Dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ

Các chuyên gia về não giải thích những nguyên nhân như lười vận động, ăn nhiều chất béo, đường và hút thuốc có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.

Chứng sa sút trí tuệ là nguyên nhân tử vong đứng thứ bảy trong số các loại bệnh. Ảnh: Express.

Theo Eat This Not That, hơn 55 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với chứng sa sút trí tuệ - một chứng rối loạn có thể cướp đi trí nhớ và các chức năng nhận thức khác của bạn như suy nghĩ, khả năng đưa ra quyết định, ngôn ngữ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có gần 10 triệu ca mắc mới mỗi năm. Chứng sa sút trí tuệ hiện là nguyên nhân tử vong đứng thứ bảy trong số tất cả bệnh và là một trong những nguyên nhân chính gây tàn tật, phụ thuộc ở người cao tuổi trên toàn cầu.

Mặc dù hội chứng chủ yếu ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi, những người trẻ cũng có khả năng mắc bệnh này.

Điều cần biết về chứng sa sút trí tuệ

William Nields, Giám đốc y tế của trung tâm não bộ Grey Matters, cho biết: "Chứng mất trí nhớ bắt đầu từ rất lâu trước khi bạn gặp phải triệu chứng đầu tiên. Thực tế, đó là một quá trình kéo dài 20 năm, có thể bắt đầu vào tuổi 40 của bạn. Đó cũng là một tin tốt, vì nếu bạn sớm thay đổi lối sống phù hợp, bạn sẽ có nhiều thời gian để ngăn chặn hoặc trì hoãn chứng mất trí nhớ".

Không có cách chữa khỏi bệnh mất trí nhớ, tuy nhiên, có những cách để giúp giảm nguy cơ của chứng bệnh này.

Chứng sa sút trí tuệ có thể xuất hiện với cả người trẻ. Ảnh: Experto.

Sa sút trí tuệ được đặc trưng bởi rối loạn trí nhớ, thay đổi tính cách và thường thấy ở những người nghiện rượu lâu năm.

Có một số khuynh hướng di truyền đối với chứng sa sút trí tuệ thể Lewy và chứng mất trí nhớ Alzheimer, mặc dù các yếu tố môi trường và lối sống có thể đóng vai trò quan trọng trong việc khởi phát và tiến triển của các dạng bệnh sa sút trí tuệ.

Hester Le Riche, Giám đốc điều hành và người sáng lập của công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe, nói: "Chứng mất trí nhớ là một thuật ngữ chung cho hơn 50 loại bệnh thoái hóa não khác nhau. Nó thường bắt đầu với một số triệu chứng khó nhận biết trực tiếp và theo thời gian, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tăng lên".

Thay đổi lối sống có thể giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Theo tiến sĩ Giordano, duy trì sức khỏe tim mạch tốt và giảm các yếu tố nguy cơ trong lối sống (như chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường, hút thuốc, uống quá nhiều rượu, lối sống ít vận động) có thể góp phần giúp não bộ tốt hơn.

Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ nhận thức như học các kỹ năng mới, thu thập thông tin và duy trì hoạt động thể chất đều quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và mạch máu não cũng như duy trì chức năng não tổng thể.

Giám đốc điều hành Le Riche nói: "30% trường hợp sa sút trí tuệ có thể được ngăn ngừa nếu các cá nhân bắt đầu lối sống lành mạnh hơn".

Bên cạnh đó, lượng calo tiêu thụ với thực phẩm chế biến nhanh có liên quan đến suy giảm nhận thức. Phát hiện từ các nghiên cứu gần đây chỉ ra hoạt động thể chất thường xuyên, ngay cả hoạt động vừa phải như giãn cơ, có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức nhẹ (MCI).

Tập luyện thường xuyên, dù là hoạt động vừa phải, cũng giúp sức khỏe và não bộ hoạt động tốt hơn. Ảnh: Eat This Not That.

Dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ

Tiến sĩ Giordano giải thích các dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ bao gồm sự thay đổi trong khả năng nhận thức, chẳng hạn trí nhớ, lập kế hoạch, quen thuộc với các công việc hàng ngày, thay đổi bất thường trong tâm trạng, rối loạn giấc ngủ và tăng sự thất vọng.

