến đấu trên Trường Sơn là quãng đời đẹp nhất, thể hiện sự thăng hoa của bản lĩnh và trí tuệ của Tướng Đồng Sỹ Nguyên; và cũng là thời gian làm cho tên tuổi của ông sáng nhất - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại! Trường Sơn trở thành máu thịt và trong từng hơi thở của ông.

Dấu ấn của Tướng Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn không chỉ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mà còn với Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hôm nay.

Chính ông là người đề xuất xây dựng Đường Hồ Chí Minh thời kỳ mới. Sau khi không trực tiếp tham gia điều hành công việc, Tướng Đồng Sỹ Nguyên lại vui vẻ nhận nhiệm vụ làm Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ.

Ông đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo việc triển khai xây dựng Đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước. Đường Hồ Chí Minh hôm nay đã chứng minh không chỉ có vị trí vô cùng quan trọng trong giao thông của quốc gia mà còn quan trọng trong phòng thủ đất nước…

(*) Nhà văn, nhà báo Phạm Thành Long nguyên là Tổng Biên tập báo Thiếu Niên Tiền Phong, nguyên bộ đội Trường Sơn; hiện là Trưởng ban Tuyên truyền – Thi đua, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

Chủ tịch danh sự Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh

Sau khi nghỉ hưu, tướng Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục dành tâm huyết cho Bộ đội Trường Sơn. Ông là một trong những người đề xuất ý tưởng và xúc tiến việc thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ Nhất (2011-2016) và lần thứ II (2016-2021) của Hội, ông đều được suy tôn làm Chủ tịch Danh dự Hội.

Phạm Thành Long (*)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/dau-an-tuong-dong-si-nguyen-tren-duong-truong-son-lich-su-969783.html