Đấu giá quyền sử dụng biển số ô tô – chuyện cũ viết lại

Nói là chuyện cũ viết lại bởi cách đây đúng năm năm, người viết đã có bài 'Cần nhanh chóng thực hiện đấu giá biển số xe' trên Kinh tế Sài Gòn (số 17 năm 2017 ra ngày 27-4-2017) viết về cùng đề tài, nhân chuyện tại thời điểm đó Bộ Công an đã họp với đại diện các bộ Tài chính, Tư pháp để lấy ý kiến, xây dựng dự thảo đề án đấu giá biển số xe.Nhược điểm của phương án 'biển số xe đi theo người'chính là cho phép chuyển nhượng, thậm chí thừa kế, cho tặng, thế chấp biển số mà không cần phải gắn nó với một chiếc xe cụ thể nào, là một việc hoàn toàn trái với ý nghĩa và bản chất của việc cấp biển số xe.

Biển số xe “hiếm”, “độc”, và “đẹp” là một nguồn thu ngân sách lớn có giá trị. Ảnh: N.K

Bài viết trên nhấn mạnh đấu giá biển số xe là việc cần thiết và cần làm ngay, dựa trên những lợi ích mà nó sẽ mang lại. Một mặt, biển số xe, nhất là những biển số thuộc hạng “hiếm”, “độc”, và “đẹp” là một nguồn thu ngân sách lớn có giá trị. Một số ví dụ được nêu ra, gồm biển số xe cổ “S 32 H” ở Singapore được chốt ở mức giá quy theo tiền Việt tại thời điểm đó là 5,4 tỉ đồng. “Khủng” nhất có lẽ là biển số “1” có giá lên tới 111 tỉ đồng tại Ảrập Saudi.

Ngoài ra, trong xã hội luôn có nhu cầu có biển số xe theo ý muốn, có thể không hẳn là phải hiếm, độc, đẹp nhưng lại hợp với vận mệnh, phong thủy hoặc sở thích riêng của người chủ xe.

Mặt khác, cách thức cấp biển số xe theo kiểu bấm số lựa chọn ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký như của Việt Nam, tuy mang tiếng là ngẫu nhiên những vẫn không… ngẫu nhiên, bởi người có chức trách vẫn có thể can thiệp được. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều “siêu xe” của các đại gia lại được gắn biển hiếm, độc, đẹp.

Bởi vậy, cách thức hợp lý, hợp lòng người và phù hợp lợi ích của các bên nhất chính là đấu giá biển số xe để người thích và có khả năng tài chính thì sẽ được cấp biển như ý, trong khi Nhà nước có thêm một nguồn thu đáng kể, đồng thời đảm bảo được tính khách quan, minh bạch, tránh được tình trạng trục lợi của một số quan chức trong ngành.

Tuy nhiên, chẳng rõ vì lý do gì và kết quả cuộc họp giữa Bộ Công an và các bộ khác nêu trên ra sao mà đến tận đúng năm năm sau Bộ Công an mới… nhích thêm được một bước là đưa ra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Thời gian thai nghén dài như vậy nhưng dự thảo này vẫn có nội dung không rõ ràng liên quan đến một trong những vấn đề và cũng là vướng mắc chính trong việc triển khai đấu giá biển số xe. Đó là quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá biển số ô tô. Vấn đề này có trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo, như nêu rõ ở điều 1 dự thảo. Nhưng đáng nói là ở điều 2 của dự thảo về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số ô tô thì lại không thấy có quy định gì liên quan, mà chỉ có mấy dòng nói về sự thiếu vắng các quy định pháp lý cụ thể, gồm quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số.

Quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số ô tô thực ra chỉ được nêu, và cũng chỉ nêu một phần trong tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá đính kèm với dự thảo. Nói là chỉ được nêu một phần bởi mục 6 của phần nội dung cơ bản của tờ trình chỉ nêu về quyền mà không đề cập gì đến nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Điều quan trọng là dự thảo nghị quyết nói trên của Quốc hội lại không hề có một dòng nào đề cập đến đề án thí điểm này của Chính phủ.

