Đấu giá đất 'đìu hiu', chỉ tiêu thu ngân sách của Hải Phòng chịu ảnh hưởng

Tại nhiều quận, huyện thuộc địa bàn TP Hải Phòng, đấu giá đất là một trong những nguồn thu chính cho ngân sách địa phương. Nhưng hiện nay, công tác đấu giá đất tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn do không có khách tham gia đấu giá. Có những lô đất đã phải tổ chức đấu giá lần 3 nhưng vẫn không có khách mua.

Năm 2023, dự toán thu tiền sử dụng đất do HĐND TP Hải Phòng giao là 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết quý I, thu tiền sử dụng đất toàn thành phố mới đạt hơn 1,000 tỷ đồng, bằng 8,1% mức dự toán.

Đấu đến lần 3 vẫn ế

Trao đổi với phóng viên VnBusiness, ông Vũ Duy Phan – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kiến Thụy cho biết: Trong năm 2022, Trung tâm tồn đọng 67 lô đất chưa đấu giá thành công. Đơn vị đã tổ chức đấu lại 2 lần nữa, nhưng đều chưa bán được lô nào. 67 lô đất này nằm tại các địa phương gồm xã Hữu Bằng, xã Tân Trào và thị trấn Núi Đối. Giá khởi điểm của các lô đất này không cao, có lô chỉ 5 triệu đồng/m2, nhưng do thị trường trầm lắng, nhu cầu giao dịch giảm đáng kể nên nhiều lô đất ban đầu đã có người mua hồ sơ, đặt cọc và trúng đấu giá nhưng sau đó họ bỏ cọc luôn vì không tìm được khách bán. Nếu đấu thành công 67 lô đất thì dự kiến thu về 164 tỷ đồng cho ngân sách huyện, nhưng vì không thành công nên chỉ thu được 15 tỷ đồng do người mua bỏ cọc.

"Trong 5 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kiến Thụy đã tổ chức đấu giá 7 lô đất nhưng mới đấu thành công 4 lô, ế 3 lô. Theo kế hoạch, trong năm nay, nguồn thu từ đấu giá đất của huyện Kiến Thụy là 220 tỷ đồng. Hiện, đơn vị đang triển khai làm hạ tầng một số khu đấu giá ở Tú Sơn, Núi Đối, Thụy Hương... Nhưng với tình hình thị trường “yên ắng, bất động” như hiện nay thì kế hoạch huyện giao là đấu thành công và thu về ngân sách 220 tỷ đồng sẽ gặp rất nhiều khó khăn", ông Phan nói.

Các cuộc đấu giá đất hiện nay thu hút rất ít người tham gia.

Các cuộc đấu giá đất hiện nay thu hút rất ít người tham gia.

Đặc biệt, một số huyện như An Dương, Thủy Nguyên là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, theo lộ trình trước năm 2025, huyện An Dương sẽ chuyển lên quận và huyện Thủy Nguyên sẽ chuyển lên thành phố. Vì thế, thị trường BĐS tại những huyện này những năm qua rất sôi động. Không chỉ có các nhà đầu tư tại Hải Phòng mà còn nhiều nhà đầu tư tại các tỉnh, thành khác kéo nhau về để đầu tư, mua bán.

Bán được 1 lô trên tổng số 12 lô

Tuy nhiên từ tháng 5/2022 đến nay, tình hình giao dịch đất tại những khu vực này cũng sụt giảm nghiêm trọng. Ví dụ như tại xã Đồng Thái, huyện An Dương – địa phương cách trung tâm TP Hải Phòng chỉ từ 3-5 km. Cuối năm 2022, tại xứ Đồng, Cửa Kho, thôn Kiến Phong có 35 lô đất được Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng huyện An Dương làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và tổ chức đấu giá. Lần đấu giá đầu tiên bán được 20 lô, còn 15 lô không có người tham gia đấu. Trước đây, những lô trúng đấu giá thường chênh so với giá khởi điểm vài triệu thậm chí cả chục triệu/m2 thì nay chỉ chênh so với giá khởi điểm vài chục đến vài trăm nghìn/m2 và hầu hết các lô đất chỉ có 1 người tham gia đấu giá, không còn tình trạng phải tranh nhau như trước.

Hay như xã An Hòa, huyện An Dương là địa phương có lợi thế gần các khu công nghiệp lớn của TP Hải Phòng như khu công nghiệp An Dương, Tràng Duệ. Nhưng từ khi thị trường BĐS trầm lắng thì mọi nhu cầu giao dịch đất ở đây cũng "bất động" luôn.

Xứ Đồng, Cửa Kho, thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái, huyện An Dương - nơi chỉ cách trung tâm TP Hải Phòng 3-5 km nhưng lần đấu giá đầu tiên 15 lô đất trên tổng số 35 lô cũng bị ế vì không có người tham gia.

Lãnh đạo xã An Hòa cho biết: Cuối năm 2022 (gần Tết), địa phương có 12 lô đất được đấu giá, nhưng chỉ có 1 lô có người tham gia đấu và trúng, còn 11 lô không có người trả giá. Đầu năm 2023, những lô đất “ế” đã được đấu lại lần 2, nhưng vẫn chưa bán được lô nào.

Được biết, năm 2023, thành phố giao huyện Thủy Nguyên thu 950 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Hết quý I, huyện mới thu được 25,7 tỷ đồng số tiền đấu giá đất phải thu chuyển tiếp từ năm 2022.

Ông Phạm Văn Hậu – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên chia sẻ: Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã tổ chức đấu giá lại 2 lần đối với 25 lô đất đấu giá tồn – chưa đấu thành công của năm 2022. Sau 2 lần đấu lại đã có thêm 8 lô có người trúng đấu giá, còn 17 lô vẫn chưa đấu thành công. Trong khi đó, giá đất đấu giá lại được xây dựng trên cơ sở kết quả trúng đấu giá của các lần trước, lượng người mua giảm đến 70% so với thời kỳ sôi động, nên tìm được khách tham gia đấu giá là việc rất khó khăn. Hiện, đơn vị đang xây dựng kế hoạch, hạ tầng... để sắp tới triển khai đấu giá một số khu mới, nhưng với tình hình này chắc sẽ gặp nhiều khó khăn vì lượng khách không nhiều.

Dự toán khá cao trong khi gần hết 5 tháng đầu năm, số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều quận, huyện của TP Hải Phòng đạt tỷ lệ thấp là một áp lực không nhỏ đối với công tác đấu giá đất tại các địa phương, đòi hỏi phải có ngay các giải pháp thật cụ thể và quyết liệt. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đối với những lô đất đã tổ chức đấu lần 3 mà vẫn chưa có người mua, cần xem xét lại giá khởi điểm, vì có những trường hợp giá khởi điểm cao hơn so với giá thị trường trong khi lượng người tham gia đấu giá tại Hải Phòng hiện nay chủ yếu là những người có nhu cầu thực, rất ít “cò đất” tham gia. Đối với những khu đất có kế hoạch chuẩn bị đấu giá, các đơn vị có liên quan cần xem xét kỹ lưỡng đưa ra mức giá khởi điểm phù hợp với thực tế, tránh tình trạng đất đấu giá có giá cao hơn “ đất ngộp” đang được rao bán cắt lỗ ngoài thị trường.

Thanh Vân

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/dau-gia-dat-diu-hiu-chi-tieu-thu-ngan-sach-cua-hai-phong-chiu-anh-huong-1092662.html