Dấu hiệu Mỹ mềm mỏng hơn về tương lai của Tổng thống Syria

Sau nhiều năm cố theo đuổi chính sách nhằm loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Mỹ dường như đang dần chấp nhận thực tế rằng chính khách này sẽ tại vị cho tới ít nhất năm 2021.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Ảnh: Reuters/ TTXVN)

Sau nhiều năm cố theo đuổi chính sách nhằm loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Mỹ dường như đang dần chấp nhận thực tế rằng chính khách này sẽ tại vị cho tới ít nhất năm 2021.

Tờ New Yorker dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu tiết lộ chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã sẵn sàng chấp nhận việc Tổng thống al-Assad tiếp tục nắm quyền cho tới cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo tại Syria dự kiến vào năm 2021

Trong phát biểu ngày 12/12, mặc dù vẫn khẳng định Washington cam kết với tiến trình đàm phán hòa bình tại Geneva của Thụy Sĩ và tin vào tương lai của Syria sẽ không có Tổng thống al-Assad, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cũng nhấn mạnh điều này tùy thuộc vào sức mạnh của nhân dân và sự quyết định của các cử tri Syria.

Nhận xét về quan điểm nói trên, ngày 12/12, cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Peter Ford cho rằng đây không phải một bước tiến lớn thực sự.

Theo ông, chính quyền Mỹ đã có sự nhượng bộ nhỏ trong việc chấp nhận thực tế mà thế giới đã biết từ lâu, đó là Tổng thống Syria "al-Assad sẽ không đi đâu cả."

Trong khi đó, trong ngày 12/12, các cuộc đàm phán hòa bình Syria tiếp tục diễn ra tại Geneva, bao gồm các cuộc đàm phán song phương riêng giữa Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura với phái đoàn của Chính phủ Syria và các phái đoàn thống nhất của phe đối lập.

Sau cuộc gặp với phái viên Liên hợp quốc, phái đoàn của Chính phủ Syria, đứng đầu là Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar al-Jaafari đã không đưa ra tuyên bố nào.

Trong khi đó, phe đối lập tuyên bố mục tiêu là thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Syria nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Phe đối lập cũng kêu gọi các bên cùng đàm phán về chuyển đổi chính trị trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Phe đối lập vẫn bảo vệ quan điểm Tổng thống al-Assad không được giữ bất kỳ vai trò gì trong chính phủ chuyển tiếp.

Đây là vòng đàm phán thứ tám về Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, đây được xem là cơ hội để Liên hợp quốc khôi phục các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần bảy năm qua và cướp đi hơn 340.000 sinh mạng.

Vòng đàm phán này đã bắt đầu từ ngày 28/11 và dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ngày 15/12 tới. Đặc phái viên Mistura cho rằng trở ngại lớn nhất là thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên.

Song song với tiến trình Geneva, một vòng đàm phán mới do Nga bảo trợ về giải quyết cuộc xung đột Syria sẽ diễn ra từ ngày 21-22/12 tới, tại thủ đô Astana của Kazakhstan.

Tại cuộc đàm phán sắp tới các bên dự kiến sẽ thông qua quy chế về nhóm làm việc phụ trách việc giải phóng những người bị bắt giữ, chuyển giao thi thể những người thiệt mạng và tìm kiếm những người mất tích.

Bên cạnh đó, các bên còn dự định thảo luận vấn đề hoạt động của các vùng giảm căng thẳng và thông qua tuyên bố chung về hoạt động viện trợ nhân đạo tại Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dau-hieu-my-mem-mong-hon-ve-tuong-lai-cua-tong-thong-syria/479484.vnp