Dấu hiệu động thai mẹ bầu cần biết để xử lý kịp thời

Khi bị động thai, mẹ bầu có nguy cơ cao phải đối diện với sảy thai và mất con. Chính vì vậy nếu bắt gặp bất cứ dấu hiệu nào dưới đây thì mẹ bầu nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để xử lý kịp thời.

Động thai (dọa sảy thai) được hiểu một cách đơn giản là sự bất ổn của thai nhi có thể dẫn đến sảy thai và thường gặp trog thai kỳ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến động thai, trong đó phải kể đến như trứng đã thụ tinh gặp trục trặc, mẹ bầu mắc bệnh về máu, bất thường về tử cung như viêm nhiễm cổ tử cung, u tử cung, tử cung co rút.

Đồng thời, suy nhược thể chất, làm việc quá sức, nghỉ ngơi không hợp lý, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng cũng là nguyên nhân dẫn đến động thai. Ngoài ra, bà bầu bị động thai còn do sự bất thường về nhiễm sắc thể hay một số bệnh mãn tính như suy tim, bệnh thận, mất cân bằng nội tiết tố.

Thông thường, hiện tượng này dễ xảy ra trong ba tháng đầu thai kỳ. Lúc này, bào thai rất yếu, kém phát triển, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị sự tác động của các yếu tố bên ngoài. Do đó, trong suốt thai kỳ mẹ bầu không nên chủ quan với bất cứ thay đổi gì trong cơ thể.

Động thai là dấu hiệu nguy hiểm báo trước sảy thai có thể xảy ra. (Ảnh: Internet)

Dấu hiệu động thai mẹ bầu cần biết

Thông thường, đau bụng 3 tháng đầu mang thai là điều không đáng lo ngại nhưng nếu có dấu hiệu đau bụng dưới, mỏi ở vùng thắt lưng, ra dịch màu hồng nhạt hoặc ít máu ở âm đạo thì bà bầu nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng động thai.

Khi bị động thai, bà bầu thường bị ớn lạnh, nguy hiểm hơn có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo. Có trường hợp chỉ xuất hiện vài đốm máu hoặc chảy một ít máu từ vùng âm đạo nhưng có trường hợp bị chảy máu khá nhiều. Dịch nhờn âm đạo tiết ra nhiều hơn bình thường.

Cơ thể xuất hiện cảm giác đau tức bụng kèm với đau lưng. Triệu chứng này thường bị bỏ qua vì nó gần với những triệu chứng thường gặp của mẹ bầu. Khi siêu âm thai, thai có hiện tượng bóc tách bánh nhau, thử thai âm tính hay mất triệu chứng mang thai ở giai đoạn đầu thai kỳ.

Làm gì khi bị động thai?

Hạn chế di chuyển và hoạt động nhiều, nên nằm nghỉ ngơi đúng tư thế.

Nghỉ ngơi, ăn uống điều độ và uống thuốc an thai theo chỉ định của bác sĩ.

Không được quan hệ tình dục và thăm khám, kiểm tra âm đạo để tránh bị kích thích cổ tử cung.

Không xoa bóp hay tác dụng mạnh lên phần bụng hoặc gây sức ép cho vùng tử cung, vùng lưng như cúi gập người, thay đổi tư thế đột ngột từ ngồi sang đứng.

Nên ăn những thực phẩm dễ tiêu, ít dầu mỡ, ăn nhiều rau quả, trái cây và những món ăn giúp an thai. Đồng thời, tuyệt đối không được sử dụng bất cứ loại thức ăn, đồ uống nào có chất kích thích như: Thuốc lá, rượu, bia...

Kiểm tra định kỳ rất quan trọng đối với mẹ bầu. (Ảnh: Internet)

Biện pháp phòng tránh động thai

Tránh lao động nặng, thức khuya.

Luôn giữ tâm lý được thoải mái, hạn chế căng thẳng và áp lực trong suốt quá trình mang thai.

Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, uống nhiều nước và hạn chế sử dụng chất kích thích hay thực phẩm bẩn.

Vận động thể dục, thể thao nhẹ nhàng như tham gia các lớp học yoga dành riêng cho mẹ bầu.

Khám thai định kỳ và nhanh chóng đến bệnh viện nếu thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường.

Không quan hệ tình dục trong những tháng đầu và tháng cuối mang thai.

Không để cơ thể thiếu sắt. Hãy bổ sung các thuốc tăng cường sắt cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nam Phong (TH)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/dau-hieu-dong-thai-me-bau-can-biet-de-xu-ly-kip-thoi-c20a291264.html