Đau đầu tiền lẻ và BOT Cai Lậy

Câu chuyện hỗn loạn ở BOT Cai Lậy (Tiền Giang) diễn ra không phải lần đầu, tại sao sau khi giảm giá vé, tình trạng trên vẫn không thay đổi?

Có lẽ điểm nóng nhất của dư luận trong những ngày này là ở BOT Cai Lậy (Tiền Giang) khi trạm thu phí này chỉ mới chỉ thu phí trở lại 1 ngày đã 3 lần phải xả trạm. Các tài xế sau khi kết thúc chiến dịch mua vé bằng tiền lẻ lần trước đã chuyển sang chiêu mới, mua vé bằng số tiền có tổng trị giá 25.100 đồng và đòi thối lại 100 đồng.

Lực lượng chức năng đã vào cuộc, xe cẩu được đưa đến để cẩu xe nằm giữa làn đường gây cản trở giao thông, người dân đi qua trạm này bức xúc vì tình trạng ùn tắc. Nói chung là một tình trạng hỗn loạn và gây ảnh hưởng đến rất nhiều người dân.

Vì sao?

Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GTVT vào chiều ngày 1/12, trong thời gian tạm đóng trạm hồi tháng 8/2017, Bộ đã rà soát lại tất cả các quy định liên quan cho thấy đầu tư dự án này không sai. Thêm vào đó, trạm đã hạ giá vé xuống 30%, bởi vậy vấn đề ở đây chỉ là người dân không hiểu, và do đó, nhiệm vụ quan trọng là các cơ quan chức năng phải tiến hành giải thích cho người dân hiểu.

Vấn đề quan trọng mà dường như cơ quan quản lý là Bộ GTVT và người dân – cụ thể là những người lưu thông qua trạm BOT Cai Lậy không gặp nhau ở một điểm: BOT làm đường tránh nhưng lại đặt trạm thu tiền ở đường chính là đúng hay sai?Chuyện hạ giá vé 30% không phải là đáp án.

Khi mà các cơ quan quản lý cho rằng “người dân không hiểu”, còn người dân thì cho rằng, hạ giá vé không phải là câu trả lời thỏa đáng thì “cuộc chiến” giằng co liên quan đến những tờ tiền mệnh giá nhỏ sẽ vẫn còn tiếp tục.

Vì sao trạm BOT Cai Lậy đặt trên đường QL 1 mà không phải đoạn đường tránh? Các chuyên gia đã phân tích, đặt trạm BOT ở đường QL 1 là sai. TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích, chủ đầu tư trạm cho rằng có đóng góp xây dựng, làm mới đường tránh, sửa quốc lộ nên có quyền được thụ hưởng, đặt trạm thu phí cả hai con đường là không thuyết phục. "Việc sửa chữa đường sá đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là trách nhiệm của chính quyền. Ngân sách đường bộ người dân vẫn đóng tại sao không sử dụng để sửa mà phải nhờ đến nguồn vốn tư nhân?"- ông Sơn đặt câu hỏi.

Bộ GTVT cũng chỉ cho biết đã rà soát lại quy trình và thấy rằng quy trình “không có gì sai”. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/dau-dau-tien-le-va-bot-cai-lay-3348218/