Đầu bếp Hàn Quốc kiện Michelin vì yêu cầu hối lộ để được xếp hạng sao

Vụ kiện giữa một đầu bếp Hàn Quốc và Michelin cho thấy ngôi sao danh giá của giới ẩm thực ẩn chứa nhiều góc khuất và nghi vấn về sự minh bạch trong cách chấm.

Ngôi sao Michelin được xem là biểu tượng danh giá nhất của ẩm thực thế giới. Bí mật về tiêu chí và quy trình đánh giá để đạt được ngôi sao này còn là một ẩn số. Tuy nhiên, một vài yếu tố quan trọng vẫn được nhiều nhà điều hành ngầm tuân thủ như chất lượng nguyên liệu, việc làm chủ hương vị, kỹ thuật nấu ăn, cá tính của đầu bếp. Bên cạnh đó, giá trị đồng tiền bỏ ra và tính nhất quán giữa các lần thưởng thức cũng là tiêu chí quan trọng.

Không thể phủ nhận Michelin là danh hiệu cao quý nhiều nhà hàng khao khát có được, thế nhưng không phải ai cũng bất chấp để nhận sự chú ý và đánh giá cao từ hệ thống này. Mới đây, tờ South China Morning Post (Trung Quốc) đưa tin về vụ kiện giữa một đầu bếp Hàn Quốc với Michelin xoay quanh việc yêu cầu hối lộ để được xếp hạng sao.

Lời cáo buộc dành cho Michelin

Yun Kyoung-suk, người từ chối trả tiền cho một “nhà tư vấn tài chính” đang làm việc ở công ty Michelin Hàn Quốc, đã đệ đơn khiếu nại với các công tố viên về cáo buộc gian lận và cưỡng đoạt tiền để đổi lấy việc xếp hạng sao cho nhà hàng của mình trong quyển Michelin Guide Seoul (Hướng dẫn về ẩm thực ấn bản Seoul).

Chủ sở hữu nhà hàng Yunga-Myungga ở Seoul (Hàn Quốc) đã được đề nghị trả 42.000 USD hàng năm cho phía Michelin để nhà hàng được xếp hạng sao. Ảnh: Soundcat.

Chủ sở hữu nhà hàng Yunga-Myungga ở Seoul (Hàn Quốc) đã được đề nghị trả 42.000 USD hàng năm cho phía Michelin để nhà hàng được xếp hạng sao. Ảnh: Soundcat.

Yun Kyoung-suk chia sẻ: "Khi tôi dự định mở một nhà hàng vào năm 2014, Michelin đã liên lạc và yêu cầu tôi hãy đáp ứng các quy định từ phía họ. Họ hứa rằng sẽ đảm bảo về việc xếp hạng ngôi sao Michelin cho hàng nhà của tôi.

Tuy vậy, tôi vẫn từng bước ngăn chặn Michelin lợi dụng quyền lực và sự gian dối thông qua việc bán sách ở Hàn Quốc, bất kể những tổn thất tài chính và nỗi đau về tinh thần mà tôi phải đối mặt".

Nếu những lời buộc tội của bà Yun được xác nhận, uy tín của cuốn cẩm nang Michelin ở Hàn Quốc sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng. Ảnh: Michelin, LinkedIn.

Đầu bếp Hàn Quốc từ chối hối lộ cho Michelin

Bà Yun đưa ra tuyên bố với tiêu đề rằng Michelin Hàn Quốc đã yêu cầu hối lộ để đổi lấy xếp hạng sao. Theo nữ đầu bếp, Ernest Singer (quốc tịch Mỹ), được biết đến với vai trò là "người môi giới" của Michelin, đã đề xuất bà mở nhà hàng vào một ngày cụ thể để đảm bảo sẽ nhận được xếp hạng sao.

