Đau đáu với nghệ thuật hát Bài chòi

VH- 'Đến hẹn lại lên', cứ đến tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, ở phía dưới chân cầu Rồng (Đà Nẵng), du khách và người dân lại được nghe vọng lên những câu hát Bài chòi. Hoạt động này không những quảng bá di sản mà còn thể hiện sự nặng lòng với văn hóa quê hương của những người trân quý nghệ thuật hát Bài chòi.

Nhộn nhịp hô hát Bài chòi dưới chân cầu Rồng

Tại đường Trần Hưng Đạo, dưới chân cầu Rồng, hàng trăm người dân, du khách có cùng niềm đam mê với hô hát Bài chòi thỏa sức thi tài trong một không khí đông vui. Bất kể người già, con trẻ đều quây quần quanh những nghệ nhân khăn áo gọn gàng, tay cầm thẻ bài lướt nhanh những bước chân điệu nghệ, ánh mắt lấp lánh niềm vui trong khi miệng không ngừng hát ca, mời gọi khán giả.

“Sẽ không bao giờ bị đánh mất”

Với bà Lê Thị Tám (78 tuổi, Q. Sơn Trà) thì hát Bài chòi đã là nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống của người dân miền Trung nắng gió: “Tuổi già dù không hát nữa nhưng vẫn nhớ như in những câu đối đáp xa xưa. Chừ ngồi đây mỗi tối cuối tuần, nghe lứa thanh niên cũng có người còn ham thích, thấy mấy đứa trẻ con cũng háo hức lắng nghe mà vui vì biết Bài chòi không bao giờ bị người miền Trung đánh mất”.

Là thế hệ trẻ nhưng Bùi Hải Vân (ĐH Duy Tân) cho biết, mình có sự gắn kết và tin tưởng rất nhiều vào nghệ thuật Bài chòi quê hương. “Em có thể cảm nhận những câu hát rất gần gũi với đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân lao động. Lời hát bình dị, nhiều cảm xúc, dù cho mọi người không học qua một trường lớp nào về Bài chòi như em cũng có thể hát vài câu lục bát, Bài chòi đã là một phần trong cuộc sống văn hóa người Đà Nẵng rồi”.

Tại Đà Nẵng, hiện có 30 nghệ nhân làm anh hiệu trong các hội chơi Bài chòi, 5 nghệ nhân độc diễn Bài chòi dân gian, 13 nghệ nhân chơi nhạc cụ Bài chòi, 73 nghệ nhân biết đàn, hát nghệ thuật Bài chòi, 49 nghệ nhân có khả năng truyền dạy. Đặc biệt, năm 2016, 5 nghệ nhân Bài chòi được phong tặng NNƯT, năm 2017 thêm một nghệ nhân được đề nghị phong tặng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có tổng cộng 9 nhóm, CLB Bài chòi. Đây chính là những nhân tố góp phần bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật trình diễn Bài chòi tại Đà Nẵng.

Bên cạnh trình diễn, các nghệ nhân dân gian cũng truyền đạt kỹ năng ca hát, trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Đơn cử, CLB Bài chòi Sông Yên (gồm 14 thành viên), tổ chức tập huấn cho các hạt nhân phong trào của huyện Hòa Vang, phối hợp Phòng GD&ĐT huyện và Trung tâm Văn hóa huyện truyền dạy Bài chòi trong trường học…

Chia sẻ về nghệ thuật hát Bài chòi, nghệ nhân Trịnh Công Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi - Trung tâm Văn hóa Đà Nẵng cho biết, Bài chòi tồn tại như ngày hôm nay một phần cũng nhờ tình yêu, niềm đam mê với nghề của những nghệ nhân dân gian. Hiện nay Đà Nẵng hiện có 30 nghệ nhân làm hiệu trong các hội chơi Bài chòi, gần 50 nghệ nhân có khả năng truyền dạy. 9 nhóm câu lạc bộ Bài chòi, trong đó 6 nhóm thành lập tự phát, 3 câu lạc bộ được sự trợ giúp của chính quyền địa phương. Các nhóm thành lập tự phát, kinh phí để hoạt động chủ yếu dựa vào đóng góp của các thành viên và khoản thu từ các buổi biểu diễn. Phần lớn các nghệ nhân chưa có môi trường thuận lợi cho hoạt động.

Nên có những chế độ đãi ngộ

Nghệ nhân ưu tú Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đã có gần 30 năm lưu giữ, nghiên cứu Bài chòi tâm sự: “Dù vất vả mưu sinh, nhưng mỗi khi có nơi mời diễn hay vào mùa lễ hội, nhất là dịp Tết, các nghệ nhân bỏ hết công việc lo đi diễn Bài chòi. Vì sự sống của nghệ thuật đặc biệt này, chính quyền cũng như ngành chức năng VHTT nên có những chế độ, tạo điều kiện cho anh, chị, em nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này để đưa bộ môn Nghệ thuật Bài chòi của Trung Bộ ngày càng lớn mạnh, phát triển hơn”.

Với vị trí đặc biệt của Bài chòi trong lòng người dân thành phố, Sở VHTT thành phố Đà Nẵng đã xây dựng chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể Bài chòi” với các biện pháp cụ thể như: Hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ, nhóm, đội và nghệ nhân Bài chòi thực hành, sáng tạo và truyền dạy có hiệu quả di sản trong cộng đồng; Hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến di sản. Sắp tới, Đà Nẵng sẽ củng cố những Câu lạc bộ Bài chòi để dàn dựng những chương trình phục vụ cho du khách. Sở VHTT sẽ phối hợp với Sở Du lịch, với các đơn vị lữ hành đưa khách đến giới thiệu tại các điểm văn hóa, như Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ luân phiên xen kẽ biểu diễn nghệ thuật Tuồng và Nghệ thuật Bài chòi để phục vụ du khách.

Nghệ thuật hô hát Bài chòi bám rễ trong lòng người dân Đà Nẵng, mỗi khi có sự kiện văn hóa lớn thì Bài chòi vẫn là nghệ thuật mà người dân trông đợi, hướng về, như những đêm diễn tại Công viên 29.3, Lễ hội Quán Thế Âm… có thể thấy người dân kéo đến xem rất đông. Nhưng những sự kiện như thế không phải lúc nào cũng diễn ra, mà Bài chòi là văn hóa nên cần phải có sự thấm nhuần mới có thể đứng vững trong cuộc sống hiện đại. UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất cho CLB Bài chòi Sông Yên vị trí biểu diễn tại bờ đông cầu Sông Hàn vào những ngày cuối tuần, điều đó đã động viên phần nào những tâm huyết đang vẫn một lòng hướng về Bài chòi miền biển.

MINH CHÂU

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/%C4%91au-%C4%91225u-v%E1%BB%9Bi-ngh%E1%BB%87-thu%E1%BA%ADt-h225t-b224i-ch242i