Đấu giá cổ phiếu DNNN chưa thực sự thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Thông tin về tình hình chung thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn DNNN qua Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ năm 2016 đến ngày 31/8/2018, có 225 DN cổ phần hóa (CPH), thoái vốn thực hiện đấu giá cổ phần trên SGDCK.

Đợt thoái vốn của Bộ Công Thương tại Sabeco tháng 12/2017 thu về 5 tỷ USD. ẢNh: Internet.

Tổng số cổ phần chào bán của 225 DN này là 5.781.874.005 cổ phần và tổng số cổ phần bán được là 3.259.205.328 cổ phần. Theo đó, tỷ lệ thành công đạt 56%. Tổng giá thực tế bán được là 178.200,91 tỷ đồng.

Đánh giá về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, giai đoạn 2016-2017, số DN thực hiện bán đấu giá cổ phần thấp hơn so với các năm trước, đặc biệt là năm 2017, tuy nhiên tổng giá trị thực tế bán được cao hơn gấp 5,5 lần so với năm trước do năm 2017 có các đợt thoái vốn của Bộ Công Thương tại Sabeco, của SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Tỷ lệ thành công các đợt đấu giá năm 2017 đạt 57%.

Giai đoạn 8 tháng đầu năm 2018, số lượng các DNNN CPH và thoái vốn thực hiện bán đấu giá cổ phần qua hai SGDCK là 46 DN (bằng 59% so với năm 2017) với tổng giá trị tiền thu được là 27.400 tỷ đồng (tổng số cổ phần bán được là 1,5 tỷ cổ phần). Tỷ lệ thành công bình quân đạt 52% (trong đó có 34/46 phiên có tỷ lệ thành công đạt 100%).

Tuy nhiên, bên cạnh một số phiên đấu giá có tỷ lệ thành công đạt cao thì một số đợt đấu giá còn chưa thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư dẫn đến tỷ lệ cổ phần bán thành công còn ở mức thấp (chưa đến 3%) như đợt bán đấu giá cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp, Tổng công ty Phát điện 3.

“So với các năm trước đây, nếu không tính đến đợt thoái vốn của Bộ Công Thương tại Sabeco tháng 12/2017, tổng giá trị thu được từ đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn 8 tháng đầu năm 2018 đã vượt mức cao nhất trong các năm từ năm 2014 đến 2017”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết.

Kết quả này chủ yếu là do có một số Tổng công ty lớn thực hiện cổ phần hóa thông qua bán đấu giá cổ phần qua hai SGDCK như: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam. Tiếp đến là cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực Miền Nam và thoái vốn của SCIC tại CTCP Nhựa Bình Minh…

Đánh giá về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, ông Tiến cho hay, các đợt đấu giá chưa thực sự thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

“Nhà đầu tư nước ngoài chỉ tham gia vào số ít các cuộc đấu giá các DN có quy mô vốn lớn như Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam”, ông Tiến nói.

Được biết, đợt đấu giá cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên Lọc – Hóa dầu Bình Sơn có 4.079 nhà đầu tư đăng ký, trong đó có 115 nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là 74 nhà đầu tư nước ngoài.

Số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 2,7 lần so với khối lượng cổ phần chào bán. Kết quả đã bán được 100% số cổ phần chào bán với giá trúng giá bình quân (23.043 đồng/cổ phiếu) gấp 1,6 lần giá khởi điểm, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua trên 61% tổng giá trị cổ phần trúng giá, tương đương 3.703 tỷ đồng.

Còn đợt đấu giá cổ phần hóa Tổng công ty Dầu Việt Nam có 3.195 nhà đầu tư đăng ký, trong đó có 96 nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là 62 nhà đầu tư nước ngoài.

Số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 2,3 lần so với khối lượng cổ phần chào bán. Kết quả đấu giá bán được 100% số cổ phần chào bán với giá trúng giá bình quân (20.196 đồng/cổ phiếu) gấp 1,5 lần giá khởi điểm. Trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua trên 33% tổng giá trị cổ phần trúng giá, tương đương 1.357 tỷ đồng.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dau-gia-co-phieu-dnnn-chua-thuc-su-thu-hut-nha-dau-tu-nuoc-ngoai.aspx