Đầu gấu…ký túc xá sinh viên

Giadinh.net - “… 22 giờ 55 phút ngày 27/12, 6 thanh niên nam vào nhà tắm nữ tầng 1. Ngày 27/12 sinh viên M (không ở ký túc xá) vào gây mất trật tự. 2/1 sinh viên M gây mất trật tự. 2/1 sinh viên Lê Sĩ Cường bị trấn tiền, bị đâm vào sườn tại bờ sông Sét. 3/1 M “bông”+ Hùng “cận” đạp bảng rào sân B3, B10, đánh sinh viên nhà B3… ".

Cuốn sổ theo dõi của ban quản lý ký túc xá (KTX) ĐH Bách Khoa Hà Nội dày đặc những “tiền sự”. Những “tên tuổi” xuất hiện thường xuyên, liên quan đến hầu hết các vụ gây rối, họ là những sinh viên (SV) lưu ban - thường gọi là “bật K”, có người học đến… 10 năm vẫn chưa ra trường. Quán nhậu về đêm bao vây KTX Đại học Bách Khoa. Sinh viên “bật K” Sở dĩ chúng tôi tìm đến cuốn sổ theo dõi sinh viên là bắt nguồn từ câu chuyện vỉa hè bàn tán về vụ SV lưu ban tạt axít thầy giáo vừa tháng trước thì anh bạn tôi là cựu SV Đại học Bách Khoa Hà Nội phát biểu với vẻ mặt lạnh tanh: “Hỗn với thầy cô thì ở trường tôi chưa có nhưng chuyện những SV yêng hùng “thủ” mã tấu, kiếm, đao, dao, gậy trong phòng là không hiếm. Trong KTX, những chuyện “thanh toán nợ nần” bằng cách vác kiếm, vác ghế đánh nhau đã thành chuyện bình thường. Có khi bọn mình cũng chẳng còn quan tâm nữa. Đánh nhau cứ đánh nhau, chuyện vác kiếm đuổi nhau chém xẻ vai ở trường nào thì hiếm chứ KTX ở các trường đại học thời mình còn học thì tháng nào cũng nghe”. Cuốn sổ theo dõi của Ban quản lý KTX, ngoài việc ghi chép lại tình hình hoạt động chung thì vẫn có chỗ cho ghi chép lại những SV quậy phá, không thực hiện đúng nội quy. Sở dĩ, các cuộc ẩu đả, bài bạc... lên đến Ban quản lý KTX không nhiều bởi vì theo cách làm việc ở đây, nếu có sự việc gì thì đội tự quản phải lập biên bản, rồi mới trình lên. Rất nhiều vụ việc đã “được” giải quyết “nóng” trước khi lập biên bản. Chính người viết khi đi thực tế ở KTX đã chứng kiến một cuộc gặp đòi “thanh toán nợ nần” với thanh niên xung kích tại quán nước trong khuôn viên KTX. Người thanh niên xung kích đã chịu nhún, bắt tay... xin lỗi kẻ gây sự nên mọi việc êm xuôi. “Nếu gặp bọn chúng ngoài khuôn viên KTX thì hôm nay chắc không ổn rồi” – Một SV trong đội xung kích nói như thể những vụ gây hấn như thế đã quá quen. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Thanh Nghì, Giám đốc Trung tâm KTX Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Những trường hợp SV đánh nhau, đưa người ngoài vào ở, đánh bài ăn tiền vẫn còn, nhưng không nhiều”. Cũng theo ông Nghì, những trường hợp như thế đều bị xử lý nghiêm. Về vấn đề SV lưu ban, ở trong KTX, ông Nghì cho hay: “Theo nội quy, những SV lưu ban đáng lẽ ra không được xếp ở trong KTX nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi chiếu cố”. Những SV lên 1 năm, đúp 1 năm vẫn được chấp nhận nên tối đa một SV Bách Khoa có thể học đến... 10 năm vẫn chưa ra trường. Có SV đúp liền 2 năm nhưng do xin xỏ, trình bày hoàn cảnh với các thầy cô nên vẫn được châm chước ở lại. Do đó, nhưng SV học 7- 8 năm nhưng vẫn chưa ra trường không ít. Cá biệt có trường hợp vi phạm kỷ luật hoặc đúp 2 năm liên tiếp bị đuổi học, lại thi vào làm SV năm thứ nhất. Bên ngoài ký túc xá Khu vực trước cổng chính KTX Đại học Bách Khoa từng một thời được mệnh danh là “tam giác ăn chơi”. Đây là khu tập trung các quán “rượu ốc”, quán game, lô đề dày đặc. Cho nên một thời nó là địa điểm ẩu đả, thanh toán nợ nần trong giới “giang hồ” với nhau. “Tam giác” bị dẹp một thời gian lại mọc trở lại, còn những cao thủ game lại “ém quân” bên phố Tạ Quang Bửu để “luyện”. Phong trào nhậu nhẹt trong KTX giờ không còn thịnh hành nữa. Thay vào đó, địa điểm tụ tập của SV là quán “rượu ốc” hoạt động suốt đêm bên ngoài KTX. Bởi