Đấu giá tác phẩm nghệ thuật, tiềm năng lớn

Cụm từ 'đấu giá' từ lâu đã không còn xa lạ tại Việt Nam nhiều năm qua, nhưng đấu giá tác phẩm nghệ thuật thì lại khá mới mẻ. Tuy vậy, nó lại đang được đánh giá là phương thức bán hàng mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới, nhất là khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017.

Bức tranh sơn dầu mang tên “Hạnh Phúc” của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ có giá khởi điểm 50 triệu đồng cũng được bán với giá 65 triệu đồng cho ông Su Wen Neng, quốc tịch Trung Quốc

Bức tranh sơn dầu mang tên “Hạnh Phúc” của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ có giá khởi điểm 50 triệu đồng cũng được bán với giá 65 triệu đồng cho ông Su Wen Neng, quốc tịch Trung Quốc

Một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong việc đưa đấu giá nghệ thuật vào Việt Nam có lẽ là Công ty Cổ phần đấu giá Lạc Việt. Hoạt động trong lĩnh vực đấu giá từ rất sớm, Công ty Lạc Việt đã có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động đấu giá rất nhiều các loại hàng hóa. Tuy nhiên, nhận thấy, đấu giá các tác phẩm nghệ thuật là loại hình mới mẻ, đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng lại chưa được chú ý tại Việt Nam, trong khi Việt Nam lại có khá nhiều tiềm năng để hình thức đấu giá này phát triển, DN này đã mạnh dạn “lấn sân” sang đấu giá các tác phẩm nghệ thuật vào đầu năm 2016.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Lạc Việt đã tổ chức rất nhiều phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thu hút sự quan tâm rất lớn của giới nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Sau các phiên đấu giá, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật cũng đã được giao dịch thành công, với mức giá cao hơn rất nhiều so với mức giá ban đầu đưa ra. Điển hình như cặp chóe sứ Thanh Chiều thế kỷ thứ XIX có giá khởi điểm là 45 triệu đồng và đã được bán với giá 75 triệu đồng khi kết thúc phiên đấu giá. Bên cạnh đó, bức tranh sơn dầu mang tên “Hạnh Phúc” của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ có giá khởi điểm 50 triệu đồng cũng được bán với giá 65 triệu đồng cho ông Su Wen Neng, quốc tịch Trung Quốc...

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đấu giá Lạc Việt cho rằng: Việc đưa loại hình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật vào hoạt động thời điểm này tuy còn mới mẻ tại Việt Nam, nhưng nó lại không còn sớm. Nhất là tại quốc gia có bề dày văn hóa, với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới như Việt Nam.

“Việt Nam cũng đang hội nhập mạnh mẽ với kinh tế khu vực và thế giới, với tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh, nhu cầu thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đang phổ biến trong nhân dân, thì việc đưa loại hình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật vào Việt Nam thời điểm này là vô cùng phù hợp” - bà Đỗ Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Các chuyên gia nhận định, hoạt động đấu giá các tác phẩm nghệ thuật nếu hoạt động tốt, sẽ mở ra kênh mua bán những tác phẩm nghệ thuật một cách công khai, minh bạch, tạo cơ hội cho lĩnh vực nghệ thuật phát triển, hội nhập với thế giới. Đặc biệt, thông qua các phiên đấu giá, không chỉ giúp cho người mua hiểu hơn về giá trị của những tác phẩm nghệ thuật, mà còn giúp người bán bán được tác phẩm với mức giá phù hợp hơn, nâng tầm giá trị của các tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đỡ thiệt cho cả người bán và người mua, thì các công ty hoạt động đấu giá trong lĩnh vực nghệ thuật cũng cần có một đội ngũ chuyên gia, thẩm định chuyên nghiệp, tránh việc thật giả lẫn lộn.

Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh cho rằng, Lạc Việt cũng đã thành lập một Hội đồng thẩm định với đội ngũ chuyên gia là những người rất có uy tín, am hiểu về nghệ thuật. Bên cạnh đó, khoản tiền cao nhất Lạc Việt nhận được khi đấu giá thành công một tác phẩm nghệ thuật là 300 triệu đồng, trong khi đó doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất nhiều, từ trưng bày, đến tuyên truyền, hay thuê địa điểm tổ chức phiên đấu giá… Và chỉ cần sơ suất trong quá trình thẩm định, giám định tác phẩm thì chi phí bồi thường cho người thắng đấu giá là rất lớn. Vì thế, các tác phẩm nghệ thuật trước khi được trưng bày và mang ra đấu giá phải được Hội đồng thẩm định chất lượng và nguồn gốc xuất xứ một cách nghiêm túc.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-gia-tac-pham-nghe-thuat-tiem-nang-lon-86256.html