Hầu hết dạng sa sút trí tuệ liên quan đến giảm trí nhớ ngắn hạn, tiếp theo là ngày càng mất trí nhớ, với những ký ức dài hạn còn tương đối nguyên vẹn, ít nhất là trong vài năm đầu của chứng rối loạn. Bệnh nhân trở nên dễ thất vọng, xúc động mạnh và có thể bị kích động hoặc hôn mê.

Tuy nhiên, dấu hiệu như hay quên những vấn đề nhỏ, lơ đãng nhẹ, thay đổi tâm trạng và thói quen ngủ không phải là nguyên nhân đáng lo ngại.

Nhưng nếu những dấu hiệu và triệu chứng này trở nên dai dẳng, phổ biến hoặc nghiêm trọng hơn, bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc và lời khuyên từ bác sĩ.

Dấu hiệu chính của chứng sa sút trí tuệ là trí nhớ kém, có nhiều thay đổi trong tâm trạng, rối loạn giấc ngủ. Ảnh: Buckner park way place.

Theo giám đốc điều hành Le Riche, các dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ khác nhau ở mỗi người. Các triệu chứng phổ biến bao gồm các vấn đề với trí nhớ, hành vi và thay đổi tính cách.

Một dấu hiệu khác của chứng sa sút trí tuệ là gặp khó khăn khi viết, đọc và nói. Bên cạnh đó, người mắc chứng này trong giai đoạn đầu có thể gặp khó khăn trong việc tìm ra từ chính xác để sử dụng trong một cuộc trò chuyện hoặc không hiểu những gì khác người đang nói.

Tại sao chứng sa sút trí tuệ phổ biến?

Tiến sĩ Giordano nói: "Thật khó để xác định liệu chứng sa sút trí tuệ có đang trở nên phổ biến hơn. Có một điều rằng tuổi thọ trung bình ngày càng tăng sẽ khiến khả năng thay đổi nhận thức liên quan đến tuổi tăng, bao gồm cả bệnh sa sút trí tuệ".

Ngoài ra, người cao tuổi mắc một số bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, tiểu đường...) có thể làm thay đổi chức năng não với các yếu tố di truyền và môi trường.

Nhà sáng lập Le Riche chia sẻ: "Cả di truyền và lối sống đều gây ra chứng sa sút trí tuệ. Một số loại sa sút trí tuệ, chẳng hạn sa sút trí tuệ tiền đình thái dương, có nhiều khả năng di truyền hơn bệnh Alzheimer. Bên cạnh đó người có các hành vi không lành mạnh như uống rượu, hút thuốc và không tập thể dục đầy đủ đều có nguy cơ mắc các yếu tố để phát triển chứng sa sút trí tuệ".

Lời khuyên dành cho người chăm sóc

Tiến sĩ Giordano giải thích: "Nhiều bệnh nhân bị sa sút trí tuệ trở nên dễ bối rối, lo lắng và kích động do hậu quả của sự thất vọng về nhận thức cũng như hành vi và khả năng của họ. Họ có thể lang thang, dễ bị phân tâm, lạc lõng, quên các mối quan hệ".

Hơn nữa, nhiều bệnh nhân sa sút trí tuệ gặp phải "hội chứng nhầm lẫn vào cuối ngày". Họ sẽ trở nên kích động hơn vào lúc chiều muộn và đầu giờ tối. Người chăm sóc phải kiên nhẫn và cởi mở với những thay đổi trong suy nghĩ, cảm xúc và hành vi về cả sinh lý và bệnh tật ở bệnh nhân.

Nhà sáng lập Le Riche nói: "Khi chăm sóc một người bị sa sút trí tuệ, cần phải hiểu rằng sự thờ ơ là rào cản. Ngồi yên cả ngày và không tương tác với người khác hoặc tham gia vào các hoạt động thể chất sẽ tác động tiêu cực đến các khớp, cơ và thậm chí là não bộ. Khi bạn không làm gì cả ngày, não bộ còn suy giảm nhanh hơn".

Dù người thân đang ở trong cơ sở chăm sóc trí nhớ hay vẫn sống ở nhà, người chăm sóc nên tạo cơ hội tích cực để bệnh nhân tham gia với những người khác, điều đó sẽ tác động sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của họ.

Hoàng Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-hieu-cua-chung-sa-sut-tri-tue-post1368252.html