Dấu ấn về những giải thưởng liên tiếp của PV báo PL&XH năm 2017

Có một điều khá lạ trong tính cách của các PV báo PL&XH, đó là việc rất 'lười' gửi tác phẩm báo chí của mình tham dự các cuộc thi. Trong khi đó, mỗi năm, rất nhiều giải báo chí được tổ chức. Và, khi có sự thúc giục đầy quyết liệt của Ban Biên tập và Ban Thư ký Chi hội, những năm qua, nhiều tác phẩm đã được gửi đi, giải thưởng cũng thu về không ít. Năm 2017, cũng lại là một năm đầy hoa thơm, trái ngọt của PL&XH

Có lẽ, giải thưởng đầu tiên nên nhắc tới là loạt bài “Đề án ngoại ngữ 2020 tại Thái Bình đang bị “phù phép” như thế nào” của nhà báo Nguyễn Khuê được Hội đồng Giải báo chí Quốc gia trao giải C- Giải báo chí Quốc gia duy nhất của báo chí Hà Nội trong năm 2017. Đây là loạt phóng sự đã khiến Nguyễn Khuê tốn rất nhiều công sức. Hơn 3 tháng điều tra miệt mài, tỉ mỉ, thâm nhập sâu vào đường dây “chạy” chứng chỉ ngoại ngữ có sự câu kết của một số giáo viên tại tỉnh Thái Bình với một số người được cho là cán bộ của ĐH Thái Nguyên.

Phó Chủ tịch Quốc Hội - Uông Chu Lưu trao giải C - Giải báo chí Quốc gia cho nhà báo Nguyễn Khuê.

Sau khi báo PL&XH đăng kỳ 2 của loạt bài này, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, CA Thái Bình đã vào cuộc điều tra. Đồng thời, Sở GD&ĐT Thái Bình đã kịp thời có những chấn chỉnh công tác quản lý, triển khai việc thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020. Qua đó, ngăn chặn chấm dứt tình trạng “chạy” chứng chỉ ngoại ngữ trong việc thực hiện chuẩn hóa giáo viên theo Đề án ngoại ngữ 2020.

Những ngày cuối cùng của năm 2017, một tin vui nữa lại tới với tòa soạn và nhà báo Nguyễn Khuê, anh đã được UB An toàn giao thông quốc gia trao giải Nhì viết về an toàn giao thông với tác phẩm: “Trung tâm sát hạch GPLX kiểu xóa mù chữ ở Hà Nội”. Đây là loạt phóng sự điều tra phản ánh về những tiêu cực trong đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe của một số đơn vị, trung tâm tại Hà Nội.

Giải báo chí viết về gương Người tốt, việc tốt của TP Hà Nội đã được tổ chức trong nhiều năm, gần như năm nào, báo PL&XH cũng đạt giải. Có được điều này, là nhờ phần lớn ở sự quyết liệt của Tổng biên tập Nguyễn Văn Bình trong việc phát động và duy trì phong trào tìm kiếm, phát hiện, tuyên truyền về những tấm gương người tốt việc tốt trên báo.

Nhà báo Nguyễn Viết Việt được Ban tổ chức giải báo chí viết về Người tốt- việc tốt TP Hà Nội trao giải Nhì với tác phẩm “Triết lý sống là để cho đi của hai mẹ con “trốn” gia đình hiến thận cho người nghèo”.

Năm nay, tác phẩm rất xúc động “Triết lý sống là để cho đi của hai mẹ con “trốn” gia đình hiến thận cho người nghèo” của nhà báo Viết Việt đã được BTC Giải báo chí viết về Người tốt, việc tốt TP Hà Nội trao giải Nhì.

Nhà báo Thanh Hải - Hải Lý - Điệp Quyên nhận giải Nhất, Ba trong cuộc thi viết về “Người tốt - Việc tốt” trong thực hiện kỷ cương hành chính của CBCCVC Thủ đô năm 2017.

Năm 2017, TP Hà Nội xác định trọng tâm là “Năm kỷ cương hành chính”, mà muốn CCHC, hay phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền thì đội ngũ CBCCVC đều luôn là nhân tố quyết định. Là tờ báo của ngành tư pháp, nhiều PV báo PL&XH đã hào hứng tham gia, tìm tòi và giới thiệu những CBCCVC Thủ đô trách nhiệm, tâm huyết, sáng tạo, đổi mới trong thực thi công vụ. Và trong lễ trao giải cuộc thi viết về gương “Người tốt - việc tốt” trong việc thực hiện kỷ cương hành chính của CBCVC Thủ đô do TP Hà Nội tổ chức, tác phẩm viết về anh Trần Văn Sơn- một công chức phòng Nội vụ, quận Long Biên với nhiều sáng tạo trong thực thi công vụ của nhà báo Hải Lý đã được trao giải Nhất. Cùng với đó, hai giải Ba đã được trao cho tác phẩm “Nữ cán bộ chính sách nặng lòng với người khuyết tật” của nhà báo Điệp Quyên và tác phẩm “Nữ công chức trẻ nhiều sáng kiến” của nhà báo Thanh Hải.

Nhà báo Tuyết Mai phỏng vấn Thiếu tá Nguyễn Văn Bảng - Đồn phó Đồn Biên phòng cầu Muống, Đồng Tháp.