Như vậy, về nguyên tắc, dự thảo nghị quyết một khi được thông qua trong tình trạng khiếm khuyết như hiện tại sẽ không cung cấp một định hướng rõ ràng cho Chính phủ trong việc trao quyền và nghĩa vụ gì đối với người trúng đấu giá biển số xe. Cũng bởi vậy, Chính phủ, nơi tổ chức và báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết cũng không thể thực hiện được các nhiệm vụ này.

Xin nói thêm về hai phương án đang được xem xét về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe tại Việt Nam. Theo đó, phương án thứ nhất, “biến số xe đi theo xe”, cho phép người trúng đấu giá biển số xe được sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi biển số. Đây là phương án đang được áp dụng ở Việt Nam hiện nay.

Có ý kiến cho rằng nhược điểm của phương án này là “hiệu quả đấu giá không cao, tài sản công sẽ không được khai thác tối ưu”. Có lẽ ý kiến này được hình thành từ nhận định rằng nếu không cho phép chuyển nhượng thì người đấu giá không muốn trả giá cao cho biển số mang ra đấu giá vì khó thu được lợi nhuận (cao) từ việc đấu giá và bán lại biển số (kèm xe).

Về nhược điểm này, có thể tham khảo cách làm ở Singapore. Ở nước này, người trúng đấu giá chỉ được giữ biển số khi nó được đăng ký cho một chiếc xe cụ thể nào đó, tức là sẽ không có những trường hợp, ví dụ, tháo biển ra giữ lại làm của để dành hoặc bán nó cho người khác. Để có thể bán/chuyển nhượng biển số một cách hợp pháp, người trúng đấu giá sẽ đăng ký biển số này cho một chiếc xe cũ, hỏng, rẻ tiền nào đó. Sau đó, người trúng đấu giá bán chiếc xe cũ này với biển số gắn trên nó cho người chủ mới, với một số chi phí trả cho chính phủ gắn kèm với việc bán này. Người chủ mới của biển số có thể dùng cách tương tự để đăng ký biển này cho một cái xe nào đó như ý muốn. Trong trường hợp đấu giá biển số cổ “S 32 H” ở Singapore nói trên, biển số này từng được gắn trên một chiếc xe cổ nhưng tại thời điểm đấu giá nó đang được gắn cho một chiếc xe hiệu Mercedes C180. Việc chuyển biển số như thế này có thể tái diễn một hoặc nhiều lần như vậy nữa.

Theo cách trên của Singapore thì phương án thứ nhất cần thay đổi một chút, từ “biển số đi theo xe” (một chiếc xe duy nhất) sang “biển số gắn với xe” (bất kể xe nào), và người chủ của biển số (và xe) được phép chuyển nhượng cho người chủ mới.

Phương án thứ hai được đề xuất là “biển số xe đi theo người”. Người trúng đấu giá sẽ được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, thế chấp biển số trúng đấu giá. Người sở hữu biển số khi bán phương tiện vẫn có thể giữ lại biển số để đăng ký cho phương tiện khác của mình. Nhược điểm của phương án này được cho là nó sẽ tạo ra thị trường mua bán, đầu cơ biển số.

Thực tế thì phương án thứ nhất như nói ở trên cũng vẫn tạo ra thị trường mua bán, đầu cơ biển số, thông qua việc chuyển nhượng sở hữu một cách gián tiếp. Nên đây sẽ không phải là nhược điểm để loại bỏ phương án thứ hai. Thay vào đó, nhược điểm của phương án thứ hai này chính là cho phép chuyển nhượng, thậm chí thừa kế, cho tặng, thế chấp biển số mà không cần phải gắn nó với một chiếc xe cụ thể nào, là một việc hoàn toàn trái với ý nghĩa và bản chất của việc cấp biển số xe.

Bởi vậy, cân nhắc thiệt hơn thì phương án thứ nhất vẫn nên được áp dụng. Việc chuyển nhượng sẽ được đảm bảo/tạo thuận lợi nếu chủ sở hữu biển số (và xe) được quy định có nghĩa vụ phải làm thủ tục sang tên chuyển quyền sở hữu nếu không muốn phải chịu hoàn toàn các hậu quả pháp lý khi xe và/hoặc biển số này vướng vào rắc rối pháp lý nào đó.

Phan Minh Ngọc

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dau-gia-quyen-su-dung-bien-so-o-to-chuyen-cu-viet-lai/