ở ngoài không ai quản lý cả, nhậu nhẹt xong lại nhảy tường vào. “Ngày học cấp III tớ không biết uống một giọt rượu. Lên ở KTX ngay năm thứ nhất uống rất nhiều: Nhớ nhà - uống rượu, làm quen - rượu, cãi nhau rồi dàn hòa - rượu. Mình không uống bạn bè lại bảo không nhiệt tình” - Mạnh (học khoa Cơ khí) phân bua. Sau một trận rượu là mấy ngày la đà mệt mỏi, hơi sức đâu cho các phương trình, bản vẽ rắc rối như ma trận. Những quán game không chỉ làm tốn kém thời gian, sức lực mà còn rút hầu bao của SV một lượng kha khá. Và điệp khúc nợ nần lô đề, cá cược, mua bán ở quán game mà nướng hết tiền học phí, bị cấm thi, kết quả là... “bật K”. Những quán game, san sát nhau bao vây KTX, mỗi quán lên đến hàng trăm máy, hoạt động suốt ngày đêm không một phút ngơi nghỉ. Mỗi quán nước trà đá là một địa điểm ghi lô đề. Chuyện vi phạm nội quy chỉ có thể xét trong khuôn viên KTX nhưng khi SV đã bước ra khỏi cổng thì... chưa có một quy định cụ thể nào. Cám dỗ lù lù ngay ngoài đường, vậy là game cứ chơi, lô đề cứ ghi, rượu cứ uống và thi lại, học lại là điều tất yếu. Quán game la liệt trên đường K3, phường Bách Khoa, với hàng trăm máy hoạt động cả ngày đêm. Chân dung “đầu gấu” giảng đường Lần theo những dòng ghi trong cuốn sổ theo dõi của Ban quản lý KTX, chúng tôi tìm được một nhân vật “lão làng” của KTX Đại học Bách Khoa: M “bông”. Dáng người lẻo khoẻo, mặt hiền hiền, nhìn M khó có thể hình dung được đây là “tác giả” của không ít trò quậy phá như: đạp phá rào, biển báo, gây sự đánh nhau với thanh niên xung kích... Những trò quậy phá có cùng nguyên nhân: Say rượu. Lúc say đánh nhau thâm tím mặt mày nhưng khi M tỉnh rượu, M không nhớ gì, nói với bạn bè rất hiền: “Hôm qua tao uống rượu say, ngã vấp mặt vào đâu không biết”. Điểm mặt “anh tài” trong KTX, giới SV năm thứ ba, thứ tư rỉ tai nhau kể tên 3 “thủ lĩnh” - đều là những SV “bật K”, tập trung quanh “thủ lĩnh” là băng nhóm khoảng trên dưới chục “thân tín”. T. Tùng (quê ở Yên Bái) vừa vào trường đã bộc lộ lối sống anh chị. Hầu hết các vụ ẩu đả trong KTX đều có mặt Tùng. Sau vài lần “thị uy” Tùng tập hợp được một nhóm “tay chân” xung quanh. “Đâm lao phải theo lao” – cùng với chuyện lôi kéo các SV khác vào băng đảng thì chính Tùng cũng bị ràng buộc bởi những “ân oán” trong KTX. Các “đàn em” chạy đến nhờ “xử lý” vụ này vụ khác. Rồi những “hảo hán” khác trong KTX đòi “nói chuyện phải trái”... Tùng như trượt dốc không phanh, rơi vào điệp khúc “thi- trượt- học lại- qua một năm- lại trượt”. Sinh năm 1983, trong khi bạn bè học cùng khóa đã ra trường đi làm Tùng mới đì đẹt học đến năm thứ hai. Còn Minh “sứt” thì đúp đến 4 năm, cũng trở thành một nhân vật nổi đình nổi đám trong KTX vì những trò quậy phá. Nói dối gia đình là “học lên cao học” – Minh vẫn nhận tiền chu cấp của gia đình đều đều. Mẹ Minh lên Hà Nội tìm thì khóc ngất vì vỡ lẽ ra con mình đã bị đuổi học từ lâu, trở thành thành phần “dặt dẹo” bỏ KTX đi đâu không rõ. Khu nhà B5B được mệnh danh là “xóm liều” trong KTX Đại học Bách Khoa. Do vị trí “đắc địa” của khu nhà cấp 4 này (ở khuất sau dãy nhà 4 tầng) nên các sinh viên “lão làng” hay chọn các phòng ở B5B làm địa điểm trú chân. Ban quản lý KTX đã đóng cửa một số phòng nhưng có phòng vẫn bị SV phá cửa, lôi những người ở ngoài vào đánh bạc. Vì thế mà một vài lần ngủ lại đồn công an phường không phải là chuyện lạ đời với những tay chơi này. Ban quản lý KTX đã thắt chặt quy chế, làm nghiêm nhiều trường hợp, tuy nhiên với những quán rượu, quán game và lô đề bao vây KTX thật khó mà tránh được những sự việc đáng tiếc. Thúy Quang

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20090910091635617p0c1000/dau-gauky-tuc-xa-sinh-vien.htm