Đấu giá tranh 'Thiếu nữ cầm quạt' của họa sư Nam Sơn

Dự kiến vào ngày 22/10, tại Paris (Pháp), nhà đấu giá Aguttes sẽ đưa bức tranh lụa 'Thiếu nữ cầm quạt' của họa sĩ Nam Sơn – Người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lên sàn đấu giá tại trung tâm Drouot danh tiếng. Giá khởi điểm của bức tranh là 50.000 euro/ 80.000 euro (tương đương từ 1,4 đến 2,2 tỷ đồng).

Tranh lụa Thiếu nữ cầm quạt.

Tranh lụa Thiếu nữ cầm quạt.

Lụa là một trong những chất liệu ưa thích của Nam Sơn. Với bức tranh lụa “Về chợ” vẽ năm 1927, có thể coi Nam Sơn là người vẽ tranh lụa đầu tiên của Việt Nam theo bút pháp phương Tây. Trước đó, vì thiếu thông tin nên một số ý kiến cho rằng: Các bức tranh “Chơi ô ăn quan” và “Lên đồng” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) vẽ năm 1931, là những tranh lụa đầu tiên của Việt Nam.

Tranh lụa của họa sư Nam Sơn được đấu giá gần đây nhất là bức “Thôn nữ Bắc Kỳ” ngày 26/3 cũng tại Pháp. Ban đầu mức giá khởi điểm rất khiêm tốn, chỉ là 35 ngàn euro, nhưng giá chốt của phiên giao dịch là trên 205 ngàn euro, quy ra tiền Việt là gần 6 tỷ đồng.

Tranh của họa sư Nam Sơn nổi tiếng thế giới từ lâu. Từ những năm 1930 và 1935, Bộ Giáo dục và Mỹ thuật Pháp đã mua 2 bức tranh của ông, một vẽ mực nho “Hồng Hà hữu ngạn mãi mại mễ xứ” (Chợ Gạo sông Hồng) và một bức tranh lụa vẽ một người thiếu nữ nông thôn. Bản thân ông cũng đã giành Huy chương Bạc triển lãm mỹ thuật Quốc tế tại Paris năm 1932 và được Nhà nước Pháp mua tranh đưa vào Bảo tàng Quốc gia Pháp…

Bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” được vẽ vào khoảng năm 1935/1936, với kích thước 43 x 61,5cm. Trong tranh thể hiện chân dung một cô gái đang ngồi trên phản, tay phải cầm một chiếc quạt bằng giấy mỏng màu trắng, có vẽ cành lan. Chân trái xếp bằng, chân phải co lên, cô mặc áo dài xanh, quần mầu trắng, cổ đeo kiềng. Gương mặt cô gái dịu dàng, mang vẻ đẹp kín đáo, thanh lịch. Dưới đất là đôi guốc mộc.

Góc trái phía dưới bức tranh có chữ ký “NGUYỄN NAM SƠN”. Trên chữ ký là một con dấu tròn cách điệu, trong vòng tròn ghi chữ hán “Hàn Tùng”. Bên phải, lạc khoản chữ Hán ghi: “Thần Kiếm hồ Nguyễn Nam Sơn” nghĩa là: Người ngụ bên hồ Hoàn Kiếm tên là Nguyễn Nam Sơn. Dưới là một triện rất đẹp hình chiếc lá, trên lá viết “kiếm hồ”.

Là một người được xem nhiều tranh của họa sư Nam Sơn bản gốc, tôi thấy có nhiều bức tranh ký chữ “Thần Kiếm hồ Nguyễn Nam Sơn” và ký cả chữ quốc ngữ. Vì vậy, tôi rất phân vân khi xem bức tranh “Thôn nữ Bắc Kỳ” được đấu giá ngày 26/3 lại có thêm 2 chữ “bút ý” vào sau lạc khoản “Thần Kiếm hồ Nguyễn Nam Sơn”.

Hy vọng, mức giá của bức tranh lụa “Thiếu nữ cầm quạt” sẽ tạo một cột mốc mới đối với tranh của họa sư Nam Sơn.

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/dau-gia-tranh-thieu-nu-cam-quat-cua-hoa-su-nam-son-tintuc419808