Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy cấp và cách xử lý hiệu quả

Tiêu chảy cấp là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Trẻ bị tiêu chảy có thể do nhiều lý do nhưng thường gặp nhất vẫn là do đường ruột trẻ bị nhiễm trùng hoặc bé bị dị ứng với thức ăn, sữa. Ngoài ra, nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy cũng có thể do virus, hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể. Bên cạnh đó, những trẻ trong độ tuổi 6 tháng đến 2 tuổi, trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ không có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trẻ có chế độ ăn không hợp vệ sinh,... cũng đều có nguy cơ bị tiêu chảy cấp.

Trong đó, bệnh sẽ trở nên nguy hiểm nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài không dứt, lúc này các mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra. Do vậy, bố mẹ cần nắm rõ các dấu hiệu cũng như cách điều trị cho con bị tiêu chảy cấp một cách hiệu quả.

Trẻ bị tiêu chảy cấp do nhiều nguyên nhân gây ra. (Ảnh minh họa: Internet)

Trẻ bị tiêu chảy cấp do nhiều nguyên nhân gây ra. (Ảnh minh họa: Internet)

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy cấp

Đi ngoài phân lỏng là dấu hiệu đầu tiên và điển hình nhất khi trẻ bị tiêu chảy cấp. Theo đó, trẻ sẽ đi ngoài ra phân lỏng, nhiều nước, đi nhiều lần trong ngày có thể từ 10 đến 15 lần/ ngày, mùi chua, phân nhầy, trường hợp bị lỵ phân sẽ có nước lẫn máu. Khi bị tiêu chảy, trẻ sẽ có dấu hiệu buồn nôn và nôn ói thường gặp khi bị tiêu chảy do rota virus hoặc do tụ cầu, trường hợp này thường khiến trẻ nôn nhiều trong vài ngày, dẫn đến tình trạng mất nước và chất điện giải. Đồng thời, do bị mất lượng nước lớn nên bé lúc nào cũng cảm thấy khát. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cho ngón tay sạch và khô trực tiếp vào trong miệng và lưỡi trẻ khi rút ra mà khô thì đó là trẻ bị mất nước.

Tiêu chảy nhiều ngày còn khiến trẻ bị kém ăn, biếng ăn. Không chỉ vậy, trẻ cón những biểu hiện vật vã, kích thích quấy khóc hoặc mệt lả, li bì hôn mê nếu tình trạng mất nước nặng hoặc sốt do giảm khối lượng tuần hoàn. Bên cạnh đó, khi trẻ khóc to không có nước mắt là bị mất nước trung bình. Mắt có thể bình thường, trũng hoặc rất trũng và khô.

Cần theo dõi sát sao tình trạng của trẻ để có hướng xử lý kịp thời. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong trường hợp trẻ bị mất nước nặng và sốc bàn chân bàn tay thường lạnh, ẩm, móng tay có thể màu tím hoặc da có nổi vân tím khi trẻ bị sốc nặng. Cạnh đó, bố mẹ có thể véo vùng da bụng và đùi rồi bỏ ra, nếp hằn da thường mất nhanh, khi nếu nếp véo da mất đi chậm hoặc rất chậm trên 2 giây là biểu hiện của mất nước nặng. Ở trẻ bị mất nước, trẻ sẽ thở nhanh do tăng chuyển hóa ở các trường hợp nước nặng và mạch thường rất nhanh và yếu.

Trẻ bị tiêu chảy cấp cần làm gì?

Khi thấy bé xuất hiện những dấu hiệu tiêu chảy, bố mẹ cần bổ sung nước cho trẻ để bù lại lượng nước mất đi. Ngoài ra, cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tránh trường hợp trẻ bị kiệt sức, giúp phục hồi chức năng đường ruột nhanh hơn. Lưu ý, nếu trẻ bị tiêu chảy kèm theo dấu hiệu sốt cao, đại tiện ra máu, đau bụng quằn quại thì bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để thăm khám và điều trị.

Nam Phong (TH)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/dau-hieu-nhan-biet-tre-bi-tieu-chay-cap-va-cach-xu-ly-hieu-qua-c21a294112.html