Dấu ấn vàng son của nghề đúc đồng

Nằm trên trục lộ 55, đoạn qua xã An Nhứt (huyện Long Điền), trước đây là khu vực có hơn 20 hộ dân làm nghề đúc đồng. Những sản phẩm đồng tinh xảo như lư đồng, đại hồng chung, tiểu hồng chung, mâm, cơi đựng trầu, đĩa, bát... từng được bán khắp thị trường miền Nam.

Theo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, tại các di chỉ khảo cổ học Bưng Bạc, Long Phước (TP. Bà Rịa); Bưng Thơm (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều khuôn đúc đồng bằng sa thạch và đất nung: lưỡi rìu xéo, lao, đao có ngạnh, đinh ba, lục lạc đồng… Chứng tỏ nghề đúc đồng đã từng có những dấu ấn rất rõ nét ở vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, tại các di chỉ khảo cổ học Bưng Bạc, Long Phước (TP. Bà Rịa); Bưng Thơm (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều khuôn đúc đồng bằng sa thạch và đất nung: lưỡi rìu xéo, lao, đao có ngạnh, đinh ba, lục lạc đồng… Chứng tỏ nghề đúc đồng đã từng có những dấu ấn rất rõ nét ở vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Bùi Văn Báng, một người từng làm nghề đúc đồng tại Long Điền nhớ lại, khoảng thời gian 1961-1965 là những năm vàng son của nghề đúc đồng. Từ tháng 7 âm lịch đến Tết Nguyên đán hàng năm, lò đúc của những “người muôn năm cũ” như Hai Đảnh, Hai Thái, Ba Tam... luôn ngân vang âm thanh trong trẻo tiếng chuông đồng, nhộn nhịp những bước chân người đến “thỉnh” (mua) chuông.

Ngày nay, số nghệ nhân theo nghề đúc đồng thưa dần bởi nhu cầu về các sản phẩm đồng không còn như trước. Sức ép cạnh tranh từ các vật dụng được làm bằng vật liệu hiện đại đã đẩy nghề đúc đồng dần chìm vào quên lãng. Thế hệ con cháu không ai mặn mà nối nghiệp cha ông. Nhiều nghệ nhân dù rất yêu nghề cũng phải chuyển sang làm những công việc khác để kiếm kế mưu sinh.

Năm Lai (142, ấp An Trung, xã An Nhứt, huyện Long Điền) có lẽ là cơ sở đúc đồng cuối cùng còn giữ được nghề. Ông Dương Văn Lai, chủ cơ sở Năm Lai giới thiệu cho chúng tôi những chiếc tiểu hồng chung vừa mới hoàn thành từ tháng trước, đang chờ khách đến nhận. Những chiếc chuông được chế tác thủ công, họa tiết không quá cầu kỳ nhưng rất tinh xảo.

Gõ nhẹ vào thành chuông thử tiếng, ông Lai chậm rãi chia sẻ về nghề: “Để có một chuông đồng hoàn hảo, thợ đúc phải thật sự tỉ mỉ trong từng công đoạn như théc chuông, song sườn, vẽ hoa văn, họa tiết... Một cái chuông đẹp, tiếng hay thì nguyên liệu phải tốt nhưng trên hết vẫn phải là bàn tay khéo léo và khả năng thẩm âm tinh tường của người thợ”.

Ông Lai chia sẻ thêm: “Không chỉ chuông đồng, nhìn chung để đúc một sản phẩm đồng hoàn chỉnh là cả một quá trình lao động vất vả và công phu. Đúc đồng phải có hai khuôn bằng chất liệu đất sét trắng, một khuôn ở bên trong và một khuôn bao bên ngoài. Khó nhất là bước tạo hoa văn trên lư hương và quai đại hồng chung. Để tạo nên những quai chuông đặc sắc, các nghệ nhân ở Long Điền lấy vật liệu sáp ong đệm vào trong khuôn đúc. Khi đồng nóng chảy sẽ ngậm sáp ong và tạo ra những họa tiết độc đáo. Trên các lư hương, đại hồng chung các nghệ nhân sử dụng các mô típ hoa văn truyền thống để trang trí: hoa cúc, mặt trời, dây hoa cách điệu, bánh xe luân hồi, sóng nước, hoa sen, trái đào, cây trúc… Đặc biệt các loại đại hồng chung, chuông, chiêng, thanh la, não bạt… các nghệ nhân phải pha chế tỷ lệ đồng và các hợp kim để tạo nên có độ vang ngân.

Theo ông Dương Văn Lai, nghề đúc chuông ngày nay đã có nhiều cải tiến. Thay vì nấu than củi, bây giờ đã được thay bằng điện; ngày xưa phải khiêng khuôn bằng tay thì ngày nay đã được thay bằng máy quay, ròng rọc… nhưng để cho ra một sản phẩm chuông đồng vẫn rất nhiều vất vả mà lợi nhuận lại không cao. Vì vậy nhiều hộ gia đình đã không thể bám trụ lại với nghề.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201907/nhung-lang-nghe-vang-tieng-mot-thoi-dau-an-vang-son-cua-nghe-duc-dong-864732/