Yun Kyoung-suk cho biết: "Anh ấy nói tôi mở một nhà hàng vào tháng 11/2014 và gợi ý nhà hàng của tôi có thể nhận 3 sao nếu thiết kế theo phong cách truyền thống".

Các quầy bar và nhà hàng ở khu phố Insa-dong nổi tiếng của Seoul. Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên, kịch bản màu hồng này nhanh chóng sụp đổ sau khi bà Yun từ chối trả 50 triệu won (42.000 USD) hàng năm để nhà hàng được nằm trong danh sách, đồng thời trang trải chi phí vé máy bay và nơi lưu trú cho các thanh tra của Michelin.

Trước những lời cáo buộc của bà Yun, Hàn Quốc đưa ra nhận định rằng điều này đã làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và hình ảnh của Michelin Guide (cẩm nang Michelin) cũng như các nhà hàng liên quan. Theo đó, họ cấm Michelin tham gia vào các hoạt động tư vấn hay yêu cầu tiền để đổi lấy việc được chọn xếp hạng sao. Phía Hàn Quốc cũng làm rõ nhà môi giới liên quan đến lời buộc tội không có bất cứ quan hệ nào với Michelin.

Các nhà chức trách cho biết: "Chúng tôi đã gặp Ernest Singer, người nhập khẩu rượu ở châu Á trong hơn 30 năm, khi các giám đốc điều hành của Michelin Guide cũng đang có cuộc giao tiếp với nhiều quan chức trong ngành. Tuy vậy, đây chỉ là một phần trong các trao đổi hàng ngày của họ". Michelin cũng khẳng định phía họ sẽ có hành động pháp lý chống lại bà Yun.

Michelin cần minh bạch trong việc đánh giá

Bà Yun chia sẻ: "Ngay sau sự việc, Michelin đã chọn 60 nhà hàng ở Hàn Quốc cho hạng mục Michelin Bib Gourmand vào cuốn Michelin Guide Seoul Selection 2020". Các nhà hàng nhận giải Michelin Bib Gourmand được biết là những nơi cung cấp món ăn ngon, chất lượng và xứng đáng với số tiền thực khách chi trả.

Yun Kyoung-suk nhấn mạnh: "Những gì tôi cần tìm hiểu là liệu các quan chức Michelin có thực hiện nhiệm vụ của mình một cách đúng đắn hay không. Nếu họ thể hiện rõ tất cả hóa đơn cho bữa ăn, máy bay và nhà nghỉ trong thời gian họ ở lại để kiểm tra, mọi tranh cãi liên quan đến vấn đề này sẽ kết thúc".

Khung Michelin 2017 danh giá tại một nhà hàng ở Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: Shutterstock.

Bà cũng chỉ ra thêm tiêu chuẩn không nhất quán trong sự lựa chọn nhà hàng để xếp hạng sao của Michelin: "Theo các phóng viên nước ngoài, một nhà hàng đã mở 6 tháng sẽ đủ điều kiện để được đánh giá nhưng nếu bất kỳ nhà hàng nào di chuyển khỏi địa điểm ban đầu xem như không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, Michelin đã không cân nhắc đến những yếu tố này".

Bà Yun Kyoung-suk đặt một câu hỏi cơ bản: "Ai là người đã trao quyền cho Michelin để đánh giá các nhà hàng được nhiều người tôn vinh và yêu thích tại địa phương?".

Trước thắc mắc của bà, phía Michelin Hàn Quốc không đưa ra thêm bất cứ bình luận nào.

Đội thanh tra bí ẩn phía sau những ngôi sao Michelin Ngôi sao Michelin được coi là bảo chứng cho chất lượng của ngành ẩm thực. Tuy nhiên, đội ngũ thanh tra của Michelin Guide lại hoàn toàn nặc danh, bí ẩn.

Khánh Vân
South China Morning Post

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dau-bep-han-quoc-kien-michelin-vi-yeu-cau-hoi-lo-de-duoc-xep-hang-sao-post1021863.html