Dấu hiệu kinh tế Trung Quốc ứng nghiệm lời ông Trump

Kinh tế Trung Quốc ghi nhận các tín hiệu giảm sút, trước đó, ông Trump miêu tả nền kinh tế này 'vỡ như trứng'.

Ngày 14/11, Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố một loạt số liệu kinh tế cho thấy sự giảm sút mạnh của nước này về chi tiêu tiêu dùng, sản xuất của các nhà máy cũng như đầu tư của Trung Quốc.

Trung Quốc quả thực đã thấm mệt vì thương chiến?

Trung Quốc quả thực đã thấm mệt vì thương chiến?

Trong tháng 10 vừa qua, chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng của tháng trước đó 0,6%. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,8% của tháng trước.

Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định trong 10 tháng đầu năm lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng 5,2%, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi số liệu này được thu thập và tổng hợp từ năm 1998.

Một quan chức NBS cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt với một "tình hình kinh tế quốc tế phức tạp" gây sức ép giảm sút đối với kinh tế trong nước.

Chưa hết, ngày 13/11, Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NIFD) cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 5,8% vào năm 2020 so với ước tính 6,1% trong năm nay.

Đây là mức thấp nhất, dưới phạm vi mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% của Trung Quốc cho năm 2019, cho thấy ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại và những cơn gió ngược từ chính nội tại của nền kinh tế nước này.

Dự báo của NIFD phù hợp với dự báo Quỹ Tiền tệ Quốc tế và chỉ ra thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt, để đạt được mức tăng trưởng 6% cần thiết trong năm 2019 và 2020, để đạt được mục tiêu của chính phủ là tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020 so với năm 2010.

Theo NIFD, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực một thời gian dài trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chậm lại, đầu tư tư nhân có thể bị giảm sút bởi những bất ổn chiến tranh thương mại, trong khi tác động của các chính sách phản chu kỳ sẽ bắt đầu thể hiện trong quý đầu năm 2020.

Việc tăng trưởng kinh tế chậm lại đã khiến cuộc thảo luận về xôn xao về việc, liệu Bắc Kinh có nên đưa ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ của mình để hỗ trợ tăng trưởng, giống như nhiều nước phát triển đã làm, trong đó có Mỹ.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ đang gia tăng liên tục của Trung Quốc đang gây khó cho các nhà hoạch định chính sách. Dữ liệu mới của NIFD cho thấy, tỷ lệ tổng nợ trên GDP đã tăng quá mức trong năm qua, chỉ số này đã tăng 0,7% lên mức 39,2% trong quý III và tăng tổng cộng 2,0% trong 9 tháng đầu năm.

Nguồn tin SCMP cho biết trong cuộc gặp với các nhà kinh tế ở Bắc Kinh hôm 13/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

"Môi trường bên ngoài hiện tại đang trở nên phức tạp và nghiêm trọng, gây sức ép lớn lên nền kinh tế nội địa, đẩy giá thịt lợn và các sản phẩm khác leo thang, tạo ra nhiều khó khăn cho các công ty" - Thủ tướng Trung Quốc mô tả.

Các số liệu kinh tế Trung Quốc xấu đi đang phản ánh một nhận định của nhà lãnh đạo Mỹ cách đây chưa lâu.

Nói với các phóng viên khi cập nhật về tình hình đàm phán thương mại Mỹ-Trung, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Trung Quốc rất muốn đạt một thỏa thuận. Họ đang có một năm tồi tệ nhất trong 57 năm qua. Chuỗi cung ứng của họ đang vỡ như một quả trứng vậy… Họ muốn có một thỏa thuận, có lẽ họ sẽ phải ra được một thỏa thuận".

Trong phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York ngày 12/11, ông Trump cáo buộc Trung Quốc “gian lận”.

“Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, không một nước nào trục lợi kinh tế Mỹ nhiều hơn Trung Quốc" - ông chủ Nhà Trắng khẳng định.

"Tôi không muốn dùng từ 'gian lận', nhưng rõ ràng không nước nào gian lận giỏi hơn Trung Quốc”, ông Trump khẳng định.

Trung Quốc loay hoay sửa chính sách

Nhà phân tích Martin Lynge Rasmussen thuộc hãng tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics cảnh báo, dữ liệu kinh tế của Trung Quốc không chỉ suy yếu trong tháng vừa qua, mà tình trạng suy yếu sẽ còn được phản ánh trong thời gian tới. Ông dự kiến Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong tương lai gần.

Ông Li Yang, Cựu cố vấn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, người đứng đầu viện nghiên cứu trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), bình luận, “Sự suy giảm kinh tế là một xu hướng”.

Ông nói thêm, ”Chúng ta cần phải cải cách mạnh mẽ cơ cấu để cải thiện tình hình thay vì chỉ dựa vào các gói kích thích tiền tệ hoặc tài chính".

Ông Li cho biết, vấn đề thâm hụt tài khóa của chính phủ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và Bắc Kinh có thể phải phát hành thêm trái phiếu để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của mình.

Điều này có thể buộc ngân hàng trung ương phải gia tăng nắm giữ trái phiếu và sự phối hợp và sắp xếp thể chế tốt hơn giữa các cơ quan tài chính và tiền tệ.

“Chế độ kiểm soát vĩ mô cần được cải tổ lại” - vị chuyên gia nói thêm.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dau-hieu-kinh-te-trung-quoc-ung-nghiem-loi-ong-trump-3391421/