Đấu giá cổ phần Du lịch Bưu điện: Cơ hội sở hữu đất vàng

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ bán đấu giá hơn 8,7 triệu cổ phần (tương đương 90,22% vốn điều lệ thực góp) nắm giữ tại Công ty CP Du lịch Bưu điện vào ngày 28/9 tới với giá khởi điểm 18.500 đồng/CP (cao hơn 85% so với mệnh giá).

Du lịch Bưu điện sở hữu 4 cơ sở đất kinh doanh khách sạn nằm ở các vị trí trung tâm du lịch trải dài từ Bắc vào Nam. Ảnh: Quang Đức

Kinh doanh không thực sự hiệu quả nhưng Du lịch Bưu điện lại có tình hình tài chính tương đối lành mạnh và sở hữu những bất động sản tại nhiều khu du lịch từ Bắc vào Nam.

Kết quả kinh doanh “khiêm tốn”

Công ty CP Du lịch Bưu điện được thành lập từ năm 2001 với vốn điều lệ thực góp là hơn 97 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính được công bố, năm 2015, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Du lịch Bưu điện đạt lần lượt gần 60,9 tỷ đồng và 46,6 tỷ đồng. Bước sang năm 2016, doanh thu của Công ty giảm 15,49% so với năm 2015, đạt gần 51,5 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng năm 2016 cũng giảm mạnh, chỉ còn 3,1 tỷ đồng (giảm 93,16%). Với kết quả kinh doanh như vậy, thu nhập cơ bản trên một cổ phần (EPS) năm 2016 là 327 đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 4.782 đồng của năm 2015.

Nguyên nhân lợi nhuận năm 2016 giảm mạnh là do năm 2015 Công ty có khoản lãi từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định lên tới 58,8 tỷ đồng. Loại trừ lợi nhuận từ thu nhập khác thì lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2015 chỉ đạt 0,177 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính năm 2016 của Du lịch Bưu điện, Tập đoàn Kiểm toán quốc tế Baker Tilly đã đưa ra ý kiến ngoại trừ: Các khoản nợ phải thu khó đòi đã quá hạn trên 3 năm là 10,7 tỷ đồng, Công ty đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 7,6 tỷ đồng. Nếu Công ty trích dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định hiện hành thì chi phí hoạt động trong năm sẽ tăng 3,1 tỷ đồng. Theo tính toán của Báo Đấu thầu, nếu thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ thì lợi nhuận sau thuế của Công ty năm 2016 chỉ còn 0,07 tỷ đồng.

Mặc dù kinh doanh không mấy ấn tượng nhưng tình hình tài chính của Công ty lại tương đối tốt. Phần lớn tài sản có tính thanh khoản cao, nợ phải trả chiếm tỷ trọng ít. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của Công ty là 111 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn Công ty đang nắm giữ là 60,4 tỷ đồng, chiếm gần 55% tổng tài sản và tổng nợ phải trả chỉ chiếm 12% tổng tài sản.

Một số cơ sở đất đai của Du lịch Bưu điện

“Điểm danh” các khu đất nổi bật

Bên cạnh tình hình tài chính khá lành mạnh, việc sở hữu nhiều khu đất đẹp đã tăng sức hấp dẫn cho Du lịch Bưu điện mặc dù kết quả kinh doanh không ấn tượng. Doanh nghiệp này đang sở hữu 4 cơ sở đất kinh doanh khách sạn nằm ở các vị trí trung tâm du lịch trải dài từ Bắc vào Nam như Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò và Vũng Tàu. Đặc biệt, tại hai trung tâm du lịch biển lớn là Vũng Tàu và Hạ Long, Công ty có quỹ đất khá lớn.

Thông qua việc mua cổ phần tại đợt đấu giá, nhà đầu tư có cơ hội sở hữu và phát triển các dự án bất động sản du lịch tại nhiều vị trí đắc địa.

Hoàng Việt

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/tai-san-tai-chinh/dau-gia-co-phan-du-lich-buu-dien-co-hoi-so-huu-dat-vang-49632.html