Đau đẻ, chuyện của đàn bà: Hốt hoảng vì sinh con còn nguyên bọc ối

Tôi vẫn ám ảnh khung cảnh trong phòng sinh, khoảng 10 sản phụ nằm đó nhưng ai cũng bị cách ly với những người thân trong gia đình. Thật sự, cảm giác một mình phải chịu đựng những cơn đau kinh khủng này nó tủi thân lắm...

Ảnh minh họa: Nguyên Mi

25 tết, có bầu hơn 8 tháng nhưng vợ chồng tôi vẫn hối hả cùng nhau dọn dẹp nhà vì nghĩ rằng qua tết mới sinh. Vậy mà đến tối, tôi cứ thấy bụng đau râm râm, chồng thì ra vẻ có kinh nghiệm: “Vào ngủ đi, chưa đẻ đâu, anh nghiên cứu rồi phải vỡ ối trước đã”.

Tôi lên giường nằm ngủ nhưng đến 4 giờ sáng cơn đau đến dồn dập, tôi không chịu nổi nữa nên gọi chồng đưa vào viện. Thấy vợ đau quằn quại, anh liền gọi taxi, miệng thì nói vợ bình tĩnh nhưng tay chân anh lại run lẩy bẩy, cầm cái này vơ cái kia cuống cả lên.

Bước vào đên khoa sản, tôi như bị “vỡ mộng”, mà đúng là vỡ mộng thật, không phải là cảnh hộ sinh nhẹ nhàng dìu sản phụ, không phải tiếng cười, càng không phải tiếng chúc mừng chào đón em bé ra đời như những thước phim mà tôi vẫn thường xem… Thay vào đó là cảnh hàng chục sản phụ nhăn nhó, kêu rên thảm thiết lẫn cả tiếng khóc trẻ con, tiếng bước chân láo nháo, gọi nhau í ới tạo nên một sự hỗn loạn.

Cơn đau vừa giảm một chút, tôi nhờ chồng lấy sữa cho uống để có sức. Tới khi cơn đau dồn dập hơn, tôi nôn thốc nôn tháo vào người anh. Thấy vợ đau, anh mặc kệ cho người đang còn những “sản phẩm” vừa rồi của tôi, anh cúi xuống đỡ tôi ngồi thẳng dậy.

Vì ông bà nội ngoại ở xa chưa ai đến kịp nên chỉ có mình tôi và chồng ở bệnh viện. Nghe lời bác sĩ, anh dìu tôi đi lại cho dễ sinh, vừa đi anh vừa xoa vào bụng tôi nói chuyện với con: “Con ra nhanh nhé, đừng làm mẹ đau nhé”, “Tôm của bố dũng cảm lắm”… Nghe nhưng lời nói như thế, tôi cũng dịu bớt cơn đau phần nào.

Trong lúc đau đớn, tôi chỉ biết tự động viên mình - Ảnh minh họa: Viên An

Một lát sau, cảm nhận được con bắt đầu thúc xuống cửa mình đòi chui ra, tôi bấu chặt vào thành giường, nghiến răng nghiến lợi kèn kẹt. Lúc đó, không thể nằm trên giường được nữa, tôi quỳ hẳn xuống sàn rên rỉ.

Chồng nặng nhọc đỡ tôi sang khám tiếp thì tử cung mới mở 6 phân, tôi xin xỏ: “Cô ơi, cho cháu đẻ đi!”, “Chị ơi, em muốn rặn đẻ rồi!”, “Em không chịu được nữa!”. Thế nhưng, bác sĩ bảo vẫn chờ tử cung mở đến 7, 8 phân rồi mới đẻ được.

Từng cơn cứ quặn lên dồn dập, tôi thều thào nói với chồng: “Đi mổ đi, em đau không chịu nổi nữa”. Chồng nhìn tôi nhăn nhó mà xót xa, anh xoa vào bụng tôi rồi vỗ về: “Cố lên, sắp gặp con rồi!”…

Khi bác sĩ gọi tôi vào phòng sinh, anh chen chân vào cùng tôi, mặc cho cô hộ lý quát thật to: “Ai cho anh vào đây. Để thai phụ đi một mình, đi ra ngay”. Anh vẫn ráng đỡ vợ thêm một đoạn nữa rồi mới đi ra.

Tới bây giờ, tôi vẫn ám ảnh khung cảnh trong phòng sinh, khoảng 10 sản phụ nằm đó nhưng ai cũng bị cách ly với những người thân trong gia đình. Thật sự, cảm giác một mình phải chịu đựng những cơn đau, một mình trong khoảnh khắc “cửa sinh cũng là cửa tử” nó tủi thân lắm...

Sau khi được bác sĩ truyền thuốc kích sinh, nằm chờ được một lúc, tôi mệt lả đi và cảm thấy buồn ngủ díu mắt. Tôi nói với bác sĩ: “Cháu mệt và buồn ngủ quá, cháu ngủ tí ạ”. Bác sĩ quát lớn: “Cháu thích ngủ hay thích đẻ luôn nào?”. Tôi ngáp dài rồi tự nhiên thiếp đi. Bác sĩ ra vẻ hoảng sợ càng quát lớn: “Ngủ cái gì, dậy đẻ ngay!”. Tôi giật mình mở mắt, cố tỉnh táo để vượt cạn.

Trong phòng sinh, tất cả thai phụ đều bị cách ly gia đình.. - Ảnh minh họa: Nguyên Mi

Bác sĩ bắt tôi co đầu gối lại, 2 tay ôm lấy chân để có đà rặn. Rặn lần 1…bác sĩ bảo dừng lại để đợi chỉ dẫn tiếp theo. Lúc đó cảm giác em bé thúc xuống, cơn đau kéo xuống dồn dập ù cả tai, lúc này tôi phải tự động viên chính mình: “Phải cố gắng, sắp được gặp con rồi! Cố gắng! Cố gắng vượt qua!”.

Bác sĩ nói to: “Rặn tiếp nào, cố lên em ơi!”. Dù đang đau đớn tưởng như có thể chết đi nhưng tôi vẫn cắn môi cắn lợi để rặn. Thật may mắn, em bé nhanh chóng chui ra. Thế nhưng lạ thay, tôi không nghe thấy tiếng con khóc.

Tôi giật mình sợ hãi khi thấy nguyên một bọc ối to to, tôi mếu máo hỏi: “Chị ơi, con làm sao đấy hả chị? Sao con em không khóc?” Chị hộ lý đáp: “Nó ra ngoài nhưng vẫn còn ở nguyên trong bọc ối, phải rạch bọc ra đã”. Một ít phút sau tôi yên tâm khi nghe tiếng khóc oe oe của con.

Xong xuôi, tôi ngước lên nhìn con ở giường sưởi đèn, hai bàn tay con giơ cao hua hua vào không trung, cảm giác hạnh phúc tràn ngập, mọi cơn đau đều tan biến. Có lẽ tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc ấm áp, bình yên ấy.

Mãi sau này tìm hiểu tôi mới biết sinh con trong bọc ối là điều may mắn. Theo quan niệm của phương Đông và phương Tây thì ngay khi sinh ra con đã được bao bọc, che chở nên sẽ có số sướng, an nhàn. Tôi luôn mong và hy vọng con có một tương lai tốt đẹp như tất cả những gì bố mẹ đã dành cho con.

Giang Lam

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/dau-de-chuyen-cua-dan-ba-hot-hoang-vi-sinh-con-con-nguyen-boc-oi-953483.html