Dấu hiệu nhận biết hẹp niệu đạo ở nam giới

Nam giới cần biết bệnh hẹp niệu đạo là gì? Dấu hiệu nhận biết hẹp niệu đạo như thế nào để đi thăm khám và điều trị kịp thời.

Hẹp niệu đạo là gì?

Hẹp niệu đạo là sự giảm khẩu kính của 1 đoạn hay toàn bộ niệu đạo thường do tổ chức xơ hóa ở bên trong hoặc xung quanh niệu đạo gây cản trở dòng nước tiểu đi từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Bệnh thường gặp sau chấn thương, viêm hoặc nhiễm khuẩn.

Niệu đạo là một ống dẫn nước tiểu từ cổ bàng quang đến lỗ sáo của dương vật. Ở nam giới khỏe mạnh, niệu đạo là đủ rộng cho nước tiểu chảy tự do qua nó. Theo giải phẫu, niệu đạo chia làm 3 đoạn: Niệu đạo tuyến tiền liệt, niệu đạo màng, niệu đạo xốp (gồm niệu đạo hành và niệu đạo dương vật).

Hẹp niệu đạo ở nam giới thường gặp hơn ở nữ giới.

Dấu hiệu nhận biết hẹp niệu đạo

Dấu hiệu nhận biết hẹp niệu đạo có thể từ nhẹ đến nặng. Dấu hiệu hẹp niệu đạo là cảm giác tiểu khó, dòng chảy chậm, lượng nước tiểu giảm, có máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh nhân không thể đi vệ sinh như bình thường mà phải được đặt một ống thông trên xương mu để đưa nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.

Sau đợt điều trị viêm nhiễm hay sau chấn thương, người bệnh than phiền đi tiểu khó, lúc tiểu tia nước tiểu yếu dần, xoắn tia và nhỏ giọt. Thời gian đi tiểu lâu hơn 30 giây đến 1 phút, cảm giác còn muốn đi tiểu nữa, kích thích rặn nhiều trong lúc tiểu.

Trường hợp bí tiểu thật sự, khi có kèm bội nhiễm hay sỏi kẹt làm chít hẹp hoàn toàn niệu đạo làm người bệnh rất khó chịu, căng trướng bàng quang, vật vã cần tiểu liền.

Thăm khám niệu đạo, phát hiện tổn thương như chít hẹp bao quy đầu, phát hiện những đoạn, cục xơ cứng niệu đạo khi nắn niệu đạo từ đầu đến gốc dương vật. Khi đặt ống sonde tiểu bằng ống sonde Nelaton 18 thì không qua được niệu đạo.

Nguyên nhân và cơ chế gây hẹp niệu đạo

Có nhiều nguyên nhân gây hẹp niệu đạo trong đó có các nguyên nhân chính sau:

- Di chứng của chấn thương, đứt niệu đạo do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông.

- Di chứng viêm nhiễm niệu đạo: Lao, lậu, HPV… Theo nghiên cứu, viêm niệu đạo thường do lậu cầu khuẩn. Viêm nhiễm từ niêm mạc niệu đạo các ổ tuyến Littre lan ra từ nang Morgagni gây xơ sẹo chit hẹp niệu đạo nhiều chỗ: niệu đạo trước, niệu đạo màng.

Hẹp niệu đạo do lao từ những tổn thương từ thận, bàng quang lan tới tiền liệt tuyến, niệu đạo hành. Hẹp niệu đạo còn do nhiễm khuẩn bao quy đầu bị chít hẹp và thường lây qua giao hợp. Hẹp niệu đạo do viêm nhiễm chủ yếu từ ngược chiều, nguyên nhân từ ngoài vào.

- Tai biến của điều trị: Đặt sonde niệu đạo, mổ nội soi u phì đại tuyến tiền liệt, mổ lấy sỏi niệu đạo, sau cắt bao quy đầu…

Phân biệt hẹp niệu đạo các bệnh khác

Bệnh hẹp cổ bàng quang do viêm xơ cổ bàng quang: gặp trong trường hợp sau mổ u xơ tiền liệt tuyến. Người bệnh có triệu chứng khó đi tiểu, khi đặt sonde tiểu, ống thông dừng lại trước cổ bàng quang, chụp niệu đạo có cản quang, trên hình ảnh X-quang không thấy thuốc cản quang vào được bàng quang.

– U xơ tiền liệt tuyến: người bệnh tiểu khó, tiểu rắt, đang tiểu ngắt giữa dòng, dòng tiểu giảm đột ngột, khi khám thăm trực tràng sờ được khối u. Bệnh này thường gặp ở người già.

Gia Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dau-hieu-nhan-biet-hep-nieu-dao-o-nam-gioi-291380.html