Dấu hiệu Ấn Độ sẵn sàng cho giao tranh với Trung Quốc

Gia tăng lực lượng vũ trang, nâng mức cảnh báo quân sự trên toàn tuyến biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.

Tờ Times of India cho biết quân đội Ấn Độ đã được nâng mức cảnh báo quân sự và đã tăng cường binh lực và bố trí vũ khí trên toàn tuyến biên giới phía Đông.

Theo giới chức Ấn Độ, điều này có nghĩa là khu vực cao nguyên Doklam/Động Lãng đã được đặt trong tình trạng "không có hòa bình, nhưng cũng không có chiến tranh". Binh lính Ấn Độ cũng nhận chỉ thị "chỉ phòng thủ".

Trong khi đó, hãng PTI (Ấn Độ) nói rằng quân đội Ấn Độ đã tăng cường chuẩn bị cho chiến sự và gia tăng mức độ cảnh báo trên 1.400 km biên giới Sikkim cùng bang Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là vùng Tạng Nam).

Thông thường, Ấn Độ sẽ nâng mức cảnh báo này vào mùa Thu, tuy nhiên, năm nay nước này đã nâng mức cảnh báo về quân sự sớm hơn.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc chưa xuống thang. Ảnh minh họa: Deepakrana.

Quan chức Ấn Độ cho biết: “Điều này nhằm thể hiện sự thận trọng của chúng tôi. Chúng tôi buộc phải làm sau khi cân nhắc tình hình hiện tại”.

Động thái tăng binh được đề cập sau khi quân đội Trung-Ấn ngày 11/8, lần đầu tiên kể từ vụ đối đầu leo thang hồi tháng 6, tổ chức hội đàm dưới quốc kỳ cấp thiếu tướng tại cửa khẩu biên giới Nathu La giữa hai nước.

Hội đàm dưới quốc kỳ là hội nghị định kỳ được thỏa thuận giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm giải quyết các mâu thuẫn trong vấn đề biên giới giữa hai nước.

Hôm 8/8, song phương đã tổ chức hội đàm cấp chỉ huy lữ đoàn nhằm phá thế bế tắc ở Doklam, nhưng kết thúc thất bại.

Theo Times of India, trong hội đàm, song phương đã trao đổi ý kiến, cố gắng kiểm soát tình hình nhưng "không thu được kết quả". Phía Trung Quốc vẫn giữ yêu cầu Ấn Độ rút quân trước khỏi địa điểm xảy ra đối đầu, trong khi phía Ấn Độ muốn Bắc Kinh thu về các trang thiết bị để tu sửa con đường ở ngã ba biên giới Trung-Ấn-Bhutan.

Bộ trưởng Quốc phòng Arun Jaitley trong cuộc họp ngày 11/8 nói rằng, quân đội Ấn Độ “đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống” liên quan đến căng thẳng biên giới Trung-Ấn.

Ông Jaitley cũng bác bỏ các thông tin cho rằng, binh sĩ Ấn Độ thiếu đạn dược và nếu có chiến tranh cũng chỉ đủ sức cầm cự trong vòng 20 ngày: “Lực lượng phòng vệ Ấn Độ có đủ vũ khí để chiến đấu đến cùng. Không ai có quyền nghi ngờ về trang thiết bị vũ khí của quân đội Ấn Độ”.

Song song với các động thái trên, quân lính Ấn Độ cũng đã ra lệnh sơ tán người người dân tại làng Nathang (bang Sikkim), gần khu vực cao nguyên Doklam/Động Lãng, theo Nhân dân Nhật báo hôm 10/8.

Báo này viết trên Twitter rằng quân lính Ấn Độ đã ra lệnh sơ tán người dân và được đăng kèm một bức ảnh với chú thích rằng quân lính Ấn Độ và 2 xe quân sự đã vượt qua “đường biên giới được hai nước thừa nhận”.

Tờ The New Indian Express cũng đưa tin rằng hơn 100 người dân tại làng Nathang đã được yêu cầu rời bỏ nhà cửa tìm nơi an toàn nhằm đề phòng tình hình tại Doklam leo thang thành một cuộc chiến tranh ngắn ngày.

Khủng hoảng quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra khi nhóm công nhân xây dựng Trung Quốc bị phát hiện đang mở rộng một con đường ở vùng Doklam, khu vực cả Trung Quốc và Bhutan đều tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.

Là quốc gia có quan hệ đặc biệt với Bhutan, Ấn Độ đã điều quân tới ngăn cản việc mở rộng đường này. Chính quyền Bắc Kinh giận dữ với động thái đó, cho rằng New Delhi không có quyền can thiệp vào việc của họ và yêu cầu Ấn Độ rút quân.

Tuy nhiên thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không chấp nhận điều này, cho rằng việc xây đường của Trung Quốc ở khu vực gần với biên giới của Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc cũng là mối đe dọa với an ninh của khu vực đông bắc của Ấn Độ.

Trung Quốc nhiều lần lặp lại cảnh báo tình hình biên giới có thể leo thang thành xung đột nếu Ấn Độ không chịu ra lệnh rút quân.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dau-hieu-an-do-san-sang-cho-giao-tranh-voi-trung-quoc-3341025/