Dù tham dự lần đầu tiên, nhưng tại Giải báo chí “Du lịch miền Tây Bắc” của cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành dọc QL 6 năm 2017, PV báo PL&XH đã giành một giải A duy nhất của báo chí Hà Nội và một giải C. Được biết, trong chuyến công tác tại các đồn biên phòng Tây Bắc, nhà báo Phạm Văn Biên đã “sản xuất” một kí sự rất đặc biệt dài 7 kỳ về mảnh đất và con người Tây Bắc.

Nhà báo Phạm Văn Biên (thứ hai từ trái sang) nhận giải A, giải báo chí “Du lịch miền Tây Bắc” với tác phẩm “Ký sự Tây Bắc”.

Có lẽ đây là lí do để ban giám khảo trao giải A cho loạt bài này. Tác phẩm đạt giải C của nhà báo Tuyết Mai thì lại là một góc nhìn rất mới về Hà Nội. Một cô gái sáng lập “Hà Nội bộ hành” với tour du lịch đặc biệt mang tên “Long Biên- chuyện rất dài”.

Nhà báo Đỗ Minh Tuấn - Thịnh An nhận giải Nhì cuộc thi Báo chí với Phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Y tế và Bộ TTTT tổ chức.

Ở nhóm đề tài xã hội, nhà báo của Ban Kinh tế-xã hội là Đỗ Minh Tuấn và Thịnh An đã đạt giải Nhì cuộc thi Báo chí với Phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin- truyền thông tổ chức. Cũng ở cuộc thi này, nhà báo Thịnh An (bút danh Vân Hà) đã có 2 tác phẩm khác đạt giải Khuyến khích. Trong cuộc thi Báo chí viết về Mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2017, nhà báo Thịnh An được Hội Nhà báo Hà Nội và Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội trao giải C cho tác phẩm: “Khi mẹ chồng cấm con dâu đẻ… cố”.

Ngày 2-6, Sở TT&TT Hà Nội đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết “Thủ đô Hà Nội xanh-sạch-đẹp” trên báo chí năm 2016 và phát động cuộc thi tuyên truyền về “Thủ đô Hà Nội với công tác cải cách hành chính” năm 2017. Giải do Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo, các Sở, ngành liên quan của TP Hà Nội tổ chức.

PV Nguyễn Khắc Hạnh (đứng thứ ba từ trái qua phải) nhận giải Ba, tác phẩm: “Hà Nội triển khai hàng loạt biện pháp giúp người dân được sử dụng nước sạch” trong Lễ trao giải báo chí Ngô Tất Tố năm 2016.

Tại buổi lễ, BTC đã trao giải Khuyến khích cho PV Khắc Hạnh, báo PL&XH với loạt bài viết: “Hà Nội triển khai hàng loạt biện pháp giúp người dân được sử dụng nước sạch”. Tác phẩm của tác giả Khắc Hạnh đã vượt qua 221 tác phẩm dự thi của 18 cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, tiếp đó là 121 tác phẩm tham dự vòng sơ khảo và được Hội đồng giám khảo lựa chọn là 1 trong tổng số 11 tác phẩm có chất lượng cao để trao giải.

Cô PV trẻ Vi Giáng đã kết thúc một năm đầy hoa lành, trái ngọt của ngôi nhà PL&XH với giải khuyến khích cuộc thi viết thanh thiếu niên cho tác phẩm “Chàng thủ lĩnh sinh viên toàn quốc” với nhiều sáng kiến vì cộng đồng. Chàng thủ lĩnh đó là Đào Việt Bách, cựu Phó Chủ tịch Hội sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội với chương trình “Hỗ trợ nhà trọ sinh viên”; “Hỗ trợ xe về tết” và nhiều chương trình vì cộng đồng khác đã được Bách triển khai rất hiệu quả và thiết thực.

Thời điểm bài báo này và cả số báo tết Mậu Tuất đã được chế bản xong, chuẩn bị đi nhà in, một niềm vui nữa lại tới với “đại gia đình” PL&XH. Tại giải báo chí uy tín của Hà Nội- giải Ngô Tất Tố 2017, đã có 3 nhà báo PL&XH đạt giải. Đó là giải Ba dành cho tác phẩm: “Những người con Hà Nội vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc” của nhà báo Phương Tâm. Ở hạng mục giải khuyến khích là hai loạt bài “Ký sự biên cương” của nhà báo Khắc Hạnh; “Những sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính” của nhà báo Điệp Quyên. Sự dấn thân, tìm tòi, sáng tạo, bám sát cơ sở của các nhà báo là điều thể hiện rất rõ trong các tác phẩm và đã được Hội đồng giám khảo ghi nhận và đánh giá cao.

Một mùa xuân mới luôn mang tới bao cảm xúc đối với mỗi người. Trước thềm năm mới, mỗi người thường nhìn lại năm cũ vừa qua để tự tổng kết lại, mình đã làm được gì, còn cần phấn đấu điều gì. Còn với mỗi cán bộ, PV Báo PL&XH, năm 2017 vừa qua, thực sự là một dấu ấn khó có thể quên với nhiều nỗ lực vượt bậc và thành quả ngọt lành. Đó cũng là động lực để mỗi người sẽ lại vững tâm bước tiếp trên chặng đường làm nghề phía trước, dù đầy thử thách nhưng cũng rất đáng tự hào.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/dau-an-ve-nhung-giai-thuong-lien-tiep-cua-pv-bao-plxh-nam-2017-111203.html