Dấu hiệu của đạo đức là vui vẻ

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa có buổi xuất hiện khá hiếm hoi trước công chúng (những năm gần đây ông gần như lui về ở ẩn) trong buổi tọa đàm 'Chúng ta nói gì khi nói về tuổi 20 yêu dấu', được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, nhân dịp cuốn sách 'Tuổi 20 yêu dấu' của ông được phát hành tại Việt Nam. Sức nóng của tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp vẫn được đo bằng số lượng khán giả dự chật kín hội trường.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại buổi tọa đàm.

“Tuổi 20 yêu dấu” - 15 năm cho lần xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam

“Tuổi 20 yêu dấu” không phải là cuốn sách mới viết, nó là cuốn tiểu thuyết được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết xong từ đầu năm 2003, cách đây 15 năm. Năm 2005, cuốn sách được dịch và xuất bản bằng tiếng Pháp, phát hành tại một số nước như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada. 15 năm sau, 2018, cuốn sách lần đầu được xuất bản tại Việt Nam.

Thực ra thì người viết bài này cũng đã được tiếp cận tác phẩm “Tuổi 20 yêu dấu” khi nó mới được hoàn thành, dưới dạng bản thảo. Cảm giác lúc đó là một giọng điệu văn chương hoàn toàn khác với một Nguyễn Huy Thiệp như đã từng thấy. Và không phải dễ dàng chấp nhận ngay được.

“Tuổi 20 yêu dấu” được tác giả viết chỉ trong vòng một tháng, trong một căn phòng nhỏ trên đảo Cát Bà (Hải Phòng). Cuốn sách kể về Khuê - một thanh niên thành phố có bố là nhà văn nổi tiếng, nhưng cậu ta lại thấy chán ghét mọi thứ quanh mình. Sau một lần mâu thuẫn, Khuê bị bố đuổi ra khỏi nhà. Từ đó, cậu bắt đầu rơi vào thế giới giang hồ. Bắt đầu là cầm đồ, rồi sau đó là đua xe, gặp gái điếm, buôn lậu và hít heroin… Một lần, cậu bị đánh cho thừa sống thiếu chết và bị ném ra đảo hoang. Ở đây, cậu bắt đầu học cách sống tự lập…

Nhân vật chính trong truyện, được nhà văn viết từ nguyên mẫu là con trai mình, với những vật vã của tuổi trẻ khi bước vào đời. Lứa tuổi mà như nhà văn tâm sự trong buổi tọa đàm là lúc mà con người phải bước qua cửa tình: “Nó là cửa đầu tiên trong quá trình tu luyện thành người của con người”.

Tôi cũng từng yêu đương lăng nhăng lắm

Xuất hiện lần này, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mặc quần áo nâu sồng và trong cách nói, rất đậm phong thái của một người coi sống là một quá trình tu luyện, đi tìm “bản lai diện mục”, đi tìm đạo. Ông cho rằng:

“Trong dân gian có khái niệm tâm tưởng, tức suy nghĩ từ trong trái tim của mình. Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ chúng ta suy nghĩ từ đầu óc. Nhưng tôi nghĩ nên lắng nghe tiếng nói của trái tim mình, hãy dùng tâm tưởng của mình để mà sống, hành động. Nhiều khi tôi rất băn khoăn trong các vấn đề về đạo đức. Bản thân tôi khi còn trẻ cũng vậy thôi. Tôi nói thật là khi tôi còn trẻ trong tôi có nhiều tật xấu lắm, cũng yêu đương lăng nhăng lắm, nhưng tôi luôn luôn hành động theo tâm tưởng, theo trái tim của mình. Bằng kinh nghiệm của tôi, khi ta có người yêu, khi ta có tình yêu ấy thì không bao giờ ta tầm thường được. Còn về khái niệm đạo đức, các vấn đề khác ở tuổi trẻ khác, tuổi trung niên khác, tuổi già cũng lại khác. Tôi nghĩ nhiều sống phải đúng với độ tuổi, với cảnh giới. Tôi nghĩ, vấn đề đạo đức mình phải suy nghĩ bằng trái tim của mình, lắng nghe tiếng nói của trái tim mình”.

Nói rộng ra trong đời sống xã hội, khi mà cái ác lấn át cái thiện thì muốn thoát ra được, theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, phải trang bị mạnh mẽ cả về học vấn, sức khỏe, tiền bạc, ảnh hưởng xã hội… Nhà văn cũng cho rằng thời của tuổi trẻ hôm nay “khó hơn chúng tôi rất nhiều”.

Tự vấn rằng mình là ai? Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tâm sự: “Lúc còn trẻ tôi đi dạy học tôi nghĩ mình là nhà giáo, xong một thời gian sau lại thấy không phải. Có lúc tôi lại nghĩ mình là họa sĩ, tôi đi vẽ tranh. Rồi thấy cũng không phải. Rồi viết văn cũng thế. Năm nay tôi 69 tuổi. Và cuộc đời của mình là cả quá trình mà tôi cứ ngẫm đi ngẫm lại là từ nhỏ cho đến lớn, tôi đi tìm con đường cho bản thân tôi, gia đình tôi. Trong quá trình đấy tôi cứ tưởng mình là thế này, mình là thế kia. Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ mình vẫn trong quá trình đi tìm đạo. Đến tuổi này, tức là lúc tôi tu luyện là chính, tu luyện về tâm tính. Tuổi 69 là tuổi đối chọi với một núi bệnh tật nào là tiểu đường, nào là bệnh tim mạch.

Tôi vẫn nhớ kỷ nệm năm 2005, tôi sang Pháp và bị sốc, đau tim. Lúc đó ông Phạm Gia Khải sống ở Pháp. Ông đã viết một bức thư giới thiệu tôi đến một bác sĩ ở một bệnh viện tim mạch ở Hà Nội. Đến đấy tôi gặp ông Viện trưởng. Tôi giới thiệu mình là Nguyễn Huy Thiệp. Tôi có tặng bác sĩ mấy quyển sách và đưa thư của ông Khải viết giới thiệu. Ông hỏi tôi làm nghề gì, thì tôi bảo tôi là nhà văn, ông bác sĩ này bảo rằng nghề nhà văn thì làm gì có tiền, bệnh này tốn tiền bác ạ. Thế là tôi quyết định đi tìm con đường khác. Trong mấy năm nay tôi hoàn toàn không dùng thuốc tây. Và đến nay, tôi vẫn đi lại nhanh nhẹn, không ốm đau bệnh tật gì, và đến đây nói phét với các bạn được. Thế thì tôi nghĩ mình đã đi được đúng con đường. Tìm được con đường nào đấy để mình đi theo, phải phù hợp với hoàn cảnh bản thân mình”.

Có những điều không cần tiếc nuối

Khi được hỏi về việc trong quá trình sống, con người có cần hối tiếc về tuổi trẻ, về những việc đã qua, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã bày tỏ: Con người ta sống thì cũng có lúc thế nọ thế kia, cũng có điều hối tiếc và những điều không cần hối tiếc. Những gì đã qua thì là nó đã qua. Một trong những dấu hiệu của người có đạo đức cũng giống như một trang sách này, là một trong những dấu hiệu của đạo đức là vui vẻ. Một khi sống mà không vui thì nhìn lúc nào cũng cau có khó chịu, lúc nào cũng bất bình. Thế thì nó giống như người bị bệnh trĩ mà ngồi trong phòng vệ sinh. Cho nên là hãy vui đi, tinh thần chấp nhận cuộc sống phải cao, và cũng đừng sợ sai lầm. Đừng sợ những cái khó khăn, mà chúng ta còn có khát vọng. Hãy lắng nghe tiếng nói của trái tim mình.

Cho rằng tác dụng của văn học là hoàn toàn có, nhưng tác động của văn học cũng tùy hoàn cảnh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đồng tình với ý kiến có những cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời của một ai đó. Thay đổi theo hướng tốt hay theo hướng xấu cũng không phải do nhà văn, mà còn tùy vào số phận, tùy vào thiên kiến, đạo đức của người đọc.

“Chúng ta phải tìm ra thế nào là đạo đức. Chúng ta luôn đứng trong ranh giới của đúng sai, hay dở, và chúng ta cũng luôn đấu tranh với bản thân mình để chúng ta chọn. Và cuối cùng tôi nghĩ rằng, như tôi vẫn nói, cuối cùng con người ta vẫn phải hướng về đạo đức, hướng về cái thước đo quan trọng nhất của thượng đế là chân thiện mỹ”- Nguyễn Huy Thiệp ở tuổi xấp xỉ 70 gửi gắm một giá trị sống tới các bạn trẻ.

“Sự kiện cuốn sách “Tuổi 20 yêu dấu” được phát hành tại Việt Nam là sự chờ đợi từ độc giả yêu mến Nguyễn Huy Thiệp, có thể coi là sự kiện văn chương đáng chú ý trong năm nay. Tôi đồ rằng trong một đời sống văn học nhìn chung không có gì nổi bật thì cuốn sách này là một cuốn sách đáng quan tâm. Tôi nghĩ các bạn trẻ chính là những người nói tốt nhất về cuốn sách này, vì cuốn sách này xét cho cùng là viết về những người trẻ tuổi 20 thời chúng ta đang sống”.

TS Mai Anh Tuấn

Cẩm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/dau-hieu-cua-dao-duc-la-vui-ve-tintuc419228