Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trên da trẻ sơ sinh các mẹ cần biết

Sau khi sinh, mẹ nên nhìn da bé bằng ánh sáng mặt trời, không nên nằm phòng tối và nhìn trẻ bằng ánh sáng đèn. Nhìn bé mỗi sáng để kịp thời phát hiện những thay đổi trên da của bé.

Mới đây, một bé sơ sinh 7 tuổi sống tại Quảng Ninh được gia đình đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng vàng da, bỏ bú, quấy khóc, dấu hiệu xoắn vặn.

Bác sĩ Vương Thị Hào, Trưởng khoa Sơ sinh bệnh viện này cho biết, trẻ nhập viện với nồng độ bilirubin trong máu rất cao (720 µmol/l). Bilirubin là một sắc tố vàng da cam, là chất thải của sự vỡ hồng cầu bình thường trong máu. Bệnh nhi được chẩn đoán vàng da nhân não, tiên lượng nặng.

Trẻ sơ sinh bị vàng da. Ảnh minh họa

Trẻ sơ sinh bị vàng da. Ảnh minh họa

Theo lời người thân bệnh nhi, bé sinh thường, đủ tháng. 3 ngày sau sinh, gia đình thấy da của trẻ hơi vàng nhưng nghĩ là bình thường, trẻ không được tắm nắng cũng như đi khám kịp thời. Đến ngày thứ 7, trẻ vàng da đậm hơn, quấy khóc nhiều, bỏ bú, gia đình mới cho đi khám.

Sau chẩn đoán, bệnh nhi được chỉ định thay máu. Theo các bác sĩ, quá trình điều trị cho trẻ gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ để lại di chứng bại não, tiên lượng xấu do không được điều trị kịp thời.

Tại sao trẻ lại bị vàng da?

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Anh Tiên, Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM), vàng da là biểu hiện thường gặp ở lứa tuổi sơ sinh. Trẻ bị vàng da, vàng mắt là do tích tụ chất gây vàng da, tên y học gọi là bilirubin.

Những đối tượng có nguy cơ vàng da nhiều như trẻ non tháng; trẻ có khối máu tụ, có bướu huyết thanh ở đầu; trẻ đỏ da (đa hồng cầu); trẻ bị nhiễm trùng…

Trong một số trường hợp, lượng bilirubin trong máu tăng quá cao, tích tụ lên não, gây ngộ độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân não), có thể khiến trẻ tử vong hoặc di chứng tâm thần vận động về sau.

Dấu hiệu nhận biết vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý

Vàng da sinh lý xuất hiện 24 giờ sau sinh. Mức độ vàng da nhẹ ở vùng mặt, ngực, bụng. Bé bú tốt và không có các triệu chứng khác đi kèm.

Vàng da sinh lý hết sau 10 ngày đối với trẻ sinh đủ tháng và 14 ngày đối với trẻ sinh thiếu tháng. Bé bú sữa mẹ có thể bị vàng da do sữa mẹ, tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sẽ bị kéo dài vàng da hơn.

Vàng da bệnh lý xuất hiện trước 24 giờ sau sinh. Bệnh có biểu hiện vàng đến cổ tay, cổ chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân, kèm theo các dấu hiệu bú kém hoặc bỏ bú, co giật, li bì, hay vặn mình…

Theo BS Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Từ Dũ), nếu vàng da tăng bilirubin gián tiếp mức độ bệnh lý thì phải điều trị bằng chiếu đèn hoặc thay máu, thuốc hỗ trợ là dịch truyền hoặc thuốc truyền tĩnh mạch.

Chiếu đèn cho trẻ sơ sinh bị vàng da. Ảnh: TL

Nếu vàng da tăng bilirubin trực tiếp là có liên quan đến bất thường gan hoặc mật, có thể dùng thuốc hoặc phải phẫu thuật.

Để phát hiện vàng da, các chuyên gia khuyến cáo, mẹ nên nhìn bé bằng ánh sáng mặt trời (không nên nằm phòng tối và nhìn trẻ bằng ánh sáng đèn sẽ không phát hiện kịp thời), nhìn bé mỗi sáng để phát hiện mức độ vàng da (ít nhất là liên tục trong 2 tuần đầu sau sinh). Vàng da bệnh lý tăng nhanh mỗi ngày, hoặc vàng da nhiều (vàng da đến cẳng tay, cẳng chân).

Đối với vàng da sinh lý, bố mẹ không nên quá lo lắng, bệnh có thể tự khỏi. Còn với trẻ có dấu hiệu vàng da bệnh lý cần phải được khám và điều trị kịp thời tại bệnh viện, tránh hệ lụy đáng tiếc về sau.

Nhiều bà mẹ thấy con vàng da liền cho phơi nắng quá mức, theo các chuyên gia, điều này là không nên. Phơi nắng ít có tác dụng làm giảm vàng da ở trẻ mà chỉ giúp phát hiện và theo dõi da trẻ dễ dàng hơn. Không ít trường hợp da bé bị khô, mất nước do mẹ cho phơi nắng quá nhiều.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người tự ý bôi kem ngoài da, cho con uống nước đường, tắm bằng các loại thảo dược... không những không giúp cải thiện tình trạng vàng da mà khiến bệnh của trẻ có nguy cơ nặng thêm.

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/dau-hieu-canh-bao-nguy-hiem-tren-da-tre-so-sinh-cac-me-can-biet-20190925191718816.htm