Đau đầu với tên lửa đẩy Soyuz

Cả Nga và Mỹ đều sẽ không thể gửi phi hành gia của họ lên Trạm Không gian quốc tế (ISS) cho tới khi các nhà điều tra tìm được nguyên nhân lý giải tại sao một tên lửa đẩy của Soyuz gặp sự cố bất thường và nổ tung trong hôm thứ Năm vừa qua. Sự việc khiến cho lịch phóng trong năm 2019 trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Sự cố của tàu Soyuz khiến nhiều nhiệm vụ không gian bị trì hoãn. Nguồn: Reuters.

Tên lửa đẩy gặp sự cố

Được biết, cách duy nhất để đưa phi hành gia từ Trái Đất lên ISS kể từ năm 2011 đến nay chính là sử dụng tên lửa Soyuz của Nga. Nhưng Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) hôm 12/10 đã tạm ngừng sử dụng Soyuz cho đến khi hoàn thành cuộc điều tra nguyên nhân tên lửa này gặp sự cố trong hôm thứ Năm vừa qua, buộc phi hành gia Mỹ Nick Hague và phi hành gia Nga Aleksey Ovchinin phải hạ cánh khẩn cấp ở Kazakhstan.

Vấn đề xảy ra khi tàu Soyuz trên đang di chuyển với vận tốc 7.563 km/giờ, chỉ 119 giây trước khi ra ngoài không gian - theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). 2 phi hành gia Hague và Ovhinin đã phải kích hoạt hệ thống khẩn cấp để tự tách module mà họ đang ở trong và bung dù module này để trở lại bề mặt Trái Đất một cách an toàn.

Vụ phóng tên lửa Soyuz lên ISS tiếp theo được lên kế hoạch vào ngày 20/12 tới, trong đớ đưa 3 phi hành gia lên trạm này. “Họ sẽ phải ngừng sử dụng Soyuz một thời gian, có thể là trong vòng vài tháng” - Erik Seedhouse, Phó Giáo sư thuộc ĐH Hàng không Embry-Riddle, cho hay.

Trong năm 2015, tàu Progress - con tàu không gian không người lái chuyên chở hàng tới trạm ISS - cũng gặp sự cố ở tên lửa đẩy tương tự như tàu Soyuz vừa qua. Tuy nhiên, vụ việc mới nhất lại xảy ra khi có 2 phi hành gia bên trong tàu, bởi vậy mà Nga đã phải mở một cuộc điều tra nghiêm ngặt.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã nhận thức rõ rằng vụ việc vừa qua sẽ ảnh hưởng tới lịch trình làm việc trên trạm ISS. Họ đang gấp rút đưa ra các phương án dự phòng cho 3 phi hành gia trên ISS - gồm phi hành gia người Đức Alexander Gerst, phi hành gia Mỹ Serena Aunon-Chancellor và phi hành gia Nga Sergey Prokopiev - tất cả đều dự kiến trở về Trái Đất vào tháng 12 tới.

ISS thường có 5-6 phi hành gia làm việc và họ thường lưu lại đây khoảng 6 tháng. Kể từ năm 2000, trạm ISS thường xuyên có phi hành gia làm việc bên trong. Vấn đề hiện nay chính là: Con tàu giúp cá phi hành gia trên ISS trở về Trái Đất, neo ở trạm này từ tháng 6 năm nay, sử dụng nguồn điện từ pin và sẽ nó sẽ cạn kiệt trong vòng 200 ngày - theo NASA.

Bởi vậy, theo lý thuyết, các phi hành gia sẽ phải lùi lịch trở về Trái Đất vào đầu tháng 1/2019. Còn về vấn đề nhu yếu phẩm, các phi hành gia ở ISS có đủ thực phẩm để dùng trong nhiều tháng liền, do tàu tiếp tế không người lái của Nhật Bản và Mỹ thường xuyên chuyển hàng lên trạm này.

Nhiều kế hoạch bị trì hoãn

NASA đã ngừng chương trình Tàu không gian của họ từ năm 2011, và kể từ đó phải trả nước Nga hàng chục triệu USD để gửi phi hành gia lên trạm ISS. Hợp đồng giữa họ với Nga sẽ hết hạn vào cuối năm 2019, và lúc đó NASA sẽ phải tận dụng các bản hợp đồng mà họ đã ký với Boeing và SpaceX.

Hãng SpaceX của tỷ phú Elon Musk dự kiến sẽ sử dụng tên lửa Falcon 9 của họ để thực hiện các nhiệm vụ không gian của Mỹ. Kể từ năm 2012, SpaceX đã phóng nhiều vệ tinh cho NASA và thực hiện 16 nhiệm vụ tiếp tế cho trạm ISS. Tuy nhiên, việc đưa phi hành gia lên ISS lại là nhiệm vụ mà công ty tư nhân này chưa từng thực hiện.

Trong khi đó, các chương trình tên lửa của SpaceX và Boeing thời gian qua liên tục bị trì hoãn. Một tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu Dragon không có người dự kiến sẽ phóng thử vào tháng 1/2019, và phóng thử có người dự kiến thực hiện vào tháng 6/2019. Trong khi Boeing sẽ phóng thử vào tháng 3 và tháng 8/2019.

Các vấn đề mà tàu Soyuz đang gặp phải thực sự khiến nước Mỹ đau đầu, bởi nước này áp dụng chính sách phải liên tục duy trì sự hiện diện trong không gian. Bất cứ sự gián đoạn nào cũng bị coi là thảm họa xét về mặt hình ảnh quốc gia, và ảnh hưởng tới công việc nghiên cứu trên ISS, bởi trạm này đóng vai trò như một phòng thí nghiệm khoa học trong không gian.

Chỉ một sự trì hoãn nhỏ nhất bởi SpaceX hay Boeing cũng có thể khiến cho các chương trình phóng có phi hành gia của Mỹ bị ảnh hưởng. Điều này có nghĩa rằng, nhiệm vụ chuyển phi hành gia lên trạm ISS của họ sẽ phải rời đến năm 2020, thay vì năm 2019 như kế hoạch. Vụ việc xảy ra với tàu Soyuz trong hôm thứ Năm vừa qua sẽ gây sức ép đối với Hãng SpaceX và Boeing trong việc đáp ứng thời hạn phóng.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/dau-dau-voi-ten-lua-day-soyuz-tintuc419818