Nỗi niềm của các cô đỡ thôn bản

Không còn phụ cấp, không biết đến quà cáp, thậm chí ngay cả một lời 'cảm ơn' cũng không. Thế nhưng nhiều 'cô đỡ thôn bản' tại khắp các buôn, sóc, thôn, bản trên cả nước vẫn gắn bó với công việc vì tình cảm, trách nhiệm với đồng bào mình. Đó là những chuyện của họ mà ít ai biết đến…

Chia sẻ tại Hội nghị biểu dương Cô đỡ thôn bản tiêu biểu trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế tổ chức, Thào Thị Se, 30 tuổi người dân H’Mông ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết: Trước kia những cô đỡ thôn bản được phụ cấp mỗi tháng 200.000 đồng, từ năm 2017 tiền phụ cấp này không còn. Tuy vậy, gắn bó với việc khám thai, đỡ đẻ đã 5 năm nay nên mỗi khi bà con gọi, Se vẫn không thể từ chối.

Kể về những ngày đầu theo học để có được các kỹ năng, kiến thức thăm khám thai, đỡ đẻ, Thào Thị Se nói: “Năm 2010 em được đi học cô đỡ thôn bản ở tỉnh Hà Giang. Lần đầu tiên em được xuống TP Hà Giang và phải xa nhà, mang theo con nhỏ lúc đó mới được 3 tháng để đi học khổ lắm, nhưng được các thầy cô giáo của Sở Y tế tỉnh Hà Giang động viên và giúp đỡ em nhiều, còn nuôi cả người trông con cho em đi học nên em đã cố gắng học tốt và trở về nhà”.

Cô đỡ Thào Thị Se, dân tộc H’Mông ở Hà Giang: Không có cả một lời “cảm ơn” nhưng em vẫn làm vì yêu công việc . Ảnh: Thịnh An

Cô đỡ Thào Thị Se, dân tộc H’Mông ở Hà Giang: Không có cả một lời “cảm ơn” nhưng em vẫn làm vì yêu công việc . Ảnh: Thịnh An

Về tới xã Phố Cáo, Se đã phối hợp cùng trưởng thôn để tuyên truyền tới bà con về công tác chăm sóc sức khỏe như ăn chín, uống sôi, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, nằm màn, diệt muỗi… Với những hiểu biết, kiến thức đã được học, hàng tháng, Se tranh thủ thời gian đến từng hộ gia đình có phụ nữ có thai để khám thai, vận động chị em đến trạm đẻ; hướng dẫn họ về cách vệ sinh cá nhân, cách vệ sinh cho con nhỏ và cách cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; kế hoạch hóa gia đình.

Trong vòng 5 năm, Se đã đỡ đẻ tại nhà cho 55 ca, phát hiện chuyển viện kịp thời nhiều ca khó, nguy hiểm như ngôi ngang, chuyển dạ đẻ non, tiền sử sản giật, chuyển dạ kéo dài…

“Có được kết quả như ngày hôm nay là do chồng em và gia đình em cũng tạo điều kiện cho em nhiều. Có những lúc chồng cũng không đồng ý lắm vì nhiều người gọi em quá, với lại từ năm 2017 em không có phụ cấp nên chồng không muốn tiếp tục cho em đi làm nhưng nể bà con trong thôn bản nên em đã thuyết phục chồng em cho em tiếp tục đi làm”, Se tâm sự.

Tuy thuyết phục chồng đồng ý cho tiếp tục đi khám khi có người gọi nhưng trước kia do có phụ cấp nên Se đi khám đều đặn cho thai phụ mỗi tháng 1 lần. Còn bây giờ, do phải lo việc nương rẫy nên 3 tháng Se mới có thể đến nhà khám cho họ. Đó cũng vì trách nhiệm, vì sự gắn bó với công việc chứ không vì được tặng quà hay cảm ơn.

“Em cũng bảo mọi người từ giờ em không đến nhà khám nữa nhưng mọi người vẫn nhảy qua tường rào gọi đi. Không đi không được vì dân không hiểu, họ nghĩ đi học về là có lương. Em yêu công việc nhưng không còn phụ cấp nữa nên chán nhưng dân gọi cũng không thể không đi”, Se cho biết.

Khi được hỏi về “quà cáp” của gia đình sản phụ sau khi “mẹ tròn con vuông”, Se thật thà: “Khi đỡ đẻ cho họ nếu quý thì sau 3 ngày đặt tên cho con, họ gọi đến mời ăn cơm cùng, còn không thì ngay cả một lời cảm ơn cũng không có. Nhưng em yêu nghề nên vẫn muốn gắn bó… Em mong lãnh đạo các cấp quan tâm để tất cả các cô đỡ thôn bản chúng em đều có phụ cấp hàng tháng như những nhân viên y tế thôn, bản khác để chúng em có tiền mua xăng xe máy đi khám thai, tuyên truyền vận động cho bà con và tiền điện thoại để gọi điện nhờ trạm y tế và các thầy cô giáo mỗi khi em cần hỗ trợ”.

Gắn bó với công việc của “cô đỡ” được 4 năm, Sùng Thị Xế, 23 tuổi, dân tộc H’Mông ở xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: Thời gian đầu làm công việc chồng cũng không đồng ý vì “làm không được gì thì không làm nữa”. Ngay cả khi địu con đi làm rẫy cùng chồng có người gọi, Xế cũng đưa con cho chồng để chạy về đỡ đẻ cho bà con dân bản.

“Dần dần làm lâu chồng thấy giúp được các bà mẹ ai cũng thương, quý nên chồng cũng bình thường. Đa số đẻ xong không có gì cảm ơn, có người đẻ xong mổ gà ăn thì cho mình ăn cùng nhưng khi giúp bà con được em thấy rất vui”, Xế nói.

Cô đỡ Y Ngọc, 38 tuổi, dân tộc Xê Đăng ở xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum mỗi năm đỡ đẻ tại nhà an toàn cho khoảng 10 bà mẹ khi chuyển dạ không đến hoặc không kịp đến cơ sở y tế để sinh đẻ.

Ngoài ra, Y Ngọc tham gia tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; thực hiện chăm sóc cho bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ tại nhà; hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc sức khỏe cho mẹ và con… Bản thân được hưởng phụ cấp do kiêm nhiệm nhân viên y tế thôn bản nhưng Y Ngọc vẫn mong muốn lãnh đạo Đảng, chính quyền và ngành y tế các cấp tiếp tục quan tâm, có chế độ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản để mọi người gắn bó với công việc, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tốt hơn.

Cô đỡ thôn bản được coi là cánh tay nối dài của ngành y tế. Kể từ khi những cô đỡ đầu tiên được đào tạo cách đây 25 năm, đến nay đã có 2.611 cô đỡ thôn bản hiện đang hoạt động. Nhờ có sự đóng góp của các cô đỡ thôn bản mà công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng kể: Tỉ số tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh từ mức 233/100.000 trẻ mới sinh sống năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ mới sinh sống năm 2009 và chỉ còn khoảng 58/100.000 theo con số ước tính của Tổng cục Thống kê năm 2015. Tương tự, tỉ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm từ 58 phần nghìn năm 1990 xuống còn 21,8 phần nghìn năm 2016; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng giảm từ 44,4 phần nghìn xuống còn 14,5 phần nghìn.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/noi-niem-cua-cac-co-do-thon-ban-